Omicron xuất hiện trong cộng đồng, chống dịch dịp tết ra sao?

21/01/2022 - 06:55

PNO - Nhiều người lo ngại về sự xuất hiện của Omicron trong cộng đồng, tuy nhiên, chuyên gia khẳng định đây là điều đã được dự báo trước.



Hai trạng thái đối lập

Sau nhiều ngày chỉ ghi nhận ở các trường hợp nhập cảnh, ngày 19/1, ba ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng đã được phát hiện mang biến chủng Omicron tại TPHCM. Thông tin này đã khiến không ít người dân lo lắng, nhất là khi tết đang cận kề.

TP.HCM đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với biến chủng Omicron, người dân không nên hoang mang.   (Trong ảnh: Du khách cũng tuân thủ quy định khẩu trang khi đến các khu vực trang trí tết ở TP.HCM) - ẢNH: ĐỖ MINH
TPHCM đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với biến chủng Omicron, người dân không nên hoang mang. (Trong ảnh: Du khách cũng tuân thủ quy định khẩu trang khi đến các khu vực trang trí tết ở TPHCM ) - Ảnh: Đỗ Minh

Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng (Bộ Y tế), khẳng định việc xuất hiện Omicron trong cộng đồng là điều đã được dự báo trước, bởi biến chủng này đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Cũng giống như trước đây, khi chúng ta đối diện với biến chủng Delta - với tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với biến chủng cũ.

Do đó, vị chuyên gia dịch tễ khẳng định, người dân không nên quá hoang mang: “Omicron vẫn là virus SARS-CoV-2, vẫn lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt bắn... Do đó, chúng ta vẫn tiếp tục phát huy các biện pháp dự phòng đã triển khai như đối với biến chủng trước. Đó là 5K, vắc-xin và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch”.

Dù vậy, với tốc độ lây nhiễm cao gấp bảy lần ở nhóm chưa tiêm vắc xin và gấp ba lần với nhóm đã tiêm đủ vắc xin so với trước đây, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịp tết là thời điểm người dân thường chúc tụng, tụ tập... nên nguy cơ bùng phát COVID-19 là hiện hữu. Do đó, người dân nên hạn chế di chuyển, có những hình thức chúc tết mới như qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội... thay vì gặp gỡ trực tiếp, tổ chức ăn uống linh đình. 

“Bên cạnh tâm lý lo lắng của người dân thì có một bộ phận chủ quan cho rằng, người nhiễm Omicron có thể có các triệu chứng nhẹ, thậm chí có thể tạo miễn dịch cộng đồng... Tuy nhiên, điều này vô cùng nguy hiểm. Bởi Omicron lây lan rất nhanh, làm gia tăng số ca mắc. Nếu không kiểm soát được vấn đề trong phân luồng, điều trị bệnh nhân COVID-19 thì sẽ đối mặt với vấn đề quá tải hệ thống y tế. Người mắc bệnh nhẹ thì nằm viện còn người nặng không tiếp cận được với dịch vụ y tế, từ đó làm gia tăng ca tử vong”, PGS-TS Trần Đắc Phu lưu ý. 

Ông cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát Omicron sau khi đã xuất hiện các ca trong cộng đồng, là nâng cao năng lực điều phối và điều trị của các cơ sở y tế. Tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 đều phải được theo dõi, phân tầng điều trị hiệu quả để giảm thiểu tăng ca bệnh nặng, nguy cơ bệnh nhân chuyển tầng điều trị và tử vong.

Đồng quan điểm, PGS-TS - bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ trong giai đoạn này, nếu có khả năng truy vết trọng điểm thì nên làm, nhưng đến giai đoạn nếu số ca tăng không kiểm soát được, thì cần xem xét lại để tránh lãng phí nguồn nhân lực. Không nên đặt ra mục tiêu không có ca mắc Omicron, mà phải hướng tới phải hạn chế lây lan và bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao.

Vẫn tạo điều kiện cho người dân đi lại dịp tết

Khi Omicron lây lan nhanh trong cộng đồng, theo PGS-TS Trần Đắc Phu, vắc xin là vũ khí hữu hiệu. Hiện Việt Nam đang tiêm phủ mũi ba COVID-19 cho người từ 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Ông cho rằng, bao phủ càng nhanh, càng hiệu quả. Bởi dù tiêm chủng đầy đủ không có nghĩa không mắc COVID-19, song có ý nghĩa quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong. 

Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, diễn ra ngày 20/1, báo cáo của ngành y tế khẳng định, biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, tăng gánh nặng hệ thống y tế và tử vong. Do đó, nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong. Trong đó, tiêm vắc xin COVID-19 cũng được nhấn mạnh. Bộ Y tế khẳng định sẽ thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất.

Theo kế hoạch, hoàn thành tiêm mũi hai cho người từ 12 - 17 tuổi trong tháng 1/2022, mũi ba cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi và lên kế hoạch tiêm an toàn, hiệu quả cho đối tượng này. 

Để đẩy mạnh công tác tiêm chủng, cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm vắc xin xuyên tết bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 1/2 - 28/2/2022. “Chúng ta phải tập trung thần tốc và thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin để mở cửa an toàn nhằm phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh tiêm chủng, theo Bộ Y tế, trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong bối cảnh Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng, cần quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tổ chức lễ hội. Các địa phương không bắn pháo hoa nhân dịp năm mới, kiểm soát chặt chẽ người đến và đi từ vùng có dịch nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển trong dịp tết. 

TPHCM đã sẵn sàng ứng phó 

Thông tin tại cuộc họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM, chiều 20/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM , cho biết TPHCM đã sẵn sàng ứng phó với biến chủng Omicron.

Bà nói: “Ngoài việc xác định các chùm ca bệnh, chúng ta thực hiện tốt việc truy vết, khoanh vùng dập dịch. Còn việc giám sát trong cộng đồng, các bệnh viện vẫn sàng lọc bệnh nhân khi vào bệnh viện. Khi có nghi ngờ người mắc bệnh, các chuyên gia sẽ giải mã trình tự gen nhằm phát hiện sớm biến chủng Omicron”. 

Trong dịp tết Nguyên đán, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 vẫn được duy trì và tăng cường. TPHCM cũng phấn đấu hoàn thành tiêm vắc-xin trước tết.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh và Phục hồi kinh tế TPHCM , cho biết thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến chủng Omicron. Thành phố đề nghị người dân hết sức bình tĩnh, tiếp tục thực hiện tốt quy tắc 5K và tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

“Tôi mong muốn người dân đừng vì mất một ít thời gian mà không khai báo y tế. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện nghiêm, đừng nghĩ mình là vùng xanh, tiêm đủ vắc xin, đừng nghĩ đó là phiền hà mà lơ là khai báo”, ông lưu ý.

Phạm An


 Huyền Anh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI