Obama đến Hiroshima, Nhật kiên trì thử thách lương tri Mỹ

27/05/2016 - 18:51

PNO - Ngày 27/5, Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima, nơi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống hồi gần cuối Thế chiến II.

Quả bom làm hàng nghìn người chết ngay tức khắc và hàng nghìn người sống sót khác bị nhiễm phóng xạ. Nagasaki cũng hứng một quả bom tương tự, ba ngày sau khi Hiroshima bị đánh bom.

Ước tính, có tới hơn 200.000 người đã thiệt mạng tại hai thành phố trên vì bom nguyên tử Mỹ tính đến cuối năm 1945. Nhật đã đầu hàng ngay lập tức sau khi bị đánh bom.

Ban đầu, các quan chức Nhật Bản không khuyến khích Tổng thống Mỹ tới Hiroshima nhưng tại vòng đàm phán cuối cùng, Ngoại trưởng John Kerry đã mở đường cho chuyến đi này khi tới thăm khu tưởng niệm hồi tháng 4 vừa qua và gây ấn tượng với người dân Nhật Bản bằng bài phát biểu của mình.

Trước đó, Nhà Trắng nhấn mạnh, chuyến đi không nhằm nói lời xin lỗi mà chỉ với mong muốn hòa giải và kêu gọi một thế giới không hạt nhân.

Khi chọn tới thăm Hiroshima, ông Obama sẽ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất khiến thế giới nhớ lại những ký ức ám ảnh của một thời lịch sử tăm tối. Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ nhắc nhở toàn cầu rằng vũ khí hạt nhân vẫn là một mối đe dọa lớn nhất nếu như đặt “nhầm tay kẻ xấu”.

Obama den Hiroshima, Nhat kien tri thu thach luong tri My
Tổng thống Obama và Shinzo Abe tại Nhật Bản

Tại sao Nhật không yêu cầu Mỹ xin lỗi trong khi Nhật là nước duy nhất trên thế giới có trải nghiệm hứng chịu bom nguyên tử và cực kỳ nhạy cảm với lịch sử? Các buổi lễ tưởng niệm mỗi tháng 8 hằng năm đều được truyền hình.

Theo hãng tin Reuters, việc Tổng thống Obama đến thăm Hiroshima nhưng không xin lỗi mang lại cho Nhật một câu hỏi khó đối diện và gần như không thể trả lời.

Nếu Tổng thống Mỹ đã không xin lỗi, thì rốt cục Nhật nên nhìn nhận mình là kẻ xâm lược hay là nạn nhân của chiến tranh thế giới thứ hai?

Các quan chức cho biết ông Obama sẽ không xin lỗi về quyết định sử dụng bom nguyên tử trong quá khứ của Mỹ  mà theo nhiều chuyên gia lịch sử điều này là cần thiết để chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II và cứu sống hàng triệu người khác.

Ông Obama cũng sẽ không xin lỗi vì quân đội Mỹ đã thả quả bom thứ hai vài ngày sau đó xuống Nagasaki khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Một lời xin lỗi như vậy có thể khiến nước Mỹ “rung chuyển”, châm ngòi cho các “cơn bão” chính trị giữa lúc đang diễn ra cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Và ở các quốc gia như Trung Quốc hay Hàn Quốc, nơi người dân cũng chịu nhiều mất mát do Thế chiến II, yêu cầu những lời xin lỗi từ các kẻ thù thời chiến cũng sẽ bùng nổ.

Nhật vốn không thực sự nhiệt tình với việc lãnh đạo, quan chức Mỹ thăm Hiroshima, lo ngại các chuyến thăm sẽ gây phản ứng mạnh trong bộ phận người Nhật phản đối liên minh quân sự Nhật-Mỹ cũng như phản đối vũ khí hạt nhân.

Dù không nhiệt tình hoan nghênh nhưng Nhật cũng không ám ảnh yêu cầu Mỹ phải xin lỗi. Trong lễ tưởng niệm lần thứ 70 sự kiện Hiroshima bị thả bom nguyên tử vào năm ngoái, Thủ tướng Abe khẳng định quan điểm của Nhật là không bao giờ yêu cầu Mỹ phải xin lỗi.

Obama den Hiroshima, Nhat kien tri thu thach luong tri My
Mái vòm hạt nhân sau bao năm hứng chịu vụ đánh bom

Theo Reuters, quyết định này của Nhật là có lý do. Đó là Nhật không muốn lời xin lỗi của Tổng thống Mỹ sẽ dẫn tới một hiệu ứng xin lỗi dây chuyền mà Nhật phải thực hiện với Trung Quốc, với Philippines, với Hàn Quốc cho các tội ác chiến tranh của mình.

Một lý do nữa, Nhật không muốn cái yêu cầu Mỹ xin lỗi cản trở quá trình phát triển quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Với nhiều bất ổn hiện nay trong khu vực như Trung Quốc ngày càng phô diễn sức mạnh trên biển Đông, Triều Tiên phát triển hạt nhân, Thủ tướng Abe đã cho tăng sức mạnh phòng thủ và cả tấn công.

Mà quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ giúp ích cho Nhật rất nhiều trong nỗ lực này.

Có thể thấy, tuy phía Mỹ đưa ra lời tuyên bố không xin lỗi nhưng phía Nhật không hề có động thái thúc ép như thử thách lương tri nước Mỹ. Có thể thấy đây là một động thái khôn ngoan của Nhật vừa không làm ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Nhật, vừa đặt dấu chấm hỏi bỏ ngỏ cho tòa án lương tâm.

Thủ tướng Nhật gửi thông điệp rắn tới ông Obama

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI