edf40wrjww2tblPage:Content
Đặt ống thông tiểu cho một bệnh nhân tại BV Bình Dân
Chết vì “giữ” ống lâu ngày
Mới đây, Bệnh viện (BV) Bình Dân TP.HCM đã mổ hở, lấy một viên sỏi kích thước 3cm nằm ở thận và một viên sỏi 1cm nằm ở bàng quang cho ông H.V.L. (65 tuổi). Cách đây 5 năm, ông L. được mổ lấy sỏi gây tắc nghẽn đường tiểu. Sau mổ, bệnh nhân (BN) được đặt ống thông tiểu bên trong niệu quản để dẫn lưu nước tiểu, đồng thời tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ.
Thế nhưng, sau ba tháng bác sĩ (BS) hẹn tái khám để rút ống thông ra, ông L. không đến. Gần đây, BN có biểu hiện tiểu lắt nhắt, tiểu đau nên nghĩ tình trạng sỏi thận tái phát. Qua siêu âm, BS phát hiện các cục sỏi và ống thông nằm ở bàng quang.
BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cũng vừa điều trị cho bé trai P.H.M. (bảy tuổi) bị nhiễm trùng tiểu do “bỏ quên” ống thông suốt một năm. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tiểu buốt, nước tiểu đục nhưng may mắn chưa đóng sỏi nên việc điều trị biến chứng do ống thông khá đơn giản.
PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, Khoa Tiết niệu, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM lý giải: Nhiều trường hợp sau mổ chấn thương thận, niệu quản; người bệnh được đặt một ống rỗng làm bằng nhựa dẻo vào bên trong ống dẫn nước tiểu để thay thế chức năng dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, giúp vết thương mau hồi phục và tránh nhiễm trùng (vì nước tiểu chứa nhiều vi trùng, chất bẩn).
Thông thường, BS dặn BN sau một tuần - hai tháng, lâu nhất là một năm phải tái khám để rút ống. Việc rút ống thông tiểu rất dễ dàng, chỉ mất vài phút (với người lớn chỉ cần gây tê, tỷ lệ rủi ro gần như không có). Tuy nhiên, có thể vì thấy ống thông quá “êm”, không có biểu hiện bất thường nên nhiều người bệnh không tái khám và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Khi ống thông bị bỏ quên, vi khuẩn xâm nhập vào ống tạo ra các màng sinh học. Các màng này bảo vệ vi khuẩn và từ đó tạo thuận lợi cho sỏi bám. Ống thông để lâu còn có thể gãy ống do sự phản ứng của nước tiểu. Hiện tượng viêm tại chỗ quá mức có thể thúc đẩy quá trình thoái hóa ống. Khi ống thông bị đứt thành từng đoạn, việc mổ lấy rất khó. Nhiều trường hợp phải mổ hở.
BV Chợ Rẫy từng ghi nhận hai trường hợp tử vong do biến chứng để ống thông lâu ngày trong cơ thể. Trong đó có một trường hợp bị sốc nhiễm trùng, trụy tim mạch sau khi quên ống thông suốt bốn năm trong cơ thể. Theo hồ sơ bệnh án, chị A. được phẫu thuật lấy sỏi, sau đó được đặt ống thông tiểu.
BN không tái khám theo hẹn vì nhà xa và không có triệu chứng. Trước khi nhập viện một tháng, chị A. có biểu hiện sốt, tiểu gắt, đau hông, đau lưng. Ngay khi nhập viện, các BS phát hiện hai đầu ống bám sỏi rất nhiều. BN đã trải qua cuộc mổ hở để lấy ống thông nhưng sau đó, BN sốt cao, tụt huyết áp, trụy mạch và tử vong.
Ống thông nằm trong bàng quang bị đóng sỏi khi BN… quên bốn năm
Nên gọi điện nhắc nhở người bệnh
PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, cố vấn chuyên môn BV Bình Dân khẳng định: “Ống thông tiểu là dụng cụ y khoa không thể thiếu trong phẫu thuật tiết niệu. Tuy nhiên, nếu ống thông gây khó chịu, tiểu lắt nhắt, tiểu khó, tiểu máu… thì BN phải nhập viện lấy ra ngay. Với trường hợp người bệnh đang nằm điều trị tại BV mà BS không phát hiện ra là lỗi của BS vì sau khi đặt ống thông phải theo dõi kỹ như: ống bị tụt, nhiễm trùng.
Với trường hợp đã xuất viện và BS dặn dò kỹ tác dụng phụ của ống thông hoặc hẹn tái khám mà BN không tuân thủ thì đó là lỗi của người bệnh. Ở một số trường hợp, người bệnh xuất viện nhưng không biết có đặt ống thông là lỗi của nhân viên y tế, chưa giải thích cặn kẽ. Một số người bệnh cứ nghĩ ống thông tiểu là ống nằm bên ngoài cơ thể, thậm chí có BN đã phản ứng với BS vì cho rằng trước đó BS đã rút ống thông tiểu mà không hay biết bên trong cơ thể còn một ống thông tiểu”.
Cũng theo PGS-TS-BS Vũ Lê Chuyên, khi dặn người bệnh quay lại tái khám, BS phải cho BN biết những biến chứng nguy hiểm nếu để ống thông trong cơ thể. Hiện nay, hầu hết các BV khi đặt ống thông đều có dán mã số ống thông vào hồ sơ bệnh án, như một cách nhắc nhở "đây là BN đã được đặt ống thông tiểu". Ngoài việc ghi rõ trên giấy xuất viện: BN đã đặt ống thông trong người và giấy hẹn tái khám cũng ghi rõ ngày giờ đến rút ống thông thì các BV nên gọi điện nhắc BN ngày lấy ống thông, vì sau một thời gian dài mới tái khám nên người bệnh dễ… quên.
Một BS lo ngại, hiện nay có cơ sở sử dụng ống thông rẻ tiền, không có mã số ống thông dán vào hồ sơ bệnh án nên nguy cơ khiến BN quên ống thông sẽ gia tăng. Ngoài một số ca bệnh do cơ địa thì nguy cơ tạo sỏi bám vào ống thông còn tùy thuộc vào chất liệu của ống. Nếu ống thông làm bằng chất liệu polyurethane thì nguy cơ tạo sỏi tăng gấp bốn lần so với ống silicon. Chất liệu ống thông silicon tốt hơn và có thể để kéo dài đến 20 tháng, nhưng giá đắt gấp mười lần. Do đó, để tránh lãng phí, dựa vào thời gian hẹn tái khám lâu hay nhanh mà BS chỉ định đặt loại ống thông phù hợp. Tốt nhất người bệnh nên đi rút ống thông đúng hẹn.
Điều đáng ngại, những BN bị bỏ quên ống thông thường có tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu cao với các loại vi khuẩn đa kháng nên dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm: vi trùng đóng ở ống thông nhiều, tỷ lệ nhiễm trùng cao, gây sốc và tử vong. Do đó, để lấy được ống thông, người bệnh đối diện với việc phải can thiệp nhiều loại phẫu thuật. Thậm chí, nhiều trường hợp áp dụng kỹ thuật nội soi không thành công nên phải chuyển sang mổ hở, gây đau đớn.
VĂN THANH
Những đối tượng thường được đặt ống thông Ống thông đặt cho những trường hợp dự phòng và điều trị. Riêng trong phẫu thuật đường tiết niệu, số trường hợp cần đặt ống thông chiếm đến 50%. Những BN mổ sỏi, tán sỏi… sẽ được đặt để tránh phù nề và làm bít đường dẫn nước tiểu; tránh hẹp đường tiểu sau khi lành sẹo. Một số trường hợp ung thư cổ tử cung, tuyến tiền liệt, trực tràng, ung thư vùng chậu bị tắt niệu quản, gây bí tiểu, suy thận, thận ứ nước cũng được đặt ống thông tiểu. Ngoài ra, một số sản phụ sau tai biến sản khoa bị tổn thương niệu quản cũng cần đặt ống này. |