Ới quan, vay 52 tỉ xài xong rồi xù?

16/03/2020 - 13:39

PNO - Nợ có thể khó đòi. Nhưng tội đi vay, chi xài không đúng quy định thì có thể bắt trả, thậm chí trả đủ, trả đắt là không khó. Nếu “đày tớ” xù nợ, nợ sẽ còn chồng chất, nhất là trước những “người chủ” nhân dân.

Chuyện tưởng chỉ đọc trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, ai dè ngay giữa đời thực, mới xảy ra từ năm 2013-2015, tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong vòng 2-3 năm, do chi tiêu vô độ, “ông” huyện ủy nợ 29 tỉ, “bà” ủy ban huyện nợ 23 tỉ.

Theo Dân trí, tiền tỉ đổ vào sửa sang cơ sở vật chất công sở huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe; tiền tặng quà các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước, giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách của lãnh đạo huyện. Tổng cộng 52 tỉ tiền nợ.

Trụ sở
Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Yên Định, Thanh Hóa 

Những chủ nợ bao gồm văn phòng huyện ủy, văn phòng ủy ban huyện, phòng thanh tra, phòng văn hóa cho đến cả người phục vụ nhà ăn của huyện ủy, cá nhân, tập thể nhận khen thưởng của huyện (do lấy tiền thưởng để chi cho các “hoạt động” đổ nợ nói trên)…

Rõ là cái “dây nợ” này “ăn không từ một thứ gì”.

Là ông bà đứng đầu cơ quan đảng và nhà nước cấp huyện. Vâng thì là cấp huyện với tính năng, quy mô và hiệu quả của bộ máy dịch vụ công tương đương, vận hành, phục vụ, khấu hao bao nhiêu mà ngốn tiền bạc tỉ tới mức kinh dị như vậy. Một trong những lý do đưa ra, nghe càng thêm chua chát và… tủi hổ, đó là “vào thời gian huyện Yên Định xây dựng và đón nhận huyện nông thôn mới, khách khứa nhiều đoàn về thăm, ăn uống, ngủ nghỉ… anh em bỏ tiền ra chịu nợ cho huyện” – một “chủ nợ”, nguyên cán bộ huyện thú nhận.

Hóa ra, cái danh hiệu “nông thôn mới” kia lại bỗng dưng thành nguồn cơn “của nợ”. Nông dân chẳng biết đã thụ hưởng được gì, cái danh hiệu rỡ ràng kia có bền bỉ theo năm tháng hay chỉ “sáng đèn” trong một sớm một chiều khi có quan đoàn, khách khứa ghé coi, tham quan, chúc tụng. Chỉ thấy, đống nợ bạc tỉ, quan hạ cánh, chủ nợ lũ lượt than trách, kiện thưa. Bạc tỉ từ túi anh chạy qua túi ả, cả hai nghiêng ngả tiếp rước, giờ bắc thang lên năn nỉ đòi nợ… ông trời chăng!

Là một dây “chủ nợ” cấp dưới, “Lúc đó, cứ có việc, Bí thư với Chủ tịch huyện hô thì anh em thực hiện. Ai ngờ sau này không đòi được” – cũng là lời của “chủ nợ” – nguyên cán bộ nói trên. Hễ là bí thư, chủ tịch “hô” là chạy, bất kể hô việc gì, hô vì ai, hô cho ai, cứ thế đâm đầu vét tiền túi, đi mượn nợ, miễn chi xài đãi đằng, quà cáp, ngủ nghỉ, xăng xe… Hay có khi, cũng dăm ba hào, vài chục cắc vung vãi ra từ đấy, đằng nào rồi chẳng thành “công nợ’ khi đã được bí thư, chủ tịch “hô biến”. Chả trách.

Là những vị khách có mời lẫn không mời cũng xênh xang đi tham quan, học hỏi mô hình “nông thôn mới”, thỏa thuê, mặc sức vỗ béo bởi những cuộc tiếp rước linh đình. Ai trong số họ học hỏi được gì, hay cũng chỉ là “giao lưu” kinh nghiệm chi xài vô độ. Nông thôn chỉ thêm phần kiệt quệ bởi những ông huyện quan bê bết rượu chè, trách gì nông dân “ly hương” ngay trên chính đồng quê của mình.

Giờ thì số nợ khổng lồ không có hóa đơn, không có chứng từ ấy đang tiếp tục… đổ nợ. Đương kim chủ tịch UBND huyện Yên Định khẳng định “số nợ trên huyện không thể giải quyết được”.

Nợ có thể khó đòi. Nhưng tội đi vay, chi xài không đúng quy định thì có thể bắt trả, thậm chí trả đủ, trả đắt là không khó. Nếu “đày tớ” xù nợ, nợ sẽ còn chồng chất, nhất là trước những “người chủ” nhân dân.

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI