Ôn tập, luyện thi tăng tiết ngay từ… đầu năm học

08/10/2014 - 15:51

PNO - PN - Việc thông tin về kỳ thi chung (năm nay chỉ thi một kỳ thi chung bốn môn dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét vào đại học) liên tục thay đổi khiến cả thầy và trò đang học lớp 12 lo lắng. Nhiều trường THPT phải gấp rút chọn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoang mang vì “2 trong 1”

Khai giảng năm học mới chưa bao lâu, nhiều HS lớp 12 trường THPT Ngô Gia Tự, THPT Nhân Việt, THCS-THPT Đào Duy Anh… đã tất bật ôn tập, tăng tiết chuẩn bị cho kỳ thi chung vào cuối năm. Em Nguyễn Hương Bình, HS lớp 12A2 Trường THPT Nhân Việt cho biết: “Mọi năm, trường đại học (ĐH) nào tuyển sinh khối gì, HS phải thi môn gì đều được ấn định từ đầu, nhưng năm nay chỉ thi một kỳ thi chung bốn môn dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH. Các trường ĐH đến giờ vẫn chưa công bố phương án tuyển sinh nên tụi em như ngồi trên lửa”.

Anh Văn Quý, phụ huynh Trường THCS-THPT Hồng Hà bức xúc: Việc trường ĐH chậm công bố điều kiện tuyển sinh đang làm khó người học. Ai chọn đúng ngành tuyển khối D (toán, văn, ngoại ngữ) thì không sao, như con tôi dự định thi khối C thì coi như phải ôn thêm hai môn nữa. Đó là chưa kể, một số trường ĐH yêu cầu các em phải qua kỳ thi phụ nữa thì sao, khi đó các em phải thi đến năm-sáu môn chứ không phải chỉ có bốn môn.

Chủ trương kỳ thi “2 trong 1” nhằm giảm áp lực thi cử cho người học là đúng đắn, nhưng việc triển khai đang khiến các trường phổ thông đau đầu. ThS Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt chia sẻ: Các trường đâu chỉ hướng HS đến kỳ tốt nghiệp THPT là xong, còn phải định hướng cho các em thi ĐH. Vì vậy, với kiểu thi mới, nhiều trường và cha mẹ sẽ phải chấp nhận cho HS học lệch. Ngay từ đầu năm học, nhà trường buộc phải khảo sát năng lực và định hướng để HS chọn đúng môn thi, khối thi nhắm vào ĐH và ra sức ôn tập, tăng tiết ngay. Hầu hết các trường đều phải gấp rút chuẩn bị ôn tập cho HS sớm hơn.

On tap, luyen thi tang tiet ngay tu… dau nam hoc

Học sinh trường THPT Hồng Hà trong một đợt ôn tập - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Thi chung vẫn chưa giảm áp lực

Để HS không “lọt lưới”, các trường phổ thông phải ôn luyện sớm hơn, thậm chí ngay đầu năm học đã lo luyện thi. Trường THPT Ngô Gia Tự có mặt bằng HS trung bình nên ngay thời gian này, giáo viên đã phải tăng cường ôn tập cho HS như tổ chức dò bài, kiểm tra hàng tuần cả tám môn có khả năng chọn thi. “Do mặt bằng học lực chung nên sự lựa chọn môn thi lúc này của các em chưa chính xác. Thầy cô qua quá trình ôn luyện sẽ tư vấn, định hướng để các em chọn đúng môn thế mạnh”, ông Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng trường cho biết.

Ngay đầu năm học, nhiều trường như THPT Gia Định, THPT Võ Thị Sáu, THPT Hồng Hà… đã tiến hành khảo sát cho HS chọn môn thi. Thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết, học lực HS đa dạng, có những em rất giỏi, cũng có em trung bình nên nhà trường chia lớp đúng học lực để giáo viên có phương pháp dạy phù hợp, hỗ trợ các em đạt được mục tiêu đúng với sức học. Tương tự, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết cũng đang tiến hành ôn tập thêm ba môn chính và một môn tự chọn. Trường THPT Long Trường cũng ôn tập các môn tự chọn từ nhiều tuần nay. Các trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Bình Phú… có kế hoạch ôn tập thêm từ giữa học kỳ I.

Với các trường THPT tư thục, việc khảo sát, luyện thi càng trở nên gấp rút, bởi nó không chỉ liên quan đến thành tích mà còn là việc khẳng định thương hiệu với người học và xã hội. Trường THPT Nhân Việt đã lên kế hoạch tăng số tiết cho các môn bắt buộc và căn cứ vào tỷ lệ đăng ký môn tự chọn của HS để điều chỉnh số tiết. Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến đã sớm luyện thi ngay từ đầu năm học với lịch học dày đặc từ sáng đến tối…

Trao đổi với chúng tôi, bộ phận tuyển sinh của nhiều trường ĐH cho biết việc cần lúc này là Bộ sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho kỳ thi “2 trong 1” để các trường sớm chốt phương án tuyển sinh.

ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhận định: Ôn tập, luyện thi sớm từ giờ này thì không cần thiết lắm vì rõ ràng phương án kỹ thuật để thực hiện tuyển sinh vào ĐH vẫn chưa có. Trước mắt, các em chỉ nên ôn ba môn thi bắt buộc và môn tự chọn, chờ đến khi có phương án thi cụ thể. Trường phổ thông phải tự điều chỉnh để người học vừa đảm bảo khối lượng chương trình chính khóa hoàn thành chương trình phổ thông, vừa tăng tiết để nhắm đến ĐH. Quan niệm việc ôn luyện như trên dễ dẫn đến học lệch, trong khi giáo dục phổ thông hướng đến kiến thức căn bản, toàn diện.

Mục tiêu thực hiện kỳ thi chung là nhằm giảm áp lực cho người học và xã hội, nhưng việc triển khai đang khiến các trường bối rối, người học hoang mang và thực tế là đang phải ra sức luyện thi ngay từ đầu năm học, áp lực thi cử dường như không hề giảm.

TIÊU HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI