Olympic mùa đông 2022 tại Trung Quốc có thể bị thế giới tẩy chay

19/10/2020 - 14:17

PNO - Trước thềm Thế vận hội mùa đông 2022 tổ chức tại Bắc Kinh và các thành phố khác, Trung Quốc đang đối mặt làn sóng kêu gọi tẩy chay từ thế giới.

Bắc Kinh đã chi ngân sách 3,1 tỷ USD để tái lập và xây dựng các địa điểm mới, cũng như chi thêm 8,2 tỷ nhân dân tệ (1,2 tỷ USD) cho tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với một thành phố đăng cai khác là Trương Gia Khẩu.

Theo kế hoạch, ít nhất 2.000 trường học được hướng dẫn đưa các môn thể thao mùa đông vào chương trình giảng dạy vào cuối năm 2020, và một chiếc đồng hồ khổng lồ ở Bắc Kinh bắt đầu đếm ngược thời gian còn lại trước khi Thế vận hội bắt đầu. Khẩu hiệu chính thức của sự kiện là: "Điểm hẹn vui vẻ trên băng tuyết tinh khiết".

Nhưng điểm hẹn vui vẻ đó đang ngày càng bị đe dọa khi những lời kêu gọi tẩy chay. Đầu tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết ông không loại trừ một cuộc tẩy chay Olympic, và nói thêm rằng thế giới "không thể tách biệt thể thao khỏi ngoại giao và chính trị".

Bắc Kinh có thể là thành phố đầu tiên tổ chức cả hai kỳ thế vận hội mùa đông và mùa hè, nhưng làn sóng kêu gọi tẩy chay Olympic 2022 tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Bắc Kinh có thể là thành phố đầu tiên tổ chức cả hai kỳ thế vận hội mùa đông và mùa hè, nhưng làn sóng kêu gọi tẩy chay Olympic 2022 tại Trung Quốc ngày càng gia tăng

Thượng nghị sĩ Mỹ tại bang Florida, Rick Scott, kêu gọi IOC phản ứng với Bắc Kinh theo cách mà họ đã làm khi cấm Nam Phi tham dự Thế vận hội 1964 ở Tokyo vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Vào tháng tám, Ian Duncan Smith - thành viên của Liên minh Liên nghị viện Vương quốc Anh với các chính trị gia từ 16 quốc gia và đại diện từ Nghị viện châu Âu - đã kêu gọi chính phủ Anh tẩy chay Thế vận hội, mô tả Trung Quốc là chế độ “độc tài, hiếu chiến và không khoan dung”.

Đối với Bắc Kinh - thành phố đầu tiên tổ chức cả Thế vận hội mùa hè và mùa đông - Thế vận hội 2022 thể hiện mức độ uy tín mới trên trường quốc tế, một bước tiến bổ sung so với sự kiện năm 2008 - đánh dấu sự gia nhập của Trung Quốc trên trường thế giới với tư cách nền kinh tế lớn. Ít quốc gia có đủ khả năng để cạnh tranh hoặc đăng cai tổ chức sự kiện một cách hiệu quả như Trung Quốc.

Tuy nhiên, Alan Bairner, giáo sư về lý thuyết xã hội và thể thao tại Đại học Loughborough (Anh) nhận định: "Không giống như Thế vận hội mùa hè có sự tham gia của rất nhiều quốc gia phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, những người chơi ở Thế vận hội mùa đông là các quốc gia lớn, với số lượng ít hơn và nếu họ quyết định tẩy chay thì điều đó rất có khả năng xảy ra''.

Khác với Thế vận hội mùa hè, Thế vận hội mùa đông thu hút ít nước tham gia, và khá nhiều trong số này đang có mối quan hệ bất ổn với Trung Quốc.
Khác với Thế vận hội mùa hè, Thế vận hội mùa đông thu hút ít nước tham gia, và khá nhiều trong số này đang có mối quan hệ bất ổn với Trung Quốc

Mối đe dọa tẩy chay xuất hiện khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia tham dự Thế vận hội mùa đông đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc đã giam giữ hai người Canada trong gần hai năm theo cách mà nhiều người tin là để trả đũa việc Ottawa bắt giữ giám đốc tài chính của hãng Huawei, Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), theo yêu cầu từ Mỹ.

Một cuộc tẩy chay xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm mối quan hệ của Bắc Kinh với các quốc gia khác, từ Mỹ đến Úc và Anh, xấu đi.

Tuy nhiên, cho đến nay Bắc Kinh vẫn hạ thấp các cuộc tẩy chay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hồi tháng chín: “Bằng cách liên kết cái gọi là vấn đề nhân quyền với Thế vận hội mùa đông nhằm cố gắng gây áp lực với Trung Quốc, một số tổ chức đã mắc sai lầm khi chính trị hóa các sự kiện thể thao”. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng sự mất lòng tin của thế giới vào Trung Quốc mạnh hơn thời điểm trước Thế vận hội 2008 rất có thể là động lực thúc đẩy xu hướng tẩy chay trở thành hiện thực.

Tấn Vĩ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI