Ôm con đi... kéo dài chân

09/06/2019 - 07:00

PNO - Thấy con không cao bằng bạn cùng trang lứa, nhiều cha mẹ thúc con ăn, ép uống sữa, thực phẩm chức năng tăng chiều cao... Nhưng dù làm đủ mọi cách, con vẫn lùn.

Cha mẹ không lùn sao con thấp?

Nghe bác sĩ phòng khám Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM đọc thông tin: "Bé N.B.L.N., 5 tuổi, nặng 15 ký, cao 100cm", chị Nguyễn Thị Hiếu Lộc (34 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) tự trách bản thân: "Tôi và chồng đều cao trên 1,6 mét. Vậy mà hai con gái (bé 5 tuổi và bé 2 tuổi) đều thấp bé, còi cọc".

Om con di... keo dai chan
Nhiều cha mẹ thấy con thấp lùn nên mua thực phẩm tăng trưởng chiều cao ép con uống.

Theo chị Lộc, con gái chị rất năng động, lanh lợi nhưng biếng ăn nên nhỏ con. Chị tìm mua các loại sữa ngoại, sữa tốt để bé bổ sung canxi cho cao bằng bạn bè.

"Tôi theo dõi chiều cao của con rất thường xuyên, cũng thấy bé cao hơn so với lần đo trước. Nhưng khi nhìn con đứng gần bạn cùng lớp, tôi mới biết con mình khá thấp. Bao nhiêu thực phẩm chức năng tăng chiều cao, hàng lít sữa vô bụng mà con vẫn lùn tè. Thế hệ bây giờ trẻ em cao lớn, chứ thấp quá sau này khó xin việc. Chính vì vậy, tôi đưa con đến bệnh viện sớm tìm ra nguyên nhân để cải thiện chiều cao cho con", chị Lộc nói.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương – khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – cho biết, bình thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50cm. Một tuổi, trẻ sẽ tăng thêm 25cm. Trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 5cm. Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao.

Ngồi chờ tới lượt đo chiều cao cho con, chị Cao Thị Mai Anh (27 tuổi, ở quận Thủ Đức) kể: Trong một lần tổ chức sinh nhật cho con trai N.T.M., 4 tuổi, tại nhà trẻ, chị tình cờ nhận ra bé thấp so với các bạn trong lớp. Ban đầu chị nghĩ lớp của con có bé lớn tuổi hơn, nhưng khi hỏi cô giáo mới biết các bé bằng tuổi nhau. Chị sốt ruột lên lịch xin nghỉ phép để đưa con đi gặp bác sĩ giúp con tăng chiều cao.

Om con di... keo dai chan
Phụ huynh ghi thông tin khám chiều cao cho con ở BV Nguyễn Tri Phương.

Cầm tờ khai thông tin cho con, chị Mai Anh buồn buồn: “Con trai nặng 20 ký nhưng chỉ cao 80 cm. Bình thường khi tụ họp bạn bè, các bà mẹ như tôi chỉ hỏi bé bao nhiêu ký chứ không hỏi chiều cao nên cũng không để ý.

Đến khi con trai lùn hơn cả những bé gái trong lớp thì tôi thật sự lo lắng. Tôi ép bé uống sữa, uống canxi nhiều hơn nhưng vẫn không thể cải thiện. Thậm chí cho bé học bơi, bóng rổ khi mới vài tuổi nhưng bé chỉ… tăng cân đều chứ không cao lên”.

Thăm khám cho bé M., bác sĩ nghi ngờ bé bị thiếu hormone tăng trưởng nên khuyên người nhà đồng ý thực hiện các thủ tục cần thiết để bé được làm các xét nghiệm liên quan. Sau đó bác sĩ sẽ lên liệu trình kéo dài chiều cao cho bé.

Bác sĩ CK2 Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – giải thích: thiếu horomone tăng trưởng là sự rối loạn nội tiết phổ biến nhất, biểu hiện bằng tình trạng thấp lùn. Tần số bắt gặp tình trạng thiếu hormone tăng trưởng vào khoảng 1/4000 trẻ.

Chậm cao... ngay trong bụng mẹ

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương phân tích: Quá trình tăng trưởng ở trẻ em bắt đầu từ trong bụng mẹ. Lúc này, dinh dưỡng và nội tiết là hai vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển chiều cao. Rất nhiều nguyên nhân khiến thai nhi chậm tăng trưởng chiều cao như: thiếu hormone tăng trưởng, nội tiết, suy dinh dưỡng bào thai.

Riêng việc thiếu hormone tăng trưởng có thể do bẩm sinh khi có những bất thường trong thai kỳ hoặc mắc phải khi tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não, hay nhiễm trùng dạng viêm màng não, viêm não… tác động đến quá trình sinh sản tế bào tuyến yên. Trong một số trường hợp, thiếu hormone sinh trưởng không xác định được nguyên nhân.

Om con di... keo dai chan
Chiều cao sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ.

Hormone tăng trưởng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em; thậm chí đóng vai trò quyết định về chiều cao trong giai đoạn trưởng thành Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân khiến trẻ thấp bé, thay vì nhồi nhét những thực phẩm chức năng được quảng cáo “thần kỳ”.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Loan (ở Tân Bình, TP.HCM), suốt nhiều năm liền chị cho con trai T.C.N., 13 tuổi, thử dùng đủ loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao nhưng vẫn “bé hạt tiêu”.

Bác sĩ Trần Quang Khánh – khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết sau khi thăm khám các bệnh lý liên quan, kiểm tra tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình, đo chiều cao và chụp X-quang xương bàn tay, đánh giá tuổi xương, bác sĩ phát hiện bé N. bị thiếu hormone tăng trưởng.

Bé N. được chỉ định bổ sung hormone điều trị, đến nay, N. cao được 1,6 mét, bắt kịp chiều cao của các bạn nên em không còn tự ti, mặc cảm.

Om con di... keo dai chan
Không phải trẻ nào thấp lùn cũng bị thiếu hormon tăng trưởng.

Theo bác sĩ Khánh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương điều trị cho 31 trẻ chậm tăng trưởng chiều cao có chỉ định tiêm hormone trong số 550 trẻ đến khám. Các bé sẽ tăng thêm từ 6 đến 12cm/năm, khoảng 80% bé tăng được 1cm/tháng trong năm đầu tiên.

Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều cha mẹ vẫn lo chạy theo các quảng cáo thực phẩm chức năng tăng chiều cao mà bỏ qua cơ hội vàng điều trị cho con. Đặc biệt, trẻ thấp lùn dễ hình thành nên các phản ứng tâm lý tiêu cực. 

Nếu trẻ thấp lùn so với bạn bè sẽ mất tự tin, sợ bạn bè bắt nạt. Riêng các bà mẹ cũng mặc cảm theo vì cho rằng con lùn là do di truyền từ gia đình, là lỗi của mẹ không chăm sóc con chu đáo.

Bác sĩ Võ Đức Chiến trấn an: không phải bất kỳ trẻ em thấp lùn nào cũng đều mắc bệnh thiếu hormone tăng trưởng. Nếu thấy trẻ cao với tốc độ chậm hơn hoặc bằng 4cm/năm, mập phì vùng bụng, cơ bắp nhão, giảm, chậm dậy thì... cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để bé được thăm khám xem có mắc bệnh thiếu hormone tăng trưởng hay không. Thời gian vàng điều trị cho trẻ là từ 3-14 tuổi.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI