Oái oăm danh phận một người lính tình nguyện

05/05/2020 - 08:23

PNO - Năm 1978, ông Nguyễn Trọng Hát tình nguyện nhập ngũ, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia rồi “mất tích”. Gần đây, người thân hay tin ông Hát đã hy sinh, nhưng việc công nhận liệt sĩ cho ông lại hết sức trắc trở, với lý do rất kỳ quặc.

 

Bà Lạc - người đã đằng đẵng ngóng chờ ông Hát trở về nhưng vô vọng
Bà Lạc - người đã đằng đẵng ngóng chờ ông Hát trở về nhưng vô vọng

Hai bức thư, một chuyện tình buồn

Căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Lạc ở tổ 9, P. Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đón một đứa trẻ chào đời. Tiếng khóc cười của đứa trẻ khiến bà Lạc trở nên bận rộn hơn ở tuổi 64. Bà Lạc có chút dè dặt khi được đề nghị kể về cuộc tình của bà. Chuyện tình ấy, bà chưa từng kể với bất kỳ ai, kể cả Tân - người cháu gọi bà bằng o (cô) ruột, sống với bà Lạc từ nhỏ, nay vừa cưới vợ, sinh con. “Được rồi, tui kể, nhưng chỉ để giúp thêm chút thông tin trong việc xác minh, tìm kiếm anh Hát thôi nghe. Tui không có ý chi thêm” - bà Lạc nói.

 40 năm trước, bà Lạc quen, có lời thề hẹn với chàng thanh niên cùng làng Dạ Lê tên là Nguyễn Trọng Hát. Bà Lạc vốn là du kích xã, ông Hát làm kế toán hợp tác xã. Khi tình mới chớm, ông Hát nhập ngũ, sang chiến trường Campuchia. “Anh ấy ra Bến Hải, Quảng Trị huấn luyện ba tháng, sau đó vô Sài Gòn. Trước khi sang Campuchia, anh gửi cho tui hai lá thư, rồi bặt tin đến chừ (giờ). Tui nghe ngóng chỗ ni (này) chỗ tê (kia) mà không được chi trơn. Có người nói anh ấy hy sinh rồi, khuyên tui lập gia đình đi. Nhưng tui không ưng ai cả. Thoắt cái, chừ đã làm bà rồi” - bà Lạc kể, rồi đi vào phòng mang ra hai bức thư tình mà bà xem như báu vật.

Hai bức thư gửi cho bà Lạc trước khi ông Hát vào chiến trường cũng là di vật hiếm hoi còn lại của ông Hát
Hai bức thư gửi cho bà Lạc trước khi ông Hát vào chiến trường cũng là di vật hiếm hoi còn lại của ông Hát

Những dòng chữ bằng bút mực của ông Hát thẳng đều trên giấy vở, bên ngoài bao thư vẫn còn rõ dấu hòm thư số hiệu 4K 2115. Trong thư, ông Hát bộc bạch nỗi nhớ nhung quê nhà và mong được bà Lạc gửi tặng tấm hình trước khi vào chiến trường ở nước bạn. Nhưng, như dự cảm chuyện chẳng lành, ông viết: “Nếu Hát vào chiến trường, có hy sinh cho Tổ quốc thì Lạc hãy nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay, sẽ có Hát”. 40 năm qua, bà Lạc cứ đợi chờ ngày trở về của người yêu lính chiến…

Bẽ bàng danh phận

Ông Nguyễn Trọng Hát sinh năm 1957, nhập ngũ năm 1978. Nhà ông Hát ở tổ 10, P. Thủy Phương, cách nhà bà Lạc một xóm. Mẹ ông Hát mất sớm, cha ông Hát sau bao năm ngóng chờ tin con, tới lui ủy ban phường hỏi han mà không có kết quả, cũng ngã bệnh rồi mất. Ông Hát có một chị gái đã lập gia đình, ra riêng. Ngôi nhà nhỏ hiện do vợ chồng ông Nguyễn Thiện - em trai ông Hát - trông coi. Tin rằng anh trai mình đã hy sinh, hàng chục năm qua, ông Thiện đặt một bát nhang bên cạnh cha mẹ để thờ vọng, lấy ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm làm ngày giỗ chung cho cả ba người thân. Ông Thiện cũng xem bà Lạc như “chị dâu hụt” của mình.

Gia cảnh khó khăn nên ông Thiện không theo đuổi được việc tìm kiếm thông tin về ông Hát. Thế nhưng, hai năm trước, bằng sự giúp đỡ quý báu của một số cựu chiến binh từng chiến đấu chung chiến trường với ông Hát, hiện sống ở P. Vỹ Dạ, TP. Huế và thị xã Hương Thủy, ông Thiện có được thông tin chính thức về anh trai mình. Theo đó, đơn vị cũ của ông Hát là Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 thông báo tên ông Hát có trong sổ lưu danh sách liệt sĩ tại Ban Chính sách của Sư đoàn 7. 

Ông Lê Văn Chung - anh cô cậu ruột với ông Nguyễn Trọng Hát - nhọc công làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Hát nhưng bị trả hồ sơ một cách bẽ bàng
Ông Lê Văn Chung - anh cô cậu ruột với ông Nguyễn Trọng Hát - nhọc công làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Hát nhưng bị trả hồ sơ một cách bẽ bàng

Có được thông tin này, bạn bè, người thân của ông Hát đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước truy phong liệt sĩ cho ông. Một trong những người dày công làm hồ sơ là ông Lê Văn Chung - nguyên Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, anh cô cậu ruột của ông Hát. Trải qua bao nhọc nhằn, bộ hồ sơ dày gần 40 trang khá đầy đủ thông tin pháp lý từ chính quyền, ban ngành P. Thủy Phương đến thị xã Hương Thủy, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quân đoàn 4… được hoàn thiện để trình trung ương. “Chúng tôi thực hiện bộ hồ sơ theo hướng dẫn từ các thông tư, nghị định hiện hành, nhưng kết quả thật quá buồn, quá bức xúc” - ông Chung nói.

Từ những thông tin tư liệu thu thập, ngày 19/3/2018, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp giấy báo tử số 814/GBT-BCH cho ông Nguyễn Trọng Hát, với nội dung: cấp bậc khi hy sinh là binh nhất, chức vụ là chiến sĩ; đơn vị khi hy sinh là c1, d7, e209, f7, Quân đoàn 4; hy sinh tháng 2/1979; nơi hy sinh là Phnôm Pênh, Campuchia; hy sinh trong trường hợp “ngã từ lầu 2 xuống trong lúc gắn súng bảo vệ đoàn lãnh đạo Việt Nam sang dự lễ thành lập Mặt trận Giải phóng Campuchia”. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng xác định hồ sơ về ông Hát là đúng theo quy định tại thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.

Thế nhưng, sau khi nhận được hồ sơ, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ban hành phiếu thẩm định số 4270/CS-TBLS cho rằng, hồ sơ ông Hát được thực hiện theo thông tư liên tịch số 28 nhưng “chưa đủ điều kiện và thủ tục”. Cục Chính sách trả hồ sơ, kèm theo yêu cầu “bổ sung xác nhận của Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc đã báo tử tử sĩ hoặc quân nhân từ trần chưa; phiếu xác minh do thủ trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế ký…”. 

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy báo tử và đề xuất lên cấp trên công nhận liệt sĩ đối với ông Hát nhưng sau đó, chính cơ quan này trả hồ sơ cho gia đình do “không có cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ”
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy báo tử và đề xuất lên cấp trên công nhận liệt sĩ đối với ông Hát nhưng sau đó, chính cơ quan này trả hồ sơ cho gia đình do “không có cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ”

Gia đình ông Hát lại liên hệ với Sư đoàn 7 thì được trả lời: “Hiện nay, tài liệu giấy báo tử những năm 1979 không còn lưu trữ. Sư đoàn 7 không đủ căn cứ cấp giấy xác nhận chưa báo tử đối với quân nhân Nguyễn Trọng Hát”. Gia đình ông Hát nộp công văn trả lời này kèm theo một số yêu cầu bổ sung khác cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Kết quả, gia đình ông Hát bị trả lại toàn bộ hồ sơ kèm công văn của Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông báo: “Không có cơ sở để hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định”. Anh em, bạn bè ông Hát như chết lặng… 

UBND tỉnh yêu cầu chấn chỉnh việc xử lý hồ sơ công nhận liệt sĩ
Ngày 5/3/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành công văn số 1678/UBND-XH liên quan đến việc xử lý hồ sơ xác nhận liệt sĩ cho quân nhân Nguyễn Trọng Hát. Theo công văn này, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã có công văn đề nghị Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra, xác minh, kết luận quân nhân Nguyễn Trọng Hát đã được báo tử tử sĩ hoặc quân nhân từ trần hay chưa, nhưng đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa phúc đáp. UBND tỉnh yêu cầu hai cơ quan này kiểm tra, chấn chỉnh lại quá trình tiếp nhận, xử lý và trả lời văn bản liên quan đề nghị của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đối với trường hợp quân nhân Nguyễn Trọng Hát; rà soát hồ sơ, trả lời để Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có cơ sở thụ lý, xem xét, giải quyết.

Trong khi đó, ông Lê Văn Chung - người làm hồ sơ xét liệt sĩ cho ông Hát - cho biết, ông bức xúc về cách hành xử của các cơ quan liên quan nên đang dự định nhờ luật sư tư vấn khởi kiện ra tòa hoặc khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp cao.

 Bài và ảnh: Nhật Tín

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Linh Ngô 05-05-2020 10:38:35

    Hy sinh vì Tổ quốc vì đồng bào. Các đồng chí trong bộ máy nhà nước hôm nay đươc yên vị ngồi làm việc thì phải ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ. Phải tận tâm, tìm hiểu và giải quyết thỏa đáng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã nắm xuống để đất nước chúng ta được hòa bình như ngày hôm nay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI