Ôm con ra khỏi nhà, hay ở lại làm… vợ lớn?

15/11/2022 - 10:00

PNO - Chị không muốn làm “vợ lớn” kiêm ô sin nhà chồng. Chị biết đời chị sẽ có thể cực hơn, nhưng không còn khổ, còn khóc nữa.

Cơn mưa bất ngờ của buổi trưa tháng Mười không làm chị Thanh Thúy (*) (Q.Phú Nhuận, TPHCM) vội vã. Chị cứ đứng tần ngần gần cổng Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận.

Vợ chồng chị đã nộp đơn đồng thuận ly hôn vào giữa năm 2022. Thế nhưng, khi vụ việc đang được tiến hành hòa giải, chị lại muốn rút đơn. Rồi, khi đã đến cổng tòa chị lại ngần ngừ không muốn rút. Chị thấy mình như cá mắc cạn: không thể tiếp tục với cuộc hôn nhân địa ngục, nhưng ly hôn cũng không được, vì tay trắng làm sao nuôi nổi bốn đứa con.

16 năm trước, qua mai mối, chị Thúy nên duyên với anh Nguyễn Vinh(*). Khi đó, chị - cô gái quê 19 tuổi choáng ngợp vẻ bảnh bao và tài ăn nói dẻo miệng, ngọt ngào của chàng trai thành phố. Vài tháng sau lễ cưới diễn ra và cô dâu mới lớn tràn đầy hy vọng về người chồng hết lòng thương vợ  như đã hứa và một gia đình hạnh phúc.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Thế nhưng, hậu đám cưới chị vỡ mộng dần. Chồng đi làm công nhân xưởng in được bao nhiêu tiền là đi nhậu, rồi lô đề, cá độ đá banh. Anh chỉ lo cho bản thân, chẳng quan tâm vợ buồn vui, đủ đầy hay đói khổ. 

Năm 2007, chị sinh con đầu lòng. Chị hy vọng khi có con, chồng sẽ thay đổi, chí thú làm ăn. Nhưng, đó chỉ là ước mơ của chị. Chồng chị vẫn đi chơi nhiều hơn làm, về nhà là ngủ vùi, mặc con khóc, vợ đau. Chị trách, hay cằn nhằn chồng không trách nhiệm, không phụ vợ chăm con là bị chồng chửi và đánh đòn. Chị nhẫn nhịn, cam chịu vì không muốn mang tiếng còn trẻ đã bị chồng bỏ. 

Sau khi ở cữ, chị gửi con về nhà ngoại tại Hậu Giang. Từ đứa con đầu, cũng như ba bé sau, con cứ được vài tháng chị đều gửi về ngoại chăm sóc, đến năm tuổi mới rước lên. Chị mở một hàng cơm tấm trên vỉa hè ở gần nhà. Ngày nào chị cũng quần quật làm việc. Mới 1g30 sáng, chị đã dậy nấu cơm, kho thịt, nướng thịt, nấu xúp... chuẩn bị 5g sáng dọn hàng. Bán xong cũng một mình chị dọn dẹp. Đến chiều, chị đi chợ, về nhà lại lao vào sơ chế thực phẩm chuẩn bị cho bữa bán hôm sau. Bên việc hàng quán, chị còn lo cơm nước cho cả nhà chồng, dọn dẹp, giặt giũ… Đến khi chị được đặt lưng xuống giường đã hơn 23g. 

Gánh nặng cơm áo gạo tiền oằn nặng đôi vai chị, còn chồng như khách trọ. Ngủ rồi ăn, ăn rồi đi và sáng sáng còn ra quán lấy tiền đi uống cà phê.  Thậm chí, đưa đón con đi học, cũng mình chị lo toan. Chị phải bỏ ngang hàng quán, nhờ người trông rồi vội vàng đưa con đến trường. Trong khi đó, chồng ngồi rung đùi chém gió với bạn bè. 

Nhiều lần nhìn "chồng người ta" chở vợ con đi chơi, chị cũng cám cảnh thân phận. Nhưng rồi chị tự an ủi mình "kệ, miễn mình khỏe, con khỏe, ổng để yên cho mình mua bán là được". 

Vậy mà cái ước mơ nhỏ nhoi đó của chị cũng tan biến. Cách đây hơn một năm, chồng chị công khai cặp kè với một phụ nữ. Nhiều lần anh chở cô ta ngang quán cơm, thậm chí còn đưa cô ta về nhà. Chị phản ứng liền bị chồng đánh. Chị ghen, khó chịu với người phụ nữ kia cũng bị chồng đánh. Chị không vui, chồng cũng đánh vì cho rằng dám tỏ thái độ với chồng. Kể cả, khi chồng gây gổ với nhân tình, về nhà anh ta cũng trút bực lên chị bằng những cái tát, cú đấm. 

Một ngày, chồng đưa nhân tình về nhà, bắt chị chấp nhận "bà hai" và phải chung sống hòa bình với “bà nhỏ”. Chị không đồng ý nên đã bị chồng đánh một trận thừa sống thiếu chết. Sau đó, chồng viết đơn ly hôn bảo chị ký. Nỗi uất ức của 15 năm vợ chồng, nhưng luôn bị đối xử ghẻ lạnh, bạo hành và nuôi con một mình, chị ký đơn như tìm sự giải thoát. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Thế nhưng, sau khi nộp đơn chị bừng tỉnh với câu hỏi "làm sao nuôi nổi bốn đứa con, đứa lớn mới học lớp Chín, đứa nhỏ bảy tuổi?". Chồng giao bốn đứa con cho chị nuôi. Tuy nhiên, nếu ly hôn, đồng nghĩa với việc chị phải ra khỏi nhà chồng. Số tiền lời ít ỏi từ quán cơm nếu phải đem trả nhà trọ, thì còn đâu nuôi con. Mẹ chồng chị khuyên: "Con kiên nhẫn, chấp nhận chịu thiệt, chịu khổ để giữ gia đình, giữ cha cho bốn đứa nhỏ". 

Nhưng, nơi mà chị đang sống không phải là gia đình, và người đàn ông đã cùng chị tạo bốn đứa con cũng chưa một ngày làm tròn trách nhiệm người cha. Chị xót xa khi cứ tối tối, thấy ba không về, đám con ước ao: "Phải chi ba đừng về, năm mẹ con mình sống thế này vui hơn. Không có ba, mẹ không bị đánh, tụi con không bị chửi". 

Cả tháng qua chị mất ngủ, vì không tìm được lời giải cho bài toán của cuộc đời. Cơ hội giải thoát đang đến, nhưng ly hôn thì không nuôi được con mà tiếp tục chung sống thì chẳng khác nào địa ngục. Chị tiếc 15 năm thanh xuân cho một người đàn ông không xứng đáng. Một người bạn thân của chị nói: “Sự yếu đuối, lo lắng của chị sẽ làm chị mất thêm nhiều lần 15 năm nữa”.

Chị nghĩ nhiều về câu nói của người bạn. Sau phiên tòa hòa giải lần này, chị có thêm thời gian để quyết định cuộc hôn nhân của mình. Chị nghĩ đến chuyện thuê mặt bằng mới, hai đứa lớn ở với mẹ đi học, hai đứa nhỏ về ở tạm nhà ngoại. Cùng đường thì mấy mẹ con có thể đưa nhau về quê ngoại, có miếng đất nhỏ, nuôi trồng, không sợ đói. Các con ở quê vẫn có thể học hành, không thấy cảnh ba có vợ bé.

Chị không muốn làm “vợ lớn” kiêm ô sin nhà chồng. Chị biết đời chị sẽ có thể cực hơn nhưng không còn khổ, còn khóc nữa. 

Dương Thùy

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI