Có lẽ với nhà chị, đây là đứa cháu ngoại đầu tiên xuất hiện lại mang đến nhiều cảm xúc đến thế, tiếc thay lại là cảm xúc tiêu cực.
Kiêu hãnh cặp được trai tân
|
Ảnh minh họa |
Lấy chồng năm mười tám tuổi, mười năm sau ly hôn, chị lãnh phần nuôi đứa con gái nhỏ lúc này mới được ba tuổi, mặc cho người thân hết sức khuyên can. Chồng cũ của chị là người tốt, hết mực thương con, kinh tế rất vững, mỗi tội thô lỗ và cộc cằn.
Đôi lần anh “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” hay “mày, tao, mi, tớ” với chị trong những cuộc cãi cọ đôi khi hết sức nhỏ nhặt. Lần hồi chị chán, chị tìm niềm vui bên điện thoại di động và internet, thời này Yahoo chat khá phát triển, chị như mê đắm vào đó mà quên thực tế trước mắt.
Chị thích nói chuyện với những người bạn chưa từng gặp mặt mà chỉ biết nhau trên mạng, sao họ ngọt ngào thế, sao họ hoàn hảo lung linh thế, còn chồng mình thì… Và rồi như một lẽ tất yếu, chị bỏ chồng.
Ác thay, chị toàn thích quen với trai tân còn trẻ. Lúc này chị về nhà mẹ đẻ ở nên mọi hoạt động hay các mối quan hệ bên ngoài cả nhà đều biết. Mẹ chị khuyên can, rằng thà chị cứ kiếm một ông nào tuổi trung niên chết vợ, ly hôn vợ, nhưng có kinh tế vững mà tiến tới, chứ lông bông thế này thì…
Đó là chưa kể đôi lần mẹ chị bắt gặp mấy đứa em rể nhìn “anh hai tương lai” mái đầu sặc sỡ, hành vi trẻ trâu lấc cấc bằng một ánh mắt không thể xem thường và khinh bỉ hơn.
Chưa nghe hết câu, chị giật ngược: “Kệ, con không nói đến ai thì cũng mong đừng ai nói gì đến con, ai cũng có cuộc sống riêng, thiên hạ có nuôi mình đâu…”, chị bỏ lửng câu nói rồi tự kết thúc cuộc nói chuyện như mọi khi.
Lần này chị không lông bông, chị kiếm được bến đỗ cho mình là một đối tượng hai mươi tám tuổi, lúc này chị đã bốn mươi lăm tuổi. Dù chị có ăn vận hợp mốt, dù chị có trẻ hơn tuổi thật rất nhiều, nhưng sự chênh lệch vẫn thấy được. Kỳ lạ một điều, chị không màng những ánh mắt ái ngại, soi mói của người đời dành cho mình khi sánh bước cùng người ấy.
Chị tự ru ngủ mình rằng thiên hạ đang ngưỡng mộ cuộc tình của mình, rằng chị đang quen trai trẻ, độc thân. Không biết chị say đắm tình ra sao mà quyết định trói buộc người ấy bằng cái thai tám tuần tuổi.
Bên ấy đương nhiên tức giận, tuy họ không giàu sang, nhưng dù gì con trai họ cũng là trai tân chưa từng kết hôn, giờ lấy mụ “nạ dòng” vừa già hơn nhiều tuổi, vừa có hai con riêng thì mấy nhà nào chấp nhận. Đó là chưa kể, người ấy chỉ lớn hơn con trai lớn của chị ba tuổi, nếu về một nhà thì xưng hô thế nào? Rồi anh cả của người ấy còn nhỏ tuổi hơn cả em gái út của chị… Bao câu hỏi đặt ra cùng bao nỗi phiền muộn đến từ hai phía, đặc biệt là từ phía nhà chị.
|
Ảnh minh họa |
Mẹ chị ôm ngực than thở: “Tao với ba mày đều là công chức về hưu, tiếng tăm cả quận đều biết, bên đó lấy gì so với mình? Giờ làm vậy là mày tự đẩy nhà mình vào thế thấp hơn người ta, làm sao tao dám nhìn mặt ai nữa?”.
Ba đứa em gái bất mãn thấy rõ, đứa em kế chị thì chặc lưỡi: “Sao chị dại thế? Em đây kinh tế vững mà nuôi hai đứa con ăn học còn thấy cực”; đứa út thì gay gắt hơn khi thẳng thắn chỉ trích chị chỉ vì muốn níu kéo mà cố tình “úp sọt”; đứa giữa thì bình tĩnh hơn, chỉ nhẹ lắc đầu: “Thiệt tình, thằng G. (con trai lớn chị, hai mươi sáu tuổi) mà đòi cưới vợ năm nay, nhờ chị ngồi sui thì không biết tính sao luôn!”.
Trái ngược với sự lo lắng của mọi người, chị hãnh diện và tự tin. Chị so sánh với nhiều trường hợp vô sinh khác, những cuộc tình “phi công trẻ” như cuộc hôn nhân chàng hai sáu - nàng sáu hai tuổi ở Cao Bằng, mấy mối tình lệch tuổi trong showbiz giờ cố kiếm mụn con không ra. Xa hơn là giới giải trí Hồng Kông, vì muốn bước vào hào môn mà hoa hậu, người đẹp bắt buộc phải sinh cho bằng được quý tử nối dõi mới có danh phận làm vợ chính thức.
Chị phân tích với mẹ chị: “Nhà đó có ba người con trai: anh cả là dân gay (đồng tính nam), anh kế cưới vợ sinh con gái (nghe đâu hai vợ chồng đang lục đục mâu thuẫn chờ tòa giải quyết ly hôn, nên việc sinh thêm con là không thể). Bầu của con nếu đúng thằng cu thì là cháu đích tôn của cả nhà nội. Bên đó rất cần đứa cháu này. Lộn xộn là con không cho tới lui thăm viếng hay mang họ nhà đó luôn!”.
Con chưa đích tôn, mẹ đã… đơn thân
Và con chị không mang họ nhà đó thật, bốn ngày chị nằm sinh trong bệnh viện, bên đó cũng thăm nom cho tiền chút đỉnh. Nhưng kể từ đó, thậm chí ngày đầy tháng và đến nay đã hơn bảy tháng, bên đó vẫn bặt tăm. Đúng là họ cũng mong cháu nội thật, nhưng là kiểu phải cưới hỏi đàng hoàng, con dâu do họ lựa chọn và ưng ý, rồi tuổi tác cũng đừng quá chênh lệch. Chứ kiểu “úp sọt” và đặt họ vào tình thế đã rồi như chị suy tính thì họ cương quyết không nhận dâu, nhận cháu.
|
Ảnh minh họa |
Đứng trước sự cấm cản từ phía gia đình và thêm tâm lý cũng chưa sẵn sàng làm cha, người ấy cũng “giãn” dần, giờ chỉ qua thăm con chiếu lệ, việc chu cấp cho con cũng bằng không, vì anh ta mới nghỉ việc, đang chờ xin việc mới. Còn nhắc đến việc làm hôn thú thì bài ca muôn thuở vẫn là: đi lâu quá nên bị địa phương cắt hộ khẩu, giờ về ngoài đó làm lại giấy tờ (Nam Định) tốn cả chục triệu kiếm đâu ra; lúc thì bị cha mẹ cất hết chứng minh nhân dân…
Chờ mãi không được, mẹ chị đành phải muối mặt ra địa phương làm khai sinh cho cháu ngoại, trên đó phần tên cha bỏ trống, con chị mang họ mẹ. Từ đây chị chính thức làm mẹ đơn thân.
Có thể với một số người, làm mẹ đơn thân là chuyện bình thường, thậm chí là do họ tự lựa chọn, đó là vì họ có kinh tế vững và muốn có đứa con hủ hỉ sau này. Còn chị, sự ảo tưởng về một đứa cháu đích tôn đã đem lại quá nhiều mất mát: cha mẹ gần như từ mặt, em rể coi thường, con gái tự kiếm học bổng du học và tuyên bố sẽ không trở về Việt Nam, con trai lớn thì ít nói và bẳn gắt hẳn mỗi lần hai mẹ con có việc cần trao đổi.
Ba người em gái của chị nhỏ nhất nay cũng đã bốn mươi tuổi, mỗi lần nhắc đến chị đều ngao ngán: “Chị hai nhà người ta là tấm gương cho em mình học theo, còn nhà mình… Nghĩ mà thương cha mẹ tuổi già vẫn không yên được. Ở độ tuổi này là ngồi sui hoặc lo cho cháu nội, cháu ngoại chứ ai đi theo quy trình ngược vậy, giờ lọc cọc lo cho con mọn. Con vô lớp Một, chị hơn năm mươi tuổi, rồi còn chặng đường dài phía trước phải lo cho nó nữa”. Nói rồi họ lắc đầu ngán ngẩm.
Sáng nay tình cờ gặp chị, tôi suýt không nhận ra, mới có một năm mà chị già đi hẳn. Không còn hình ảnh người phụ nữ phong cách nói cười năng động, móng tay sơn vẽ đủ kiểu, tóc nhuộm vàng, ăn mặc hợp mốt. Chị tâm sự, giọng trầm buồn: “Đợi con thôi nôi, chị sẽ gởi nhà trẻ tư thục rồi đăng ký chạy xe ôm công nghệ để tự chủ về thời gian đưa đón con, giờ không làm ra tiền sao sống nổi. Mình người lớn không sao, có con nhỏ phải lo cho nó chứ!”.
Chị nói mà cứ như tự vấn mình, cũng đôi mắt này, cũng giọng nói này mà sao hôm nay chất chứa bao nỗi niềm. Ôm mộng ảo tưởng về một đứa cháu đích tôn, để rồi giờ đây tương lai của chị và đứa bé quá mông lung. Gập ghềnh nhất là khi chị phải bắt đầu lại từ đầu ở độ tuổi không còn trẻ.
Tuyết Mai