Ôm khư khư nỗi sợ hôn nhân

10/03/2024 - 06:06

PNO - Xét ở góc độ tâm lý học, những lý do né tránh hôn nhân rất có thể đến từ nỗi sợ cam kết trong tình cảm. Người có nỗi sợ này sẽ rất khó khăn khi bước vào một mối quan hệ hoặc duy trì nó trong khoảng thời gian dài.

Trong nhóm bạn đại học của tôi, Hương là cô gái cuối cùng còn độc thân. Mặc dù nằm trong tầm ngắm của nhiều người đàn ông khi sở hữu ngoại hình xinh đẹp, công việc có thu nhập cao ngất, tính cách thú vị, Hương vẫn chưa thích lấy chồng.

Cô gái 35 tuổi chia sẻ với chúng tôi: “Tôi thích cuộc sống hiện tại đến nỗi nghĩ đến việc phải chia sẻ nó với ai là thấy sợ. Mỗi ngày cứ đi làm về thì thoải mái nằm ườn ra giường, có người giúp việc nấu món mình thích, chơi với mấy chú cún hoặc thích xem phim thì xem. Thi thoảng, muốn đi du lịch ở đâu thì nhân viên sẽ đặt vé cho đi, công việc chủ động từ xa…”.

Nghe cuộc sống của Hương, vài cô bạn trong nhóm vốn luôn vướng bận với chồng con bắt đầu thể hiện rõ sự ghen tị. Như Thúy hài hước kể về giây phút bàng hoàng khi vừa sinh con: “Lúc nghĩ về việc cuộc đời mình từ nay sẽ không bao giờ trở về như trước kia nữa, phải làm mẹ và lo cho ai đó, tôi mất ngủ mấy đêm. Thôi Hương ạ, bà cứ tận hưởng đời sống độc thân đi cho sướng, tội gì mà lấy chồng!”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

***

Tôi không biết Hương có được đưa vào thống kê hay không nhưng tôi chắc chắn những suy nghĩ như của Hương đang góp phần đẩy độ tuổi kết hôn trung bình của TPHCM cao dần lên. Theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của thành phố tăng nhanh trong những năm gần đây và luôn đứng đầu cả nước. Năm 2022, độ tuổi trung bình này lần đầu đạt mức cao nhất là 29,8 tuổi (sắp chạm mốc 30 tuổi). 

Nhưng có lẽ chẳng cần đến thống kê, chỉ quan sát nhanh cuộc sống của những chàng trai, cô gái xung quanh, ai cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi chóng mặt về quan niệm kết hôn hiện nay. Hương kể, ngay cả khi ở tuổi mà nhiều người gọi là “bà cô ế chồng”, cô cũng thích đuổi khéo không ít chàng trai. Rồi cô gặp nhiều người có cùng quan điểm với mình. 

“Khi tôi kể về nỗi sợ phải gắn kết với ai đó, nhiều người cũng nói họ rất thấu hiểu. Các anh cũng đang tận hưởng cuộc sống độc thân và không muốn phải ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ” - Hương tâm sự.

Không chỉ độc lập về tài chính, Hương cũng có tư duy rất cởi mở về mọi thứ. Như trong chuyện sinh con, cô sẵn sàng làm mẹ đơn thân. Cô đã đi trữ đông trứng. Nếu không tìm được đối tượng kết hôn trong vài năm tới, cô sẽ tiến hành thụ tinh nhân tạo. 

Ba mẹ Hương cũng ủng hộ quyết định của con gái. Họ cổ vũ Hương và cho rằng nếu lấy chồng thì phải tìm được một người “rất tốt”; còn nếu không thì cứ tự tin nuôi con một mình, ba mẹ sẽ giúp Hương chăm sóc con cái.

***

Nhưng không phải ai cũng có những điều kiện thuận lợi để kết hôn muộn hoặc không kết hôn như Hương. Có những chàng trai, cô gái vẫn bị gia đình giục giã hoặc luôn nôn nóng tìm được một nửa phù hợp. Nhiều người khác lại ưu tiên sự nghiệp, muốn tập trung để phát triển, đạt được cột mốc tự do tài chính rồi mới tính đến chuyện kết hôn.

Anh Hoàng Đức - 37 tuổi, hiện sống tại Hà Nội - đùa rằng cứ dịp tết hoặc tụ tập bạn bè, họ hàng thường làm anh cười… bằng cả đời cộng lại. Vì trước những câu hỏi bao giờ chịu lấy vợ, anh không biết trả lời thế nào ngoài cười trừ. Anh cho rằng khoản tiền kiếm được từ công việc làm nhân viên bán ô tô không ổn định, không đủ để anh lo cho ai cả. Và sau bao năm phấn đấu ở thành phố, anh vẫn chưa mua được một căn chung cư nên chưa nghĩ đến chuyện kết hôn. 

Do anh Đức là con trai trưởng trong nhà, ba mẹ cũng sốt ruột giục giã. Nhưng khi anh đặt câu hỏi ngược lại cho ba mẹ: “Con có 2 sự lựa chọn: một là về quê lấy vợ rồi ba mẹ nuôi gia đình con, hai là phấn đấu sự nghiệp cho ổn định rồi xây dựng gia đình. Ba mẹ muốn như thế nào thì con nghe thế”. Ba mẹ anh cũng đành “trời không chịu đất thì đất chịu trời” vì tiền kiếm được từ mấy sào ruộng chỉ đủ ăn chứ đâu đủ sức gánh thêm ai khác.

Xét ở góc độ tâm lý học, những lý do né tránh hôn nhân như Hương hay Đức lại rất có thể đến từ nỗi sợ cam kết trong tình cảm. Người có nỗi sợ này sẽ rất khó khăn khi bước vào một mối quan hệ hoặc duy trì nó trong khoảng thời gian dài. Nỗi sợ càng lớn thì những lý do như sợ ràng buộc, cần không gian riêng, ưu tiên sự nghiệp, muốn phát triển thêm… lại được đưa ra càng nhiều. 

Thậm chí với cả những người luôn muốn kết hôn, nỗi sợ tương tự cũng sẽ bất chợt ghé qua. Trong bộ phim Friends, cô nàng Monica luôn ước ao được làm cô dâu, từ khi còn nhỏ đã lên kế hoạch chi tiết cho đám cưới trong tương lai. Cô đã rất hạnh phúc khi tìm thấy tình yêu với người bạn thân, chờ đợi ngày được Chandler cầu hôn và hét lớn lên “chúng tôi đã đính hôn” một cách tự hào, sung sướng. 

Nhưng rồi trong lúc đang chuẩn bị cho đám cưới trong mơ, Monica bỗng nhận ra một sự thật: từ nay, cô phải từ chối cơ hội được hẹn hò với những chàng trai nóng bỏng khác và sẽ phải gắn bó cả đời với một người đàn ông duy nhất.

Sự bối rối và sợ hãi của Monica hẳn giống với bất kỳ ai khác khi bước đến một dấu mốc trong cuộc đời. Có điều gì đó mà ta đã chờ đợi rất lâu mới xuất hiện nhưng vừa chỉ kịp bước qua đôi ba nhịp tận hưởng thì đã nhìn thấy phía tối tăm hơn. 

Nhưng như một ngày luôn có cả bình minh và đêm tối, một vấn đề cũng vậy. Sau những lúc khó khăn để chấp nhận sự thật này, Monica đã chia sẻ với vị hôn phu về nỗi sợ mà cô thấy là thật ngốc nghếch của mình. Cô nhận ra rằng thay vì tiếc nuối việc hẹn hò với nhiều người, cô mong chờ hơn cả được đón nhận những cột mốc khác với người mình yêu.

Đó là cùng nhau chờ đợi những đứa con sẽ chào đời, mua một ngôi nhà, mua một chiếc xe, nuôi dạy con cái, già đi cùng nhau… Ngày lại ngày tiếp nối, sự phấn khích và hạnh phúc vẫn ở lại chứ không mất đi đâu cả. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

***

Bên trong mỗi người đều có những nỗi sợ nhưng cũng có cả những sự lựa chọn. Đến một lúc, chúng ta sẽ nhìn những nỗi sợ như là sự dối lừa của tâm trí và thấy rằng chúng thực ra chẳng đáng sợ đến thế.

Thực tế thì dấu hiệu để kết hôn không phải là việc khao khát phải có thêm một ai khác trong đời để dựa dẫm mà là bản thân mỗi người đã cảm thấy bình yên, vững vàng một mình hay chưa. Chỉ khi độc lập, có thể sống tốt, không phụ thuộc tình cảm vào người khác, không cần một ai đó chỉ vì để mình ổn hơn, bạn mới đủ nền tảng bắt đầu một mối quan hệ ràng buộc.

Bởi hôn nhân đâu phải chỉ toàn gánh nặng, phải chia sẻ không gian mà còn là sự nâng đỡ, cùng nhau bước về phía trước để mỗi người đạt được cuộc sống mình mong muốn. Không phải chỉ khi ở một mình, chúng ta mới thấy tự do và phải bảo vệ bằng mọi giá cho cái gọi là tự do.

Tự do thực sự là dù ở trong mối quan hệ nào, bạn vẫn được là chính mình và không còn đấu tranh cho sự tự do nữa, vì nó vốn luôn ở đó.

Vậy nên tôi tin rằng đến một lúc, Hương - bạn tôi - hay những người đang mang nỗi sợ cam kết trong tình cảm sẽ nhận ra hôn nhân không đáng sợ đến thế. 

Họ sẽ tìm thấy niềm vui khi có thêm một người để cùng nhau pha tách trà và kể cho nhau nghe những buồn vui của ngày vừa qua; cùng xem một bộ phim; cùng đi dạo; cùng đọc sách… Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi giây phút đón con chào đời có thêm người bạn đời bên cạnh. Họ cũng sẽ thấy rằng hoàn thành mong muốn có ông bà thông gia của ba mẹ mình cũng là một thành công lớn…

Có thể nhiều thử thách, mâu thuẫn sẽ đến nhưng mỗi người luôn cần những bài học để trưởng thành, kết nối sâu sắc hơn với nhau. Cuộc đời này còn có nhiều trải nghiệm ý nghĩa hơn là việc một mình ôm khư khư nỗi sợ thời gian hay không gian bị lấy cắp. 

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI