Omicron có nguy cơ gây ra nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em cao hơn

16/04/2022 - 10:45

PNO - Theo một nghiên cứu được công bố hôm 15/4 trên tạp chí JAMA Pediatrics, biến thể Omicron có nhiều khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em hơn các biến thể khác của SARS-CoV-2.

Theo nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với Đại học Y khoa Colorado, Đại học Northwestern, Đại học Tây Bắc Feinberg, Trường Y Feinberg và Khoa Tin học y sinh thuộc Đại học Stony Brook, biến thể Omicron thường ít gây ra bệnh nặng hơn so với biến thể Delta ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng lại có nhiều khả năng hơn Delta trong việc gây ra các bệnh đường hô hấp trên (UAI), chẳng hạn như bệnh viêm phổi, ở trẻ em.

Omicron có xu hướng gây ra các bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ nhỏ hơn
Omicron có xu hướng gây ra các bệnh viêm đường hô hấp trên cho trẻ nhỏ hơn

Các nhà nghiên cứu cho biết, UAI sẽ có thể khiến trẻ em có nguy cơ bị ngừng tim, và các biến chứng nghiêm trọng khác, do đường thở của các em nhỏ và dễ bị tắc nghẽn.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ em bị nhiễm COVID-19 phải nhập viện kèm triệu chứng UAI đã tăng từ 1,5% trong giai đoạn tiền Omicron (từ 1/3/2020 đến 25/12/2021) lên 4,1% trong giai đoạn Omicron (từ 26/12/2021 đến 17/2/2022), theo nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, Omicron có xu hướng gây ra UAI cho trẻ nhỏ hơn. Cụ thể, độ tuổi trung bình của một đứa trẻ phải nhập viện do nhiễm COVID-19 và bị UAI đã giảm từ khoảng 4 năm 5 tháng trong giai đoạn tiền Omicron xuống còn khoảng 2 năm 1 tháng trong thời kỳ Omicron.

Nhìn chung, 21,1% trẻ em nhập viện do COVID-19 và bị UAI đã phát triển bệnh nặng đến mức cần phải thực hiện các biện pháp can thiệp, như đặt ống vào phổi để trợ thở.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ National COVID Cohort Collaborative (một liên kết của nhiều tổ chức nhằm cung cấp các dữ liệu lâm sàng gần với thời gian thực nhằm nâng cao sự hiểu biết về COVID-19, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp) liên quan đến 18.849 trẻ em dưới 19 tuổi nhập viện do COVID-19.

Nghiên cứu được thực hiện vào khoảng thời gian Omicron đang thống trị ở Mỹ và những hiểu biết về biến thể này chỉ mới dừng lại ở chỗ, đây là một phiên bản dễ lây nhiễm hơn, và ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.

Tuy nhiên, thực tế cũng đã xuất hiện những lo ngại về tác hại của Omicron đối với trẻ em. Một nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 15/2 cho thấy, trẻ em có nguy cơ nhập viện do COVID-19 trong thời kỳ Omicron cao hơn khoảng 4 lần so với thời kỳ Delta.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau. Trong đó, có giả thuyết cho rằng, bởi vì trẻ ít có khả năng miễn dịch với COVID-19 hơn từ việc tiêm chủng hoặc đã bị nhiễm virus này trước đó, nên trẻ có thể dễ bị tổn thương hơn với Omicron.

Andrew Pavia - người đứng đầu Khoa Bệnh truyền nhiễm nhi khoa thuộc Đại học Y khoa Utah - cũng cho rằng Omicron có thể lây nhiễm vào đường hô hấp trên dễ dàng hơn phổi, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi nặng, nhưng lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp trên.

“Mặc dù tỷ lệ trẻ nhiễm COVID-19 bị UAI không phải là quá cao, nhưng nghiên cứu sâu hơn có thể giúp đưa ra hướng điều trị hiệu quả hơn cho những bệnh nhân nhỏ tuổi”, các tác giả của nghiên cứu được đăng trên tạo chí JAMA Pediatrics cho biết.

Tại Mỹ, vắc xin COVID-19 đã được phép sử dụng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, 30% trẻ trong độ tuổi này vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ, theo CDC. Tính đến ngày 7/4, Mỹ đã ghi nhận 12,87 triệu trẻ bị nhiễm COVID-19, theo Học viện Nhi khoa của nước này.

Dữ liệu từ CDC và nghiên cứu mới đây trên tạp chí JAMA đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ phải nhập viện khi bị nhiễm COVID-19 là khoảng 1 trên 14.085, trong khi tỷ lệ trẻ nhiễm COVID-19 đồng thời bị UAI và các triệu chứng nghiêm trọng là khoảng 1/10 triệu.

Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ trẻ nhiễm COVID-19 bị bệnh nặng đã giảm xuống còn khoảng 3,4% trong giai đoạn Omicron, so với 38,8% trong giai đoạn tiền Omicron.

Nhất Nguyên (theo Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI