Ôm hóa đơn tiền điện hơn 18 triệu đồng/tháng, 'thợ đào' tiền ảo điêu đứng

28/11/2018 - 15:35

PNO - Giá Bitcoin giảm không phanh đã khiến nhiều “thợ đào” tiền ảo phải quyết định bán tháo máy hoặc rút điện đầu cơ, chờ tiền ảo lên giá để thu lại lợi nhuận.

Vỡ mộng đào coin...

Năm 2017 được xem là khoảng thời gian “huy hoàng” của đồng tiền ảo tại Việt Nam. Sau Bitcoin, Ethereum (ETH) nổi lên như một làn sóng mạnh mẽ. Đây là một trong những đồng tiền được nhiều người lựa chọn đầu tư sau Bitcoin. Cho đến tháng 7/2018, thời điểm các đồng tiền ảo đồng loạt lao dốc, nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam ngay lập tức rơi vào trạng thái hoang mang, bán tháo hoặc rút điện máy đào.

Không chỉ Bitcoin rớt giá thảm hại, Ethereum cũng đối mặt khó khăn khi giảm 85% giá trị kể từ mức đỉnh 1.400 USD. Tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư và "thợ đào" tiền ảo đang lao đao trước diễn biến nói trên.

Anh Vũ Trung Dân (ngụ Thừa Thiên - Huế) bắt đầu tham gia đào tiền ảo từ cuối năm 2017. Thời điểm này đồng ETH có giá trị khá cao, lên đến 1.100 USD. Vốn không rành về công nghệ cũng như việc đào tiền, anh Dân được một người em “rỉ tai” đầu tư máy đào để kiếm lợi khi về già. Vậy là anh đầu tư hẳn 4 máy với tổng giá trị là 200 triệu đồng.

Om hoa don tien dien hon 18 trieu dong/thang, 'tho dao' tien ao dieu dung
Nhiều người đầu tư máy đào tiền ảo lao đao vì đồng tiền mất giá

Thời điểm nhận máy, mỗi tháng anh Dân kiếm lời kha khá vì ETH có giá cao, lên đến 800 USD. Nghĩ đồng tiền ETH sẽ còn tăng mạnh nên anh quyết định trữ và đầu cơ.

“Không thể tưởng tượng được chỉ trong vòng 3 tháng, ETH lao dốc kinh hoàng khi từ 800 USD xuống còn dưới 150 USD. Chưa kể, việc đào tiền ảo ngày một khó khăn, có khi cả tuần mà 4 máy mới đào được 1 ETH”, anh Dân than thở.

Theo anh Dân, vì muốn đầu tư lâu dài nên anh chấp nhận bỏ ra 50 triệu đồng/máy đào. Thời điểm ETH tăng mạnh, máy đào được định giá lên đến gần 3.000 USD (tầm 70 triệu đồng) và được các nhà cung ứng chuyển từ Hà Nội vào. Anh may mắn mua được máy “giá rẻ” và dự định chuyển nhượng máy đào sau tầm 1 năm - khi đã thu hồi vốn và kiếm được khoản tiền lời.

Sau khi mua máy, anh Dân được người em hỗ trợ việc tạo ví và tài khoản ngân hàng để tiến hành giao dịch ETH. Lần giao dịch đầu tiên, anh Dân thu lợi hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh bán ETH tại các sàn giao dịch Việt Nam và thanh toán trực tiếp bằng VNĐ qua ngân hàng. Cụ thể, đồng ETH sau khi đào được đăng bán trên trang remitano.com – một trong những trang giao dịch đồng tiền ảo ETH phổ biến.

Không may, con số lợi nhuận hiện đang “về âm” khi ETH lao dốc, giá chỉ còn 134 USD tương ứng với sự giảm mạnh kể từ thời điểm tháng 7/2018. Theo ghi nhận, đồng tiền ảo này đã trải qua một sự sụt giảm 78% từ mức cao nhất mọi thời đại của nó (trên 1.400 USD) và hiện vẫn tiếp tục giảm.

Một trong những khó khăn mà các “thợ đào” đối mặt khi ETH lao dốc đó chính là tiền điện chi trả cho các “trâu cày”. Bốn máy đào của anh Dân để chạy 24/24 giờ tương đương với mức điện tiêu thụ lên đến 6 – 7 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi máy phải trả khoảng 1,6 triệu đồng, chiếu theo giá điện khi đăng ký điện tiêu thụ của doanh nghiệp. Chưa kể anh còn bỏ thêm tiền để chi trả hóa đơn điện máy lạnh vì máy đào tỏa nhiệt khá lớn.

“Trung bình thời điểm trước, 4 máy sẽ đào được 2 ETH trong vòng 2 ngày. Hiện tại, số lượng ETH bị giới hạn mạnh và đôi khi chỉ còn 1 ETH trong vòng 1 tuần. Rớt giá thê thảm… Mỗi tháng tiền điện lên tới 7 triệu đồng nhưng tiền lời thu về còn thấp hơn. Giờ các thợ đào chỉ có hai lựa chọn, một là tháo điện máy đào ETH để đợi giá thành tăng và bán ra. Cách thứ 2, tiếp tục cắm máy đào và chấp nhận chi trả tiền điện. Tôi cũng đang định rút điện để cho máy nghỉ, chứ không kham nổi tiền điện nữa…”, anh Dân nói.

Om hoa don tien dien hon 18 trieu dong/thang, 'tho dao' tien ao dieu dung
Thông báo tiền điện một tháng hơn 18 triệu đồng mà dân đào Bitcoin phải chi trả. Ảnh: NVCC

Bán không đành, giữ không xong

Tình hình của anh Dân cũng là "nỗi lòng" của biết bao "thợ đào" tiền ảo khi giá đồng tiền này giảm không phanh thời gian gần đây. Anh Dân cho biết hiện trong ví của anh có 18 ETH nhưng anh chưa dám bán ra vì sợ lỗ nặng.

“Bán ra thì lập tức có người mua vào, tiền cũng được chuyển ngay vào tài khoản ngân hàng nhưng thật sự rất tiếc. Đào vừa mất thời gian vừa tốn tiền ‘chăm’ máy, thay linh kiện… nhưng bán ra chả thấy lời bao nhiêu. Thậm chí tính toán rõ ràng thì 4 máy vẫn chưa đủ huề vốn cho tôi”, anh Dân nói.

Tại TP.HCM, hiện tại có rất nhiều nơi đang nhận “cắm máy” cho nhà đầu tư. Tại một địa điểm cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt “trâu cày” ở quận Tân Bình, mức giá thấp nhất là 2 triệu đồng/máy/tháng, bao gồm chi phí điện, chi phí quản lý, sửa chữa khi hư hỏng… Đây được xem là lựa chọn được nhiều "thợ đào" chấp nhận, bởi họ tiết kiệm được chi phí lắp đặt máy lạnh. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là thất thoát coin vì bị nhân viên chuyển coin từ ví của khách sang các ví khác.

Dạo quanh các diễn đàn về tiền ảo, rất nhiều nhà đầu tư đang đăng bán máy đào bởi không chịu nổi chi phí điện, bảo dưỡng và thay thế linh kiện. Với mức giá coin chỉ còn trong khoảng 150 USD thì việc bán tháo máy với giá rẻ đồng nghĩa với việc nhà đầu tư máy đào chấp nhận thua lỗ nặng. Thậm chí, có nhiều người chỉ vừa mua máy trong vòng 3 tháng đã phải bán tháo với mức giá giảm 10 – 20 triệu đồng.

Như trường hợp của anh Bảo (ngụ quận Tân Bình) chấp nhận mất giá 50% sau khi bán máy đào trong giai đoạn đồng coin rớt giá. 11 “trâu đào” của anh đang ngốn mỗi tháng hơn 18 triệu đồng tiền điện, trong khi độ khó đào lại ngày một tăng lên. Để bù vào chi phí mỗi tháng, anh đành ngậm ngùi bán bớt máy.

“Lúc mới mua mình tính toán với 70 – 80 triệu đồng/máy thì chỉ vài tháng sẽ hoàn vốn. Thế nhưng kể từ khi coin ‘chảy máu’ thì mọi dự tính coi như đổ bể. Với mức giá hiện tại, phải 2 năm mới có thể lấy lại vốn”, anh Bảo nói.

Trao đổi tại Hội nghị đối thoại về quản lý tiền ảo do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM gần đây, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban quản lý chương trình 585 thừa nhận, việc đầu tư tiền mã hoá, tiền ảo có nhiều rủi ro, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều cân nhắc trước khi khung pháp lý được xây dựng và hoàn thiện. Trong lúc chưa có khung pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư và doanh nghiệp phải xác định rủi ro và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, hiện nhà nước đang cân nhắc 3 ba hình thức quản lý tiền ảo, tài sản ảo là: thả nổi, không giám sát để các bên tự giao dịch và pháp luật không bảo vệ; cấm giao dịch tiền ảo; cho phép và tập trung quản lý các tổ chức liên quan đến tiền ảo. 

Tuy nhiên, quan điểm của Nhà nước với tiền ảo vẫn là việc cân bằng giữa phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo; đồng thời giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, người tiêu dùng. Tuy vậy, tiền ảo có được xem là tài sản, hàng hóa hay dạng hình thức nào vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ.

Quản lý tiền ảo trên thế giới

Theo TS Lưu Hương Ly - Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp, tại Singapore tiền ảo (tiền mã hoá) không được thừa nhận là tiền pháp định hay tiền tệ. Tuy nhiên, dưới góc độ thuế, chính phủ Singapore coi việc cung cấp tiền ảo là cung cấp "dịch vụ" vì thực chất người sở hữu tiền ảo sẽ được cung cấp một dịch vụ nhất định và không được miễn thuế tiêu dùng. 

Tại Austrailia, tùy từng trường hợp cụ thể, tiền ảo sẽ được coi là một loại chứng khoán hoặc hàng hoá, dịch vụ nhưng không phải chịu thuế tiêu dùng. Với mục đích đánh thuế thu nhập, từ tháng 3/2018, Austrailia coi tài sản mã hóa, tiền mã hóa là một loại tài sản kỹ thuật số và phải chịu thuế trên thặng dư vốn (một loại thuế thu nhập - capital gains tax/CGT).

Trong khi đó, theo Th.S Nguyễn Tuấn Linh - Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp, cho biết tại Canada chưa có khung pháp lý chính thức điều chỉnh dành riêng cho tiền ảo.

Hiện tại, giới chức lẫn người dân Canada đang sử dụng "lẫn lộn" các khái niệm khi nói về tiền ảo. Ở khía cạnh hàng hóa, cơ quan quản lý thuế của Canada đã mô tả tiền ảo như một loại hàng hoá và khẳng định đây không phải là một loại tiền được phát hành bởi chính phủ. Bộ Tài chính nước này cho rằng tiền ảo với tư cách là một loại hàng hoá, có thể là đối tượng của các quy định pháp luật về chứng khoán của Canada.

Về quản lý, hiện các hoạt động trung gian cho giao dịch tiền tiền ảo ở Canada đang được điều chỉnh bởi khung pháp luật về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, các công ty có hoạt động trao đổi, giao dịch tiền ảo sẽ phải đăng ký với Trung tâm phân tích báo cáo và giao dịch tài chính của Canada (FINTRAC).

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI