Ôn tập thế nào để tranh suất lớp 10 THPT công lập?

09/05/2023 - 12:14

PNO - Còn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM. Các giáo viên chia sẻ bí quyết ôn tập các môn thi để đạt kết quả cao.

Cô Trần Thị Thương Thương - tổ trưởng tổ ngoại ngữ, Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) - chia sẻ, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh chú trọng nhiều về yếu tố từ vựng. Để nắm được vốn từ vựng, học sinh cần phải rèn luyện thường xuyên thói quen học từ, làm bài tập ứng dụng từ vựng đó. Ngoài ra  có thể đọc thêm sách báo, truyện bằng tiếng Anh, phân loại theo danh từ, trạng từ, tính từ, là các từ vựng trong sách giáo khoa…

Với học sinh có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 chuyên tiếng Anh, cô Thương khuyên cần ôn luyện thêm kiến thức khó, mang tính học thuật và yêu cầu vận dụng cao. Chẳng hạn như cụm động từ, mệnh đề trong các dạng câu phức, đảo ngữ, tính từ ghép, trật tự đúng của tính từ, kết hợp từ, cụm thành ngữ hoặc tục ngữ cố định.

Còn 1 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2023 sẽ diễn ra
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7/6

“Để làm tốt đề thi tiếng Anh, học sinh cần nắm vững cấu trúc ngữ pháp, vốn từ vựng bằng cách rèn luyện nhiều dạng đề khác nhau, hoặc ứng dụng từ vựng, ngữ pháp đó trong đời sống hàng ngày bằng cách thực hành thường xuyên. Nếu học thông qua cách khai thác các đề trên mạng internet, học sinh cần chọn lọc, cân nhắc, không ôn luyện tràn lan. Có thể tham khảo đề thi gần đây để nắm cấu trúc đề thi, vừa luyện tập và kiểm soát thời gian làm bài” - cô Thương Thương chia sẻ.

Ở môn ngữ văn, ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, đề thi sẽ có “độ mở” cao, vì thế trong quá trình ôn tập học sinh cần tập trung rèn luyện kỹ năng và tích lũy kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.

Trong quá trình ôn tập, học sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận để có thể hoàn thành tốt bài nghị luận xã hội.

Riêng phần nghị luận văn học, cần chú trọng rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện. Nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học, đọc thêm các tác phẩm ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề. Dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể. 

“Với môn ngữ văn, nhiều thí sinh luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng đề thi tuyển sinh là phải khó, phải có nhiều bẫy. Chính vì tâm lý này mà trong quá trình ôn tập cũng như trong phòng thi, các em luôn mang tâm trạng lo lắng, căng thẳng, áp lực, ảnh hưởng đến việc bài làm. Đề thi tuyển sinh là các kiến thức, kỹ năng các em đã được học trong chương trình, vì thế không nên quá lắng…” - ông Trần Tiến Thành phân tích. 

Ông cũng khuyên rằng, trong quá trình ôn tập và làm bài thi, học sinh nên phân bổ thời gian hợp lý cho các phần, các câu, tránh rơi vào tình trạng quá sa đà vào một phần nào đó, sẽ ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

Giáo viên khuyên rằng học sinh nên hệ thống lại kiến thức, tránh chạy theo việc học thêm
Giáo viên khuyên rằng học sinh nên hệ thống lại kiến thức, tránh chạy theo việc học thêm

Ở môn toán, cô Nguyễn Tiến Thùy - giáo viên Toán, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) - nhìn nhận, kiến thức trong kỳ thi đòi hỏi cả một quá trình và phải có sự đào sâu. Do đó, ở thời điểm này học sinh cần rà soát, hệ thống lại kiến thức môn học của mình căn cứ vào ma trận của đề thi. Ở mỗi phần kiến thức trong đề thi, học sinh xem lại mình còn yếu kiến thức nào thì nên dành thêm thời gian để bổ sung kiến thức đó.

Cô chỉ rõ, khi làm bài thi, học sinh hay bị điểm thấp do đôi khi các bước giải không khớp với đáp án. Với các bài toán thực tế, đa phần học sinh gặp khó do đọc đề mà không phân biệt được lời văn và kiến thức toán. Trong khi đó, các bài toán thực tế rất dài, thường có yếu tố gây nhiễu, nếu không có kỹ năng đọc đề, học sinh sẽ mất nhiều thời gian vào các yếu tố này mà không xác định được chính xác vấn đề đề yêu cầu.

“Để làm tốt các dạng toán thực tế, học sinh cần phải rèn kỹ năng đọc hiểu. Muốn hình thành kỹ năng này, trước mỗi bài toán thực tế, cần đọc kỹ đề, tự viết các dữ liệu trong đề thành một bài toán theo công thức toán học đã được học, xác định đúng câu hỏi trong đề. Các bài toán thực tế thông thường sẽ được đưa về dạng toán tính %, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình để giải” - cô Thùy lưu ý.

Đặc biệt, giáo viên này khuyên rằng, thay vì quá lo lắng về kỳ thi và học thêm ở trung tâm, học sinh nên hệ thống lại kiến thức và tự giải các dạng đề, nắm thật chắc kiến thức cơ bản. Phần kiến thức nào cần được hỗ trợ thì nên tham khảo thêm ý kiến thầy cô. Phụ huynh cũng không nên quá sốt ruột mà vô tình tạo thêm áp lực cho con. Quan trọng nhất là phụ huynh nên đồng hành, dành thời gian theo sát, động viên con, tạo điều kiện để con hình thành kỹ năng tự học, tự tin bước vào kỳ thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm 2023 sẽ diễn ra trong ngày 6 và 7/6. Thí sinh sẽ dự thi 3 môn: văn, toán và ngoại ngữ. Riêng thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi thêm môn chuyên.

Mỗi học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng tuyển sinh. Học sinh thi chuyên được đăng ký 4 nguyện vọng chuyên. Việc xét tuyển sẽ được Sở GD-ĐT TPHCM xét theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trong đó, điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên sẽ được công bố trước. Thí sinh không đậu lớp 10 chuyên sẽ được xét tiếp đến 3 nguyện vọng thường.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI