1. Hai đứa trẻ cùng lớn lên ở cái sân chung cư lót gạch tàu, đến mùa mưa là lấm tấm rêu xanh trơn trượt. Cha mẹ hai đứa quý nhau như có duyên nợ kiếp trước. Vài trái bắp đầu mùa hay tô canh rau nhút nấu tôm tươi cũng sớt ra biếu nhau.
Lũ trẻ làm “bồ câu” qua lại hàng ngày, đụng mặt chan chát; nhưng bất chấp người lớn thân thiết đến mức kỳ vọng những chuyện sến súa, kiểu tương lai làm sui hay nhận con nuôi con rớt, tụi con nít vẫn nhấm nhẳng, thậm chí cạch mặt nhau như chó với mèo.
Thằng Tí nhỏ hơn một tuổi, gầy gò nên nhìn cao hơn hẳn con Bi. Nó chật vật học bơi, đì đùng quẫy đạp, nuôi ước mơ trở thành kình ngư trên đường đua xanh. Đứa con gái thì rị mọ tập múa ở cung thiếu nhi, khó nhọc luyện nhón gót trên những đôi giày vải mềm.
Chân cẳng con Bi to tướng nên nó rất ngại mặc váy. Bị tụi bạn trêu chọc chuyện dư cân nó cũng không đau tức bằng khi thằng Tí cất cái giọng eo éo rao lớn: Nhà ai có con Bi béo, con Bi béo như xe kẹo kéo éo éo éo…
- Mặc kệ tao. Mày lo mà rờ xuống mông xem còn quần không đã… Câu đáp trả hiểm hóc đó đủ mạnh để buộc thằng Tí im bặt ngay. Chuyện là một lần thằng Tí đi bơi, diện độc cái quần rộng lưng, mải mê lặn ngụp đến nỗi cái quần tuột mất lúc nào không hay.
Xì căng đan trôi quần đó lẽ ra đã chìm trong bí mật, nếu con Bi không vô tình rò rỉ thông tin nội bộ cho bọn trẻ trang lứa trong khu chung cư. Vậy là có đứa chết tên Tí mất quần. Thằng Tí điên tiết buông một câu oán hận đầy chất kiếm hiệp, rằng quân tử trả thù mười năm chưa muộn, thề không đội trời chung với kẻ tiểu nhân nhiều chuyện mang tên Bi béo.
2. Những kỷ niệm ấu thơ qua nhanh như chó đuổi trộm. Ai dám bảo, lời thề con nít không bằng cá trê chui ống? Một ngày xấu trời, hai gia đình quyết định dọn nhà đến hai thành phố khác nhau. Lũ con nít thậm chí không thèm tạm biệt một câu lấy lệ, còn hào hứng hình dung về bạn bè mới, trường mới lớp mới.
Những cái tên Bi béo và Tí mất quần sẽ lùi vào dĩ vãng. Chỉ có người lớn là bịn rịn ngậm ngùi mãi chuyện “bán anh em xa mua láng giềng gần, tiếc quá”. Thời ấy, điện thoại và mạng xã hội còn chưa phổ biến đến đáng ghét như bây giờ, cộng thêm bao lo toan thường ngày, hai gia đình vốn vô cùng thân thiết dần bặt tin nhau.
Đứa con gái lớn lên, không ngờ lại thành vận động viên bơi lội. Công việc chính của cô là dạy trẻ con và người lớn tập bơi trong cái hồ to tướng lúc nào cũng tấp nập học viên. Giờ cứ vứt xuống nước là cô thoải mái, nhẹ nhàng như cá. Cái tên Bi béo thuở xưa đã không còn. Tiểu Phương có vóc dáng dong dỏng, khỏe khoắn, da ngăm ngăm đặc trưng của người thường hoạt động ngoài trời. Cô yêu cái hồ và những đường bơi đến mụ mị.
Bạn bè của Tiểu Phương hay nói, nam giới đi ngang qua cô chắc phải choáng váng với mùi clo đặc trưng của nước hồ bơi! Họ nhắc cô, sao cứ để mình còm nhom trước sau như một, lại đơ như cây cơ, chẳng lẽ muốn làm mỹ nhân ngư độc thân suốt đời? Lại một ngày xấu trời, Tiểu Phương bất ngờ nhìn thấy bảng hiệu của một câu lạc bộ khiêu vũ ngay gần nhà. Thế mà bấy lâu mình không phát hiện cái chỗ hay ho này. Tiểu Phương tự nhủ. Niềm đam mê nhảy múa xa xưa bừng thức, nôn nao không kiềm chế được.
3. Tại sàn khiêu vũ bình dân đó, Tiểu Phương gặp Vỹ sư phụ. Vỹ sư phụ nhìn già dặn hơn Tiểu Phương, người dẻo quẹo như thể không xương, làm các động tác lắc hông vòng số tám hay uốn lượn, đi chân cứ gọi là thần sầu. Chỉ đứng nhìn Vỹ sư phụ dạy dỗ học trò đủ lứa tuổi trong chốc lát, Tiểu Phương đã không giấu được ngưỡng mộ, quyết định đầu quân làm đệ tử.
- Em chơi môn gì mà tay chân cứng ngắc như đàn ông vậy? Đàn ông đã xấu còn được cái vô duyên, là câu thường xuyên xuất hiện trong đầu Tiểu Phương từ ngày biết Vỹ sư phụ. Nói nào ngay, Vỹ sư phụ đã mang đến cho Tiểu Phương cảm giác mình là… đàn bà. Xin các bạn đừng vội nghĩ xa xôi…
Chuyện ở đây là nhờ Vỹ sư phụ hướng dẫn vài đường lả lướt trên sàn, cộng thêm đôi giày lụa năm phân và chiếc váy xòe như đuôi con cá nhép, Tiểu Phương trông dịu dàng và nữ tính hẳn ra. Trong một lúc hứng khởi, cô không ngại ngần thổ lộ cùng Vỹ sư phụ giấc mơ ấp ủ thời bé thơ của mình. Nhưng, thay vì kể theo cách thường tình: “Sư phụ biết không…”, Tiểu Phương lại đột ngột hỏi: - Sư phụ có thích bơi không?
Câu hỏi tựa sấm giữa trời quang. Vỹ sư phụ nhìn Tiểu Phương lom lom, tựa hồ muốn ước lượng xem có bao nhiêu phần trăm là… ác khẩu, trước khi trả lời: - Hồi xưa, sư phụ từng mơ làm thầy dạy bơi đấy!
- Vậy là giống kẻ thù của đệ tử hồi nhỏ. Chính xác là một thằng cu rất buồn cười. Để lúc nào rảnh rỗi đệ tử kể cho sư phụ nghe…
4. Tiểu Phương nhớn nhác nhìn quanh, nhận ra cái vũ trường be bé mình vừa bước vào khá đông khách. Nhiều ánh mắt nam giới sỗ sàng quan sát cô. Sao Vỹ sư phụ hẹn mà đến trễ thế? Tiểu Phương mở điện thoại ra, thấy ngay tin nhắn: - Sư phụ mệt quá, không đến được, so-zì đệ tử.
Tiểu Phương bàng hoàng nhận ra hoàn cảnh mình mới rơi vào. Gã sư phụ xấu xa đã đem đệ tử bỏ chợ, mặc đệ tử hoang mang sợ sệt ở cái chỗ chớp nháng đèn màu, tiếng nhạc ma mị và bọn kép dìu đông như kiến cỏ, chỉ chực chờ làm thịt cô. Nuốt, nuốt nỗi tức giận xen tủi thân xuống, Tiểu Phương run run nhắn tin:
- Sao người không nói với đệ tử sớm hơn?
- Thì cũng phải để có người hốt hoảng coi chơi chứ!
Sư phụ ngồi xuống bên Tiểu Phương. Cứ như phải chọn cách xuất hiện ấn tượng trong lần đầu dẫn đệ tử đi chơi cho biết thiên hạ nhảy nhót ra sao sư phụ mới cam lòng. Tiểu Phương tấm tức nghĩ, khi sư phụ thản nhiên dắt tay cô lượn một bài. Không phải là sì-lô-mông-cổ đó chứ, sư phụ không được lợi dụng đâu nha!
- Thèm vào, đệ tử tự coi lại mình đi! Tự tin quá đáng!
Vậy mà cuối cùng cũng đến đoạn sư phụ tự thán, đúng là ghét của nào trời trao của ấy! Lần đầu tiên thấy đệ tử thập thò ngoài cửa, sư phụ đã hiểu, mình sẽ tàn đời với cái con mỹ nhân ngư chưa một lần có bồ làm nháp này rồi. Tiểu Phương cũng chẳng vừa, trả treo, làm cái nghề hàng ngày nắm tay không biết bao nhiêu đàn bà con gái, lại rất được các bà sồn sồn ngưỡng mộ, chả trách sư phụ chưa từng gặp người đẹp bao giờ, nên mới háo hức đến vậy!
5. Tui là chúa ghét mấy tay đàn ông nhảy nhót, bọn vũ sư ẻo lả, dễ dãi! Tuyên bố đó được lũ bạn đáng ghét đem ra để sỉ nhục lúc Tiểu Phương khe khẽ thông báo, tuần này phụ huynh bọn tớ gặp mặt làm quen, hy vọng mọi thứ ổn thỏa. Tớ quyết định tìm hiểu anh ta thì đã sao nào? Chẳng phải hồi bé tớ đã mơ được làm… vũ nữ đó sao, giờ yêu nhằm vũ sư cũng đâu quá tệ!
Mẹ Tiểu Phương vui mừng hỉ hả. Bao chờ đợi cũng đã đến hồi kết. Sắp gả được con tiểu yêu mê lặn hụp này rồi. Nhưng, hai đứa đều lông bông nghiệp dư, chỉ đam mê là nhiều chứ tiền bạc mong manh lá cỏ, chẳng biết cưới nhau rồi lấy gì mà nuôi con?
Mẹ chỉ khéo lo. Tiểu yêu, xí lộn, Tiểu Phương vùng vằng, bèo lắm thì con cũng đang là thầy, mà quên, là cô của đám nhóc tì tiểu học đang tập đập nước đùng đùng. Mẹ nhớ thằng Tí hồi xưa ở chung cư cũ không, con không cần bị nước cuốn trôi mất quần mà vẫn có thể thành người dạy bơi, giờ lại sắp có chỗ rước. Vậy là quá ổn rồi, mẹ còn càm ràm gì nữa?
Đời đúng là chẳng biết đâu mà lần. Trẻ con có thể quên mặt nhau, không nhận ra “cựu thù” khi giáp mặt sau gần hai mươi năm, thậm chí khi quan hệ đã tới mức hôn hít yêu đương. Hay do trong “hoàn cảnh” đó, đa phần người ta đều nhắm mắt nín thở chăng? Nhưng người lớn thì ít ai không nhớ cố nhân. Mẹ Tiểu Phương và mẹ Vỹ sư phụ ngỡ ngàng tay bắt mặt mừng, nước mắt nước mũi tèm lem.
Cuộc trùng phùng éo le hơn cả tiểu thuyết ngôn tình! Sao mà con Bi hết ú na ú nú hay vậy. Cớ gì thằng Tí mất quần vụng về lại thành trai nhảy thế kia! Đề tài được bàn tán rôm rả hôm ấy không phải chuyện làm sui trước mắt, mà là mối “thâm thù” của hai đứa trẻ thời béo ú và mất quần, khơi lại bao “nhục nhã” của người trong cuộc.
Chỉ tội cho hai nhân vật chính. Thằng Tí với con Bi cứ luống cuống, ngại ngùng. Chúng thậm chí hết dám nhìn thẳng vào mắt nhau. Chỉ len lén than thầm, sao số phận lại trớ trêu hơn cả phim Tàu tỉ tập thế này? Cái câu oan gia ngõ hẹp thật sự khó đỡ vậy sao?
Thùy Lâm