Office space (Cách mạng công sở): Tiếng cười giễu nhại văn hóa công sở

02/10/2024 - 07:02

PNO - Bộ phim năm 1999 trở nên kinh điển khi mô tả cách nhiều công dân Mỹ vật vã với áp lực công việc không lối thoát.

Làm việc quá sức, bị chèn ép hay đối xử bất công là vấn đề chung mà người lao động ở nhiều quốc gia gặp phải. Đạo diễn nổi tiếng Mike Judge từng đưa chủ đề này lên màn bạc rất thành công ở bộ phim Office Space (tựa tiếng Việt: Cách mạng công sở, 1999). Ngay từ tấm poster, tác phẩm đã gợi tò mò với hình ảnh một người đàn ông bị phủ kín bởi những tờ giấy nhắc việc, cùng dòng chữ “Work sucks” (Công việc thật tệ hại). Có khán giả còn lầm tưởng đây là một bộ phim kinh dị.

Trên thực tế, Office Space thuộc thể loại hài trào phúng, trong đó cốt truyện mô tả môi trường điển hình ở các công ty phần mềm Mỹ thập niên 1990. Nhân vật chính - Peter Gibbons (Ron Livingston) - làm việc tại công ty phần mềm Initech. Anh dành cả ngày để thực hiện những công việc mệt mỏi dưới sự giám sát của ông chủ hống hách Bill Lumbergh (Gary Cole). Đối mặt với tình trạng quan liêu và sự vô nghĩa của công việc, Peter ngày càng thiếu động lực và thất vọng.

Trong một buổi trị liệu thôi miên, Peter bỗng đạt trạng thái thư giãn sâu sắc và dường như trở thành con người khác.

Thoát khỏi những lo lắng, Peter có thái độ thoải mái với cuộc sống và công việc. Anh không ngại ngần nói thẳng với cấp trên về tình hình tồi tệ của công ty cũng như sự thiếu hiệu quả của những quy trình hiện hành.

Đời sống văn phòng nhiều áp lực được tái hiện qua bộ phim
Đời sống văn phòng nhiều áp lực được tái hiện qua bộ phim

Chán nản với những bất công ở công ty, Peter cùng 2 đồng nghiệp thân thiết là Samir Nagheenanajar (Ajay Naidu) và Michael Bolton (David Herman) bày ra một kế hoạch táo bạo để phản kháng. Cùng lúc đó, anh bắt đầu hẹn hò với Joanna (Jennifer Aniston) - cô phục vụ bàn xinh đẹp mà trước đây anh không đủ dũng cảm để làm quen.

Những người trẻ kiệt sức

Đạo diễn của bộ phim là Mike Judge, vốn nổi tiếng với phong cách kết hợp các yếu tố châm biếm, hài hước và bình luận xã hội. Cảm hứng của bộ phim đến từ các công việc tạm thời và nhàm chán Judge từng làm: sắp xếp các đơn đặt hàng theo thứ tự bảng chữ cái và kỹ sư cho Parallax Graphics vào thập niên 1980.

Office Space mang đầy tính giễu nhại môi trường làm việc khắc nghiệt đến mức phi lý ở Mỹ cuối thế kỷ XX, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ, nơi các nhân viên phải làm việc thừa sống thiếu chết. Áp lực luôn đặt lên vai họ khiến cuộc sống riêng bị bóp nghẹt, thể hiện qua tình tiết nhân vật chính liên tục bị yêu cầu tăng ca cuối tuần. Dù Mike Judge mô tả văn hóa làm việc ở Mỹ cách đây hơn 20 năm, bộ phim có không ít nét tương đồng với hoàn cảnh của các bạn trẻ hiện tại.

Bằng trải nghiệm của mình, Judge đã khéo léo ghi lại những nỗi thất vọng và phi lý phổ biến của cuộc sống văn phòng, từ những cuộc họp vô nghĩa cho đến những ông chủ đáng ghét. Tác phẩm dễ khiến bất kỳ ai từng làm việc trong môi trường tương tự đồng cảm. Chính vì thế, Office Space trở thành một bộ phim mang tính biểu tượng và được nhiều thế hệ sau xem lại.

Nhân vât vị sếp khó ưa
Nhân vât vị sếp khó ưa

Khi ra mắt vào tháng 2/1999 ở Mỹ, Office Space không đạt doanh thu khả quan, một phần vì phòng vé Mỹ thường khá ảm đạm vào thời điểm này trong năm. Giới chủ của hãng Fox nhanh chóng rút phim khỏi rạp. Thậm chí có thành viên ban lãnh đạo còn chế nhạo rằng chẳng khán giả nào muốn xem một bộ phim nhỏ bé kể về những người bình thường và cuộc đời tẻ nhạt của họ.

Với doanh thu chỉ 12 triệu USD, tác phẩm bị xem là thất bại ở rạp chiếu bóng. Tuy nhiên, bộ phim bất ngờ được quan tâm hơn khi phát hành DVD và video gia đình. Nhiều khán giả tán dương Office Space và yêu thích các nhân vật, biến nó trở thành một tác phẩm có lượng người hâm mộ rất cuồng nhiệt.

Tiếng cười giễu nhại

Bộ phim chứa đầy những cảnh và câu trích dẫn đáng nhớ, pha trộn giữa sự hài hước và tinh thần phản kháng môi trường làm việc độc hại. Nổi bật trong số đó là cảnh các nhân vật phá hủy máy in, cũng như cảnh người quản lý thản nhiên bảo Peter hãy đến làm việc vào cuối tuần. Nhiều tình tiết phim đã ăn sâu vào văn hóa đại chúng và thường được người Mỹ dùng làm trích dẫn trong các cuộc trò chuyện.

Môi trường được miêu tả trong Office Space thể hiện bản chất của một văn phòng công ty điển hình ở Mỹ vào những năm 1990. Các chi tiết đặc trưng của một văn phòng như các ngăn làm việc, đèn huỳnh quang và lối trang trí buồn tẻ được tái hiện kỹ lưỡng. Sự gần gũi này làm cho bối cảnh trở nên dễ hiểu đối với bất kỳ ai từng làm việc trong môi trường tương tự.

Poster phim
Poster phim

Sự quan liêu của môi trường lao động cũng được châm biếm qua nhiều tình tiết, như đa số nhân viên được giao việc không phù hợp, nhiều cuộc họp vô nghĩa, cấp trên không thật sự hiểu cấp dưới đang làm gì. Sự tương tác giữa nhân viên và ban quản lý, đặc biệt là với Bill Lumbergh, làm nổi bật sự mất cân bằng quyền lực và thiếu đồng cảm thường thấy trong môi trường công sở. Kiểu quản lý trịch thượng, xa rời thực tế và coi thường người khác của Lumbergh tạo ra nhiều xung đột trong bộ phim.

Giữa môi trường như vậy, kịch bản khéo léo khắc họa động lực cho việc Peter, Michael và Samir dần thân thiết với nhau. Tình bạn của họ được xây dựng không phải từ sở thích chung trong cuộc sống, mà từ nỗi bất mãn tập thể nơi công sở. Cách dàn cảnh của phim cũng khéo léo mô tả điều này, khi các cuộc trò chuyện và kế hoạch thường diễn ra trong phạm vi phòng làm việc để nhấn mạnh hoàn cảnh chung của họ.

Trailer phim Office Space:

Sự ngột ngạt ở văn phòng là bối cảnh cho hành động nổi loạn và tìm kiếm ý nghĩa của các nhân vật. Trọng tâm câu chuyện là sự chuyển đổi của Peter từ một nhân viên vất vả thành một người tìm kiếm sự thỏa mãn bên ngoài thế giới doanh nghiệp. Nhìn sâu hơn, bộ phim ngầm khuyến khích con người xây dựng một cuộc sống cân bằng hơn, chứ không phải chỉ đắm chìm trong công việc. Những câu hỏi bộ phim đặt ra, như về mục đích sống hay điều gì thật sự có ý nghĩa trong đời… đến nay vẫn đáng để suy ngẫm. Đối với giới chủ, Office Space mang ý cảnh tỉnh họ phải nhanh chóng cải thiện môi trường làm việc.

Những nhân vật đáng nhớ

Office Space là bộ phim để đời của tài tử Ron Livingston trong vai Peter Gibbons, khi anh diễn tả 2 “nhân cách” khác nhau của nhân vật. Ở đầu phim, Ron nắm bắt được bản chất của một nhân viên văn phòng chán nản và bế tắc. Sau buổi trị liệu thôi miên, Peter bỗng “quay xe” trở nên thoải mái, tự tin - tương phản rõ rệt với trước đó. Cuối cùng, cuộc nổi loạn của anh gây ấn tượng với bất kỳ ai từng cảm thấy bị mắc kẹt trong một công việc tương tự.

Phân cảnh đập máy in
Phân cảnh đập máy in

Vai diễn ông chủ thích chèn ép ngầm người khác, do tài tử Gary Cole thể hiện, vừa vui nhộn vừa gây tức giận. Bên cạnh ngoại hình khó ưa, giọng nói đều đều của nhân vật cũng trở thành điểm nhấn. Về tính cách, nhân vật Lumbergh đáng nhớ nhờ mang đủ những đặc điểm tồi tệ nhất của một người quản lý doanh nghiệp: hống hách, liên tục yêu cầu nhân viên nhưng thờ ơ với họ.

Vai Joanna của Jennifer Anniston ít đất diễn nhưng có ý nghĩa quan trọng. Nhân vật này trở thành mỏ neo cảm xúc và nguồn động lực cho Peter, tương phản với thế giới công sở buồn tẻ của anh. Hoàn cảnh của Joanna cũng là ví dụ cho môi trường làm việc bất công và thiếu minh bạch.

Với những người hâm mộ Jennifer Aniston, Office Space là bộ phim không thể bỏ qua. Trong bộ phim này, minh tinh đang ở giai đoạn rực rỡ và ngọt ngào nhất. Vẻ tự nhiên trên màn ảnh, toát lên cả sự ấm áp và quyến rũ, là những điều khiến khán giả mãi yêu thích nữ diễn viên suốt nhiều thập niên qua.

Ân Nguyễn

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI