Ồn ào nhà hát ngàn tỷ: 'Vấn đề là xài tiền thế nào cho đúng'

03/10/2018 - 12:25

PNO - Đó là chia sẻ của NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) quanh dư luận về việc TP.HCM chủ trương chi tới 1.508 tỷ đồng để xây nhà hát.

Theo chủ trương, nhà hát này sẽ cùng Giáo xứ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đang hiện hữu tạo thành chuỗi công trình văn hóa - tôn giáo dọc sông Sài Gòn. Sắp tới, phiên họp thẩm định để duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án này sẽ diễn ra tại TP.HCM.

On ao nha hat ngan ty: 'Van de la xai tien the nao cho dung'
NSƯT Trần Vương Thạch trong căn phòng làm việc chật chội ngay dưới tầng hầm của Nhà hát Thành phố

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện thành phố còn nhiều việc cần giải quyết như chống ngập, kẹt xe… bỏ ngàn tỷ để xây nhà hát siêu sang là chưa cần thiết. Ông nghĩ sao?

NSƯT Trần Vương Thạch: Đương nhiên, TP.HCM đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng chuyện xây nhà hát không phải gần đây mới có, mà đã bàn lên bàn xuống suốt 20 năm qua. Chẳng qua, chủ trương xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm được đưa ra trong một thời điểm không thuận lợi (việc giải quyết đền bù cho hơn 10.000 dân ở Thủ Thiêm vẫn còn nhiều vướng mắc - PV), thành ra nhạy cảm.

Không ai nói việc giải quyết nạn kẹt xe, ngập úng, xây bệnh viện, trường học… không quan trọng. Nhiều năm qua, chúng ta đổ không ít tiền để xây trường, làm cầu… Thế nhưng, bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, cũng không nên xem nhẹ đời sống tinh thần, văn hóa của người dân.

Thời gian qua, chúng ta dường như bỏ quên vấn đề này, dẫn đến xuống cấp về lối sống, nhân cách. Giờ chính là lúc cần tập trung xây dựng văn hóa và đạo đức. Ta vin vào cớ nghèo, khó khăn nên không đủ điều kiện để chăm lo cho điều đó là không đúng. Vật chất và tinh thần phải được phát triển song song.

* Đến bây giờ, nhiều người vẫn nói, nhạc giao hưởng, thính phòng là thứ âm nhạc của nhà giàu, xa lạ với đại chúng. Có phải vì thế mà người ta phản ứng gay gắt chuyện ngân sách rót hơn 1.500 tỷ đồng cho một thứ nghệ thuật xa lạ, viển vông?

- Tài sản của nhân loại đã tồn tại hàng trăm năm nay, tại sao lại xa lạ? Xa lạ là bởi họ chưa có cơ hội, điều kiện để thưởng thức, để biết nó đẹp như thế nào. Thử hỏi, ở thành phố này, có nhà hát nào, đơn vị nào có chương trình biểu diễn thường kỳ (3 chương trình/tháng) như HBSO không? Kể cả bộ môn nghệ thuật “ruột” của thành phố là cải lương cũng không. Nhưng chúng tôi đang hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn.

Người ta lấy lý do nhạc giao hưởng, thính phòng là Tây, không phải Việt Nam, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ độc quyền nhà hát này. Nó sẽ là nơi tôn vinh cải lương hay những bộ môn sân khấu khác của thành phố và cả nước. HBSO từng thực hiện nhiều tác phẩm phối hợp với các đoàn nghệ thuật dân tộc, chứ có phải không đâu. Đây là nhà hát của TP.HCM, chứ không phải của riêng HBSO.

Muốn phục dựng, gìn giữ, phát triển văn hóa, chúng ta phải cho nó cơ hội. Xây nhà hát là một cơ hội như thế. Hiện chúng ta không có một thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho nó phát triển. Chúng ta có nhiều rạp hát, nhưng chất lượng kém, không đàng hoàng để biểu diễn. Không có tác phẩm tốt, sự rời bỏ của khán giả (không sớm thì muộn) sẽ không chỉ trong lĩnh vực này mà cả ở các bộ môn nghệ thuật khác.

Chúng ta đang có lỗi với đời sống văn hóa của chính chúng ta. Tôi nghĩ, đó là vấn đề xã hội của văn hóa, chúng ta đã không để ý trong suốt thời gian qua. Đừng so sánh với Sydney, New York, Paris; ngay cả nhiều nước trong khu vực cũng đã vượt qua mình về văn hóa rồi.

* Nhưng sao không quy hoạch lại hệ thống rạp hát, tận dụng đất của một công trình cũ, mà phải sang tận quận 2 với quá nhiều chi phí phát sinh?

- Nếu cần chỉ, tôi có thể chỉ ra nhiều điểm có thể xây nhà hát. Đâu phải tôi không thấy. Nhưng đó là chuyện của các nhà quy hoạch của thành phố. Những kiến trúc sư của thành phố phải sắp xếp chỗ đó chứ. HBSO chỉ là đơn vị thụ hưởng, chúng tôi không có quyền quyết định.

* Theo dự kiến, chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - cũng là “tác giả” của Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo với nhiều sai phạm trước đó. Liệu ông có lo ngại về một Nhà hát Trần Hữu Trang “thứ hai” không?

- Tất nhiên là lo. Muốn không lo thì phải làm cho đúng, cho chuẩn. Nhà hát không phải là công trình bình thường. Nó đòi hỏi những quy chuẩn kiến trúc khắt khe, phải thuê người có năng lực và chuyên môn để làm. Mở thi tuyển quốc tế để tìm mẫu thiết kế nhà hát thì sau đó phải làm cho đúng mẫu. Nếu làm có trách nhiệm, không tham nhũng, ăn bớt thì mọi thứ sẽ ổn.

On ao nha hat ngan ty: 'Van de la xai tien the nao cho dung'
Toàn cảnh chuỗi công trình văn hóa - tôn giáo dọc sông Sài Gòn

* Có đại diện nào của HBSO tham gia vào ban quản lý dự án này không?

- Hiện tại thì chưa. Trước đây, khi kế hoạch xây dựng còn trên giấy, không có hướng giải quyết, chúng tôi từng đề nghị chuyển  đơn vị đầu tư về HBSO để chúng tôi có thể giám sát chất lượng xây dựng. Chúng tôi sẽ thuê đội ngũ tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp để họ làm. Hơn nữa, khi là chủ đầu tư, chúng tôi có thể thương lượng, thúc đẩy dự án, cũng như kêu gọi xã hội hóa; nghĩa là chúng tôi có thể tham gia vào dự án, chứ không phải đứng ngoài nữa.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một bài học kinh nghiệm quá đau xót, quá lớn. Lần này, chúng tôi cũng đề xuất có đại diện tham gia ban quản lý, nhưng tới giờ vẫn chưa có câu trả lời từ thành phố. Còn chuyện xã hội hóa, chủ tịch UBND TP.HCM đã quyết định không xã hội hóa. Nhà hát này sẽ được xây bằng tiền ngân sách. Nếu để các đơn vị tư nhân nhảy vào, rồi họ đứng ra khai thác, muốn làm gì cũng khó.

* Kế hoạch xây nhà hát đã thay đổi nhiều lần và tới nay vẫn là “bánh vẽ”. Liệu lần này có khả thi không?

- Nói thực là tôi cũng không biết. Ba năm nữa tôi nghỉ hưu, tôi chỉ mong động thổ được công trình này. Việc xây nhà hát cũng chỉ là một trong rất nhiều việc phải làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật. Chúng ta phải có một chương trình, kế hoạch, bước đi cho nó căn cơ, không ảo tưởng. Vấn đề của TP.HCM không phải là vấn đề nghèo hay khó khăn mà là xài tiền thế nào cho đúng. Dùng tiền ngân sách mà chả đâu vào đâu, dân người ta phản ứng cũng đúng thôi. Nếu làm đúng, sẽ chẳng ai nói gì.

* Xin cảm ơn ông.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI