Ơn mẹ

22/04/2014 - 08:20

PNO - PN - Khi thưa cùng cha mẹ chuyện muốn kết hôn, vợ chồng tôi gặp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình đôi bên. Tất cả cũng chỉ bởi chúng tôi vướng vào tuổi “tứ hành xung”.

Ban đầu, mẹ anh là người phản ứng mạnh mẽ nhất. Lý do của mẹ là không muốn con trai long đong lận đận. Chúng tôi phải kiên trì hơn một năm, thuyết phục mọi người bằng tình yêu chân thành của hai đứa. Có lẽ điều đó cộng với sự chăm chỉ của tôi đã khiến mẹ thay đổi thái độ.

Từ một người lạnh nhạt, hờ hững, mẹ đã quan tâm chăm sóc tôi như con cái trong nhà. Mẹ sốt sắng lo chuyện hỏi cưới. Gia đình tuy không giàu có gì nhưng tôi được anh đón về bằng một đám cưới rất long trọng, đủ để họ nhà gái và cả hàng xóm xuýt xoa. Sau này, khi tôi hỏi vì sao lại thay đổi đột ngột như vậy, mẹ cười: “Biết không cản được bây nên phải thuận. Mà đã quyết định như vậy rồi thì phải vun phải đắp hết sức chứ sao”.

Cưới xong, vợ chồng tôi trở lại thành phố sinh sống. Để chứng minh cho mọi người thấy chuyện xung khắc tuổi tác chỉ là quan niệm cổ hủ, chúng tôi cố gắng làm lụng và vun vén hạnh phúc gia đình. Đứa con thứ hai chào đời cũng là lúc gia đình đã xây nhà mới khang trang, lập một xưởng làm đồ gỗ ở ngoại ô và gầy dựng ổn định ba cửa hàng bán lẻ đồ nội thất trong thành phố.

On me

Mỗi lần về quê, mấy anh chị em lại hỏi han cách thức định hướng kinh doanh, xuýt xoa khen vợ chồng tôi làm ăn giỏi. Ngồi nhìn đàn con quây quần trò chuyện rôm rả, mẹ không nói gì nhưng nét mặt rất tươi. Con cái đã ra riêng, mỗi đứa lập nghiệp một nơi. Ba mẹ vẫn ở lại quê cùng đứa cháu nội đang học lớp 4, con của người anh thứ tư. Ba cháu mất sớm vì bệnh nan y, mẹ đã có gia đình khác. Mẹ chồng tôi bảo suốt đời sẽ không rời mảnh đất này, còn chút hơi thở cuối cũng ráng làm lụng nuôi cháu, không để thằng bé thiệt thòi thêm chút nào nữa.

Tai họa bất ngờ ập xuống gia đình bé nhỏ của chúng tôi. Bác sĩ bảo chồng tôi có những dấu hiệu giống hệt căn bệnh anh Tư từng không chống chọi nổi. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, chồng tôi đã phải rời bỏ công việc và cả những thói quen sinh hoạt hằng ngày. Để có tiền cho chồng điều trị lâu dài và duy trì kinh tế gia đình, không còn cách nào khác, tôi phải thay anh quản lý xưởng gỗ và coi sóc các cửa hàng. Lần đó, mệt lả sau một ngày quần quật, tôi lái xe thiếu tập trung và gây tai nạn. Ngoài việc phải đền bù thiệt hại cho cô bé sinh viên, tôi còn bị băng bột chân trái. Bác sĩ cho biết phải hơn một tháng mới có thể đi lại.

Hai vợ chồng ngồi nhìn nhau, cùng ứa nước mắt. Đường cùng rồi, tôi đành gọi điện cầu cứu mẹ chồng. Dù ngày trước khăng khăng “có chết cũng không đi đâu cả" nhưng khi nghe con dâu thuật chuyện xong, mẹ vội vã bỏ hết mọi thứ, đón xe tốc hành lên thành phố.

Nhìn dáng mẹ lom khom lo cho con cho cháu suốt ngày không ngơi tay, tôi không thể nói sao cho hết sự biết ơn. Nghe có chuyện lộn xộn ở xưởng gỗ, mẹ đòi đón xe ôm xuống tận nơi cho bằng được. Mẹ cũng tranh thủ theo cô kế toán đến các cửa hàng “coi nhân viên, khách khứa ra sao”.

Gần hai tháng trôi qua. Tôi tháo bột, đi đứng bình thường trở lại. Dù biết không thể nhưng tôi vẫn ước phép lạ nào đó khiến chồng được bình phục. Anh cũng đã sẵn sàng tâm lý cho việc sống chung với căn bệnh ung thư. Bây giờ, chồng tôi khuyên thế nào mẹ cũng không chịu về quê. “Ở nhà có ổng lo cho thằng Bảo. Mẹ sẽ ở đây với con, lo cho con, cho hai đứa nhỏ để con Thảo yên tâm làm ăn. Bệnh này mà nhà không có tiền sao tụi con chịu nổi”.

Có lúc yếu lòng, tôi ray rứt nghĩ chắc tại mình khắc tuổi nên chồng gặp nạn. Mẹ gạt đi: “Tầm bậy. Vợ chồng sướng khổ cùng gánh, đã quyết định về với nhau rồi thì không nghĩ linh tinh nữa”. Trong hoàn cảnh này, có mẹ cạnh bên là niềm an ủi lớn lao với vợ chồng tôi. Chưa bao giờ nói ra nhưng tôi biết ơn mẹ vô cùng.

 Như Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI