|
Bé L. được bác sĩ phát hiện dính thắng lưỡi - Ảnh: Phạm An |
Suýt bỏ qua “thời gian vàng” cắt thắng lưỡi cho trẻ
Ôm con trai đợi cắt thắng lưỡi, chị Nguyễn Thị Thanh (tỉnh Tiền Giang) vừa mừng, vừa hối hận. Mừng bởi con chị - bé T.T.Ng. (bốn tuổi) kịp phát hiện bệnh; hối hận bởi chị cứ ép con phải điều trị tâm lý vì nghĩ con bị tự kỷ. Thậm chí, chị từng đưa bé Ng. đi khám tâm thần khi có giai đoạn bé la hét, quấy khóc, tự cào mặt mình do người nhà bắt nói chuyện.
“Lúc mới được sinh ra, con tôi khỏe mạnh, kháu khỉnh, còn hóng chuyện sớm hơn những bé cùng tuổi. Vậy mà hơn hai tuổi con vẫn cứ ú ớ, không nói được tiếng nào dù cả nhà nói gì cháu cũng hiểu. Khi được ba tuổi, mọi người dùng… biện pháp mạnh bắt con phải nói chuyện đến nỗi khi ai đến gần con đều la hét không chịu gặp. Vì là cháu đích tôn, tôi cũng rất áp lực với gia đình chồng nên đưa con đi khám khắp nơi”, chị Thanh nhớ lại.
Càng về sau, bé Ng. càng thích ở một mình, không chơi cùng mấy đứa nhỏ trong xóm, luôn cắm cúi với chiếc điện thoại. Thấy vậy, hàng xóm khuyên chị đưa bé đi khám tự kỷ. Ôm con đến các bệnh viện (BV) trị tự kỷ, các bác sĩ đều cho rằng Ng. không mắc chứng này, có thể bé bị bệnh tâm lý. Chị Thanh tiếp tục đưa con gặp bác sĩ tâm lý điều trị gần nửa năm, cháu vẫn không nói được. Chị Thanh kể: “Lúc này, tôi nản lắm rồi, định ôm con về quê nhưng gặp một chị đi cắt thắng lưỡi cho con, nói chuyện với chị ấy tôi quyết định đưa con đến Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1 khám. Nếu lần này không được thì đành chấp nhận, chứ tội nghiệp con quá, mỗi lần đến BV là con rất sợ. Khi khám cho Ng. xong, bác sĩ nói con bị dính thắng lưỡi”.
Cũng ngồi đợi cắt thắng lưỡi cho con, chị Châu Thị Giang (tỉnh Long An) cho biết hai đứa con của chị đều bị dính thắng lưỡi không nói chuyện được. Mặc dù bé N.P.L. (năm tuổi) chỉ biết gọi một tiếng ba ngọng nghịu, không rõ ràng nhưng bé thích giao tiếp, năng động làm quen với mọi người xung quanh. Bé hay cười khi nghe mọi người nói chuyện. Đôi khi quá phấn khích trước chuyện gì đó, bé cười lớn, rồi chạy tới chạy lui diễn tả điều mình muốn nói làm cho người nhà lại nghĩ bé tự kỷ dạng tăng động nên đưa bé đi khám tâm thần. Thậm chí, bé L. còn bị sử dụng thuốc an thần mỗi khi “kích động”.
Không như anh trai mình, bé N.H.H. (hai tuổi) lại luôn ôm chặt mẹ, im lặng không nói, không hợp tác khi bác sĩ thăm khám. Nhưng cũng nhờ bé H. mà hai anh em đều được bác sĩ phát hiện bị dính thắng lưỡi. Chị Giang cho biết: “Tôi sinh cả hai bé ở trạm xá, nữ hộ sinh đã khám cho hai con khẳng định chúng khỏe mạnh, không dị tật. Vậy mà đợi mãi, hai đứa đều không chịu nói. Một lần, tôi nghe H. nói chuyện với nhân vật hoạt hình khi bé xem điện thoại, nhưng các chữ cái đều bị lẫn lộn, nhất là những từ bắt đầu bằng chữ n, l, th, c… Tôi lên mạng tìm hiểu thì nghĩ có thể bé bị dính thắng lưỡi. Tôi và chồng bèn đưa hai con đi khám”.
Hiện tại, các bé đã được cắt thắng lưỡi. Bé H. đã có thể nói chuyện rõ ràng, bé Ng. giao tiếp được câu ngắn. Nhưng bé L. bị nói ngọng do cắt thắng lưỡi quá trễ, phải tập vật lý và ngôn ngữ trị liệu trong thời gian tới.
Phát hiện càng sớm, trị dính thắng lưỡi càng đơn giản
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, thắng lưỡi là một bộ phận của lưỡi, nằm dưới bụng lưỡi, có dạng hình tam giác. Thắng lưỡi có vai trò quan trọng trong việc vận động lưỡi, định hướng các chức năng của lưỡi trong đó có phát âm, nói chuyện. Dính thắng lưỡi là bệnh bẩm sinh, có thể phát hiện xử lý ngay từ sơ sinh.
Việc cắt thắng lưỡi cho trẻ khá đơn giản, chỉ cần gây tê, cắt tạo hình thắng lưỡi bằng dao điện, 15 phút sau vết thương ổn định, bé có thể uống sữa lạnh hoặc nước lạnh ngay và về nhà. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến tuổi tập nói trẻ mới được phát hiện hoặc cha mẹ có thể nhầm lẫn dính thắng lưỡi với những “hội chứng thời hiện đại”.
Trung bình mỗi ngày Khoa Răng Hàm Mặt xử lý cắt thắng lưỡi cho khoảng 30-35 bé bị dính thắng lưỡi. Không ít trẻ được cha mẹ đưa đến BV khi đã lớn, có trẻ đến 10-12 tuổi mới được phát hiện. Lúc này, trẻ đã không nói, nói không rõ hoặc nói ngọng, sau khi cắt thắng lưỡi, điều chỉnh lại phát âm sẽ rất khó. Vì vậy, dính thắng lưỡi nên được can thiệp càng sớm càng tốt. Thời gian thực hiện cắt thắng lưỡi cho bé lý tưởng nhất là từ ba tháng đến trước khi bé mọc răng cửa.
“Cha mẹ có thể kiểm tra thắng lưỡi cho trẻ bằng cách quan sát lưỡi của trẻ. Hãy nói trẻ thè lưỡi ra, nếu thắng lưỡi bình thường thì đầu lưỡi sẽ nhọn, độ dài lưỡi thấy rõ. Ngược lại, một trẻ bị dính thắng lưỡi, khi thè lưỡi, độ dài sẽ ngắn, đầu lưỡi bị kéo ngược thành hình hơi vuông, bé cố đẩy lưỡi, đầu lưỡi sẽ có hình trái tim”, bác sĩ Đẩu nói thêm.
Thông thường, trong quá trình khám tầm soát sơ sinh, bác sĩ sẽ phát hiện ngay nếu bé bị dính thắng lưỡi. Ngoài ra, nếu trẻ bú khó, nuốt khó, không chịu bú bình… cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để biết nguyên nhân, không loại trừ dính thắng lưỡi. Còn khi đã đến giai đoạn tập nói, nếu bé chậm nói, phát âm sai, nói ngọng những từ bắt đầu bằng r, n, l, đ, th, c… khi bé cong lưỡi lên sẽ không thể cong nhiều, lưỡi chẻ hình trái tim rõ rệt và nhìn bằng mắt thường sẽ có cảm giác thắng lưỡi rất dày. Lúc này, bé cần được đưa đến cơ sở y tế để khám và kịp thời điều trị. |
Phạm An