Ốm o bên người hay lo

06/06/2019 - 10:30

PNO - Rủ vợ đi du lịch, cô ấy bảo “đã giàu có thong thả gì đâu. Còn một núi lo, chưa gì đã nghĩ đến hưởng thụ”... cứ như em là người ích kỷ vô lo vậy... Thật không biết nên nói thế nào cho vợ thông!

Thưa chị Hạnh Dung,

Bà xã em hy sinh suốt đời cho gia đình. Chắc chị nghĩ “phụ nữ nào chả thế”. Vâng, nhưng vợ em chăm sóc con cái với sự kỹ tính đặc biệt, đến mức chẳng bao giờ tin tưởng ở em khi em được cô ấy bất đắc dĩ phải nhờ. Em làm gì cô ấy cũng làm lại.

Vậy mà cô ấy luôn bảo rằng phải cho con được rèn luyện, tự lập, như có vẻ thuộc làu các kiến thức làm cha mẹ hiện đại. Em nói gì cô ấy cũng đều bảo “biết rồi”.

Om o ben nguoi hay lo
Ảnh minh họa

Nay con đã lớn, học đại học, thậm chí có đứa du học không còn cần đến bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của mẹ nữa. Em khuyên cô ấy hãy nghĩ đến bản thân. Rủ cô ấy đi du lịch nghỉ ngơi thì cô ấy luôn từ chối, bảo là “đã giàu có thong thả gì đâu. Còn một núi lo, chưa gì đã nghĩ đến hưởng thụ”.

Em nhắc lời cô ấy hay nói “biết đủ là đủ” thì cô ấy cáu, bảo nhà mình đã… đủ đâu, còn một núi lo.

Cứ như em là người ích kỷ lo hưởng thụ còn cô ấy mới thương con. Chẳng biết nên nói với cô ấy thế nào cho cô ấy vui, chị ơi?

Phạm Sỹ Thành (Q.7, TP.HCM)

Thân gửi anh Sỹ Thành,

Nhiều người có vợ đoảng ăn chơi, ham cờ bạc, bỏ bê gia đình con cái chắc ước ao có được người vợ như anh quá. Với những người này, nói kiểu gì họ cũng sẽ “chấp nhận hết, chuyện nhỏ” miễn là chuyện lớn gia đình con cái chu toàn. Thế mới hiểu, mỗi nhà mỗi cảnh, và ai có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Người đang kêu khổ bỗng có người bảo ước gì tôi được... khổ như anh.

Om o ben nguoi hay lo
Ảnh minh họa

Chị ấy là người đa đoan, cầu toàn, vừa qua chuyện này thì có chuyện khác để lo tiếp. Chính là phải cho chị ấy “biết đủ là đủ trong chính chuyện… lo xa”. Cứ lo kiểu ấy thì chẳng bao giờ chúng ta hết lo, vì cuộc đời là vậy, nhu cầu không bao giờ dừng lại. 

Anh chăm sóc vợ tốt hơn được không? Đâu cần chuyện lớn lao, mà chăm sóc những chuyện nhỏ hằng ngày như miếng ăn giấc ngủ, vì người quá lo toan như chị ấy chẳng có sức đâu để nghĩ đến bản thân. Họ chính là người khổ nhất, và nếu anh không chia sẻ mà bàn chuyện có vẻ “ăn chơi hưởng thụ” trong khi chị ấy lo thắt ruột mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà thì chị ấy sẽ dễ có suy nghĩ không hay về chồng.

Chia sẻ ở đây không có nghĩa là anh cũng phải… lo ngày lo đêm như chị, mà anh nên gợi cho chị ấy nhớ đến cuộc sống thực tế hằng ngày. Cho chị ấy thấy rằng gia đình nào cũng đều có mối lo cả, nhưng nên lo theo cách “gỡ dần”, “chuyện ngày mai đã có ngày mai lo” (Kinh thánh nói vậy). Đừng hủy hoại cuộc sống hiện tại, thì mới có sức để lo cho những gì sẽ tới.

Khi chị ấy tìm được chỗ dựa nơi chồng, sẽ bớt cảm giác “mình mình lo, mình mình khổ”, thì tình cảm và nhịp sống ngày thường của gia đình anh sẽ không bị hủy hoại một cách vô ích.

Chúng ta đều biết không ai có thể “chỉ đúng một mình” để phê phán người bạn đời “ai sai phải sửa” mà lại thành công. Chỉ có chia sẻ thương yêu, dìu dắt nhau mới có sức mạnh lôi kéo vợ hay chồng đứng về phía đúng, sửa dần cái sai một cách tự giác. Đó là một quá trình phải không anh? Nhất là trạng thái tâm lý lo lắng là việc cần nhất sự chia sẻ, an ủi, sát cánh bên họ giúp họ yên lòng.

Tôi tin là anh cũng nghĩ thế.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI