Ồn ào làng văn: Thơ “đắt như tôm tươi”?

25/09/2013 - 01:48

PNO - “Hiện tượng thơ”, “Thơ bán chạy như tôm tươi”... là những cụm từ mà giới truyền thông đặt cho nhà thơ trẻ Phong Việt và tập thơ Đi qua thương nhớ của anh nhưng rồi những ồn ào này cũng nhanh chóng đi vào im lặng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hồi tháng 3/2013, khá nhiều báo đưa tin tập thơ Đi qua thương nhớ của nhà thơ trẻ Phong Việt bán chạy đến mức chính tác giả cũng... choáng. Từ con số bản in đầu tiên là 3.000 cuốn, tập thơ đã liên tục được tái bản, lên đến 20.000 cuốn (theo thông tin đưa ngày 30/3 trên Báo Thể Thao - Văn Hóa).

Giới làm thơ ngơ ngác

On ao lang van: Tho “dat nhu tom tuoi”?

Phong Việt làm thơ từ khá lâu, độc giả quen thuộc thường theo dõi những tác phẩm của anh trên trang Facebook cá nhân. Đây là lần đầu tiên Phong Việt giới thiệu ấn phẩm in (64 bài được in khổ vuông 17x17 cm, giá bìa 45.000 đồng) đến với độc giả “truyền thống” của mình. Trong tình cảnh ế ẩm của sách văn học nói chung và thơ nói riêng như hiện nay, lý do gì thơ Phong Việt bán chạy đến thế?

Một số tờ báo cho rằng sức hút của thơ Phong Việt chính là vì sự cám dỗ từ những cuộc tình tuyệt vọng. Nhưng thật ra, nhà thơ chưa phải người nổi tiếng, cũng không ở trong giới showbiz để công chúng phải quan tâm quá mức đến đời sống riêng tư của anh. Hơn nữa, trong tập thơ cũng không thể tìm thấy chuyện này, mà đã là sáng tạo nghệ thuật thì đâu cũng anh - em, lúc nào cũng là tình cách xa với tình tuyệt vọng. Có thật là độc giả bị “hút” vì chuyện này đến độ bỏ tiền ra mua thơ?

Giới chuyên môn cũng bán tín bán nghi. Nhiều người tự hỏi có lẽ vì thơ của Phong Việt có tiếng nói chung với tâm trạng của giới trẻ hiện tại nên được độc giả trẻ đón nhận. Tuy nhiên, nếu bảo thơ của Phong Việt hay nên tạo nên cơn sốt thì không nhà chuyên môn nào công nhận.

Tái bản 20.000 cuốn (?!)

Một số tờ báo đặt câu hỏi liệu có hay không công nghệ PR rầm rộ đằng sau cuốn Đi qua thương nhớ. Có hay không việc tái bản 20.000 cuốn thơ?

Còn nhớ, trong Hội Sách TP.HCM 2012 diễn ra suốt một tuần liền, khá đông độc giả tới Công viên Lê Văn Tám. Các tác giả thực sự mệt nhoài vì ngày nào cũng ngồi ký mỏi tay vào sách bán cho người hâm mộ. Nhiều cuốn sách hay đã bán được ở mức ngàn cuốn mỗi ngày nhưng sau hội sách, ban tổ chức cho biết thống kê lại cũng chưa có đầu sách nào bán được quá 10.000 cuốn. Sau đó, thị trường trở lại im ắng, tất cả các đầu sách bán chạy đều chỉ tiêu thụ một lượng ít ỏi.

Một biên tập viên của một đơn vị làm sách văn học có tiếng trong giới cho biết sách văn học rất khó bán. Phải tổ chức rất nhiều hoạt động, chiến dịch, kể cả những cuốn ăn khách như Ngược chiều vun vút của anh chàng Joe hoặc đặc biệt như Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của GS Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn... mới có thể bán được. Thế nên, nghe nói thơ bán được tới 20.000 cuốn chỉ trong 3 tháng thì vị biên tập viên có kinh nghiệm trong nghề này chỉ cười: “Công ty nào làm cuốn đó mà PR “lố” thế?”.

Như vậy, thông tin tập thơ Đi qua thương nhớ tái bản với con số lên đến 20.000 bản in trong một thời gian ngắn liệu có phải sự thật? Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà Xuất bản (NXB) Văn học, và được biết từ lâu, NXB không thu phí quản lý theo con số bản in mà chỉ thu theo số lần cấp phép. Đương nhiên là lần cấp sau sẽ thu ít hơn lần cấp trước bởi việc thu phí quản lý chỉ mang tính chất tượng trưng chứ NXB không muốn mang tiếng “bán giấy phép”. Ngoài ra, việc thực sự in và bán hết bao nhiêu cuốn thì đó là công đoạn do đơn vị phát hành sách đảm nhiệm. NXB không can thiệp nếu nội dung sách không có vấn đề gì. Chỉ trừ một ngoại lệ là những cuốn sách bán quá chạy thì các NXB nói chung sẽ phải tính toán chặt chẽ hơn khi thu phí.

Như vậy, cuối cùng, chẳng có cơ quan quản lý nào đi kiểm chứng con số ấn bản thực sự của tập thơ này. Cũng không có cơ quan thuế nào căn cứ vào những thông tin đăng báo để thu thuế người sản xuất, phát hành. Phải chăng người đọc đã bị đánh lạc hướng thông tin bởi những “chiêu PR” không cần thiết vì thực sự giá trị của thơ không nằm ở chuyện có bán chạy hay không.

Theo MINH TUỆ
(Người Lao Động)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI