'Ốc mượn hồn' ở sân khấu kịch

10/03/2018 - 06:30

PNO - Có lẽ chưa bao giờ trở thành tác giả, đạo diễn lại dễ như hiện nay. Bên cạnh những tác giả, đạo diễn biết tận dụng cơ hội để phát triển nghề thì sân khấu cũng có cả những con 'ốc mượn hồn' đáng ngại.

Sân khấu (SK) “nở nồi” quá nhanh khi đội ngũ tác giả, đạo diễn có nghề lại không kịp phát triển để đáp ứng nhu cầu. Một kịch bản chỉ trên dưới 10 trang, chi tiết lủng củng, tính cách nhân vật bất nhất, tình huống kịch bất hợp lý... vẫn được tác giả hồn nhiên "chào hàng"; Vở diễn ra mắt khán giả không còn bóng dáng gì của kịch bản gốc từ nội dung đến tên vở; Đạo diễn đứng tên trên poster nhưng bản dựng được chỉ đạo nghệ thuật sửa chữa khác đến 70-80% so với bản dựng đầu tiên... Chuyện tưởng như đùa nhưng lại là thực tế đang xảy ra khá phổ biến trong đời sống SK thành phố hiện nay.

Dễ như... làm tác giả, đạo diễn sân khấu

Từ nhiều năm nay, râm ran ở một số SK những câu chuyện rất giống nhau: trước khi lên sàn chẳng cần phải học lời, nghiên cứu kịch bản chi cho mất công. Kịch bản dù đã được chỉnh sửa “be bét”, nhưng quá trình tập luyện lại phải thay đổi “banh chành”, thêm thắt từ lời thoại đến tình huống kịch do có quá nhiều bất hợp lý. Không hiếm những vở diễn sau khi hoàn tất chỉ còn lại một tứ kịch quan trọng nhất trong kịch bản, phần còn lại được hình thành dựa trên sự tung hứng, sáng tạo của các diễn viên (DV) trong lúc tập luyện.

'Oc muon hon' o san khau kich

Có lợi thế với đội ngũ DV giàu sức sáng tạo, nhưng SK Thế Giới Trẻ vẫn chọn cách đặt hàng kịch bản đo ni đóng giày cho các DV để phát huy tối đa khả năng.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở vai trò đạo diễn (ĐD). Cách làm hiện nay ở một số sân khấu là để cho ĐD dựng "mộc" đường dây kịch bản. Chỉ đạo nghệ thuật hoặc quản lý SK sẽ “chuốt” lại, hoàn chỉnh vở trước khi phúc khảo. Cũng có trường hợp ĐD đựợc giao dàn dựng vở diễn chỉ để... phúc khảo. Sau phúc khảo, trên tổng thể đó, vở diễn được chỉnh sửa lại gần như toàn bộ mới bắt đầu công diễn.

Chuyện sửa kịch bản trước đây vốn là điều tối kỵ ở sân khấu. Mọi sự sáng tạo của ĐD, DV trên SK phải nằm trong giới hạn kịch bản đã quy định. Thay đổi duy nhất được dễ dãi chấp nhận là diễn viên có thể sửa câu thoại cho thuận miệng để thoại lời có cảm xúc hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi này chỉ được chấp nhận ở những vở kịch sinh hoạt, những vở mang nhiều chất văn học thì việc thay đổi lời thoại là điều diễn viên chỉ dám thực hiện “lén lút” ở vài chi tiết nhỏ trong những câu thoại quá khó.

Bất kỳ thay đổi nào về tình huống kịch, tính cách nhân vật... đều có sự thoả thuận, bàn bạc giữa ĐD - tác giả và phải được tác giả chấp nhận. Việc tác giả không chấp nhận thay đổi và vở diễn không thể lên sàn không phải là chuyện lạ. Tiếng chim vườn Ngọc Lan là một ví dụ. SK Idecaf đã đưa kịch bản lên sàn tập và hoàn tất gần 50% tiến độ, nhưng do không thể thoả thuận với tác giả trong việc cập nhật thêm một số chi tiết mang tính thời sự (Tiếng chim vườn Ngọc Lan dàn dựng lần đầu tiên năm 1999) nên vở diễn đành phải gác lại.

Tương tự ở góc độ ĐD – người vốn nắm giữ vai trò định đoạt “số phận” một tác phẩm SK. Chỉ đạo nghệ thuật hoặc quản lý sân khấu chỉ có thể thuyết phục ĐD thay đổi chi tiết, tình huống, lối dàn dựng... tác phẩm theo quan điểm của mình khi chứng minh được quan điểm của mình là hợp lý. Diễn viên muốn có những sáng tạo khác biệt cũng phải được sự đồng ý của ĐD.

Tất cả những nguyên tắc đó giờ đã là “hàng hiếm”. Có những tác giả, ĐD trẻ ngày nay không cần quan tâm thành quả sáng tạo của mình bị nhào nặn ra sao, thay đổi đến mức nào khi trở thành bản dựng cuối cùng được ra mắt công chúng. Điều quan tâm lớn nhất của họ chỉ là mình được có tên trên poster.

Tại anh, tại ả...

SK “nở nồi” khi đội ngũ tác giả, ĐD đang thiếu hụt trầm trọng. Tuổi thọ các vở diễn ngày càng ngắn, SK phải liên tục dựng vở để thay đổi “khẩu vị”, đáp ứng nhu cầu khán giả. Nhân lực, tài nguyên vốn đã khan hiếm giờ lại càng cạn kiệt với tốc độ làm việc của các SK. Mua kịch bản của các tác giả có nghề đôi khi lại nằm ngoài khả năng của các SK bởi có kịch bản được chào giá đến 20 triệu. 

'Oc muon hon' o san khau kich

Hoàng Thái Thanh- một trong những SK rất "khó tính" ngay từ khâu chọn kịch bản

Tất nhiên, so với chất xám phải bỏ ra cho hơn 20 trang kịch bản thì đây là số tiền không quá cao, nhưng so với doanh thu của SK trong thời điểm này thì đó lại là khoản tiền “ngoài khả năng chi trả”. Chưa kể “Những kịch bản đó mua về chưa chắc đã phù hợp với “gu” dàn dựng của SK và khả năng của diễn viên ở SK” – một bầu SK chia sẻ.

NSND Hồng Vân:

Nhiệm vụ của bầu show là phải “đãi cát tìm vàng”. Có lúc ngỡ tìm được vàng, chúng tôi kỳ công chạm khắc để mong thỏi vàng thô sơ sẽ đẹp và lấp lánh hơn. Nhưng rồi càng cố công chạm khắc, mãi dũa chúng tôi nhận ra rằng mình đã lầm, không phải cái gì lấp lánh cũng đều là vàng. Không có điều gì là dễ dàng, nghệ thuật càng khắc nghiệt hơn. Không ai có thể đứng phía sau để giúp bạn hết lần này đến lần khác. Nếu bị mờ mắt bởi ánh hào quang giả tạo, tự hào với thứ không phải là của mình thì không sớm thì muộn người chỉ biết đi bằng đôi chân của người khác sẽ bị đào thải.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, SK chấp nhận kịch bản của những tên tuổi mới, hoặc đưa ra ý tưởng cho diễn viên, ĐD... vốn là người của SK chấp bút. Có kịch bản sau khi hoàn tất được ví như bộ khung xương và diễn viên, ĐD sẽ đắp thêm da, thêm thịt trong quá trình lên sàn. Nhưng nhiều kịch bản chỉ như những mảnh ghép rời rạc mà cả ê-kíp phải tốn nhiều công sức mới có thể cho ra lò một vở diễn tạm hoàn chỉnh.

Cùng với tác giả là ĐD. Có SK cho ra đời từ  4 - 6 vở diễn chỉ trong khoảng 2 tháng. Nhanh nhất là chọn những ĐD mới tốt nghiệp, hoặc những diễn viên đã có thời gian làm nghề lâu năm và muốn thử sức ở vai trò ĐD. Cũng có SK dù tốc độ dựng vở không quá nhanh, nhưng vì muốn đa dạng đội ngũ ĐD và tạo điều kiện cho những ĐD trẻ nên sẵn sàng mở cửa cho những tên tuổi mới.

ĐD cứ sáng tạo theo khả năng của mình, nếu SK có đội ngũ diễn viên giỏi nghề, giàu vốn sống, chính họ sẽ là người “kiến tạo” nên một vở diễn đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Nếu không, quản lý SK và người chịu trách nhiệm nghệ thuật sẽ “nhúng tay” để cho ra một bản dựng hoàn chỉnh nhất.

Thực ra cách làm này không mới. Hiếm có ĐD nào thành công ngay trong vở diễn đầu tay mà không cần nhờ sự hỗ trợ của cả ê-kíp làm việc chung. Tuy nhiên trước đây, đa phần những ĐD này thường chỉ mới được ghi là trợ lý đạo diễn trên poster thì hiện nay đều đã được đứng vai trò ĐD.

Sẽ không có gì đáng ngại nếu các tác giả, ĐD này đủ tỉnh táo để nhận diện rõ khả năng của mình và tiếp tục trang bị thêm cho mình những kinh nghiệm, kiến thức cần thiết để có thể “tự lực cánh sinh” sau một khoảng thời gian nhất định. Lẽ ra họ phải  học được những bài học quan trọng khi so sánh kịch bản của mình và kịch bản được công diễn; học ngay khi những người có nghề nhúng tay chỉnh sửa bản dựng trên sàn diễn... Tiếc rằng, họ chỉ biết nghiễm nhiên nhận đó là thành quả của mình. Những bản dựng hoặc tình huống được khán giả góp ý sẽ  bị “quy tội” cho người chấp bút, chỉnh sửa cuối cùng.

'Oc muon hon' o san khau kich
Một vở diễn của SK Hoàng Thái Thanh

Vì cần có tác phẩm, SK dễ dàng thoả hiệp. 1 vở, 2 vở, rồi 3 vở.... sự thoả hiệp này dần dần lập thành thói quen “xấu xí” ở một số tác giả, đạo diễn. Có lúc quản lý SK nhận được đến 5-6 kịch bản xếp hàng “cạnh tranh” chỉ để chọn được một kịch bản có nhiều khả năng sửa chữa nhất.  Quản lý sân khấu lắc đầu ngao ngán nhưng cứ phải chấp nhận một ĐD mà ngay cả việc đơn giản nhất là chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên cũng không thể...

SK đang hình thành một đội ngũ tác giả, ĐD có tên nhưng không có nghề dẫn đến hệ luỵ là SK cứ vì thế mà đánh mất dần niềm tin của khán giả. Quản lý SK, chỉ đạo nghệ thuật dù có tài giỏi đến đâu thì chắc chắn cũng không thể có đủ chất xám và khả năng sáng tạo để sửa chữa quá nhiều vở diễn trong suốt một thời gian dài. Thế nên mới có những cái tên đạo diễn vừa le lói tia hy vọng ở vở diễn này đã khiến khá giả chưng hửng, ngạc nhiên khi xem vở diễn khác. 

Một khi SK đang tìm đường quay trở về với quỹ đạo của mình như hiện nay, thì e chừng những con ốc mượn hồn, chỉ biết sống dựa vào người khác sẽ sớm bị loại khỏi “cuộc chơi”.

 NSƯT Trần Minh Ngọc:

Vở diễn đứng tên tác giả, đạo diễn là người này nhưng sự sáng tạo, chất xám lại là của người khác đang là một hiện trạng đang xảy ra trong đời sống SK hiện nay. Trong rất nhiều nguyên nhân, việc đáp ứng tốc độ dựng vở rất nhanh của một số SK là nguyên nhân phổ biến nhất. Ở không ít vở, công sức thực sự của người đứng tên tác giả chỉ chừng 50%, thậm chí có lúc chỉ 30%. Vì rất nhiều lý do mà ê kíp hỗ trợ hoặc người trực tiếp cùng làm việc, góp ý, chỉnh sửa không đứng tên chung: vì tế nhị, vì muốn hỗ trợ cho tác giả, đạo diễn trẻ….

Trước đây SK từng xảy ra xích mích không đáng có giữa một tác giả và một đạo diễn do đạo diễn đề nghị đứng tên đồng tác giả vì đã có công sửa chữa rất nhiều trong phần kịch bản. Điều này càng khiến những người từng biết chuyện tránh không đả động đến việc đề nghi ghi tên đồng tác giả hoặc đồng đạo diễn dù có lúc phần công sức chính thuộc về họ. Việc hỗ trợ của những người có nghề hoặc ê kíp thực hiên với một tác giả, đạo diễn trẻ sẽ là rất bình thường nếu người được hỗ trợ hiểu rõ khả năng thực sự của mình để phấn đấu và khác biệt hơn ở tác phẩm tiếp theo.

Tiếc rằng không ít người trẻ lại nghiễm nhiên xem tác phẩm được đưa ra công chúng là thành công của cá nhân mình và vội vàng tự mãn với nó. Tôi tin chắc rằng những người làm nghề theo cách này sẽ khó có thể tiến xa hơn trong nghề nghiệp và “tài năng” thực sự của họ sẽ sớm bị “lộ sáng”.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI