Oai như gái có công…

31/10/2018 - 15:00

PNO - “Ừ thì cô ấy có công lớn với gia đình tôi, với cha mẹ tôi. Nhưng cứ thế này thì sợ tôi không chịu được nữa, chị ạ..."

Họ có xuất phát điểm bằng nhau: cha mẹ chàng và nàng đều là cán bộ. Họ vừa tốt nghiệp đại học, đi làm được vài năm, cùng căn cơ, dành dụm nên tài khoản cũng tương đương khi quyết định kết hôn. Chàng có ý chí và bản lĩnh, lại đầy tự trọng lẫn tự ái, nên dù nhà cha mẹ vợ tại thành phố rộng rãi, vẫn cương quyết không ở rể. Chàng gom góp tiền của cả hai, vay mượn thêm bạn bè, mua một căn nhà nhỏ, trong hẻm sâu, ở một quận xa. Họ bắt đầu đời sống gia đình hết sức bình đẳng và hạnh phúc.

Thời thế đổi thay, công việc của nàng ngày càng “hot”, thu nhập dần tăng, trong khi thu nhập của chàng vẫn giậm chân tại chỗ. Nàng sinh hai đứa con, cách nhau chỉ hai tuổi. Vừa việc nhà, chăm sóc con cái, vừa việc công ty, việc làm thêm làm bớt, nàng không còn thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Cũng chính giai đoạn ấy, mẹ chồng nàng ở quê bệnh nặng. Họ bàn bạc và quyết định đưa mẹ lên thành phố chữa bệnh. Thương chồng và hiểu trách nhiệm dâu con nên nàng gánh thêm việc chăm sóc mẹ chồng. Bao nhiêu việc trên mình, nàng gầy như cái que. Niềm vui lớn là 10 năm sau đám cưới, họ đã đổi được căn nhà lớn xinh xắn, trong một con hẻm, ở gần trung tâm thành phố hơn. Các con được học ở trường điểm và nhất là ở quê nhà, mẹ chồng nàng luôn khoe với hàng xóm: “Không có con dâu thì tôi chết từ lâu rồi. Nó lo lắng, chăm cho tôi từ bát cơm đến viên thuốc”.

Oai nhu gai co cong…
Ảnh minh họa

Cứ tưởng cuộc sống của họ ngày càng đầy đủ thì sẽ càng hạnh phúc, nhưng không phải. Một ngày kia, chàng tìm đến tôi chỉ để than: nàng ngày càng đối xử quá quắt với chàng, với con và thậm chí cả nhà chồng. Tất cả chỉ vì nàng biết cái công của nàng với gia đình rất lớn. Tôi không muốn tin chuyện ấy, vì tôi từng biết nàng là người khá nhẹ nhàng và có tri thức.

“Chắc chị mệt quá phải không anh? Chị nhiều việc, sức khỏe yếu, nhiều khi bực tức, mệt mỏi khiến chị thiếu kiềm chế thôi”. Anh thở dài bảo: “Tôi biết chứ. Tôi cũng đã gần như ôm trọn việc nhà, đưa đón con đi học, kèm cặp con, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng việc kiếm tiền của cô ấy quá nhiều. Tôi cũng từng bảo cô ấy nên bớt việc lại cho thảnh thơi một chút. Nhưng cô ấy quát vào mặt tôi: “Rồi tiền đâu mà sống. Lương anh chỉ đủ đổ xăng, cà phê; trả tiền điện nước còn không đủ. Tôi mà bớt việc thì cả nhà này chỉ có ăn rau, con tôi chỉ có học trường vớ vẩn, còn mẹ anh làm gì có yến mà tẩm bổ”. Đã thế, chàng còn nghe bạn bè kể lại, nàng tâm sự, cho là chàng ganh tỵ vì nàng kiếm tiền nhiều hơn.

“Ừ thì cô ấy có công lớn với gia đình tôi, với cha mẹ tôi. Nhưng cứ thế này thì sợ tôi không chịu được nữa, chị ạ. Sĩ diện đàn ông đôi khi không phải với người ngoài mà chính với vợ con mình. Cô ấy khiến tôi không ngẩng mặt lên nổi với các con thì làm sao tôi dạy chúng” - chàng thở dài.

Oai nhu gai co cong…
Ảnh minh họa

Chẳng riêng với chồng con. Vì biết mình và chỉ có mình lo lắng được cho cha mẹ hai bên, chị lớn tiếng, quát nạt, dằn xóc cả bố mẹ chồng lẫn bố mẹ mình. Anh kể, nhiều lần, chị nói thẳng trước mặt những người lớn tuổi trong nhà: “Tôi sinh ra là Ô-sin của cả cái nhà này hay sao?”. Ngồi nói chuyện với tôi, anh thở dài liên tục. “Hôm rồi, tôi về thăm mẹ vợ. Nghe mọi người nói bà bị cảm cả tuần nay, phải đi bệnh viện. Tôi ngạc nhiên hỏi sao không báo cho vợ tôi biết để cô ấy chạy về. Bệnh viện nào vợ tôi cũng quen, mẹ sẽ được ưu tiên. Cô em gái cười nhẹ, bảo: em cũng tính gọi chị, nhưng mẹ cản. Mẹ bảo thôi, nó về rồi cứ nửa câu hỏi thăm thì một câu quát tháo, mẹ mệt lắm”.

Phải thừa nhận rằng phụ nữ ngày nay giỏi giang, bản lĩnh, giỏi kiếm tiền. Đối với rất nhiều chị em, đó là niềm tự hào, khiến họ ngày càng tự tin và quyết đoán hơn. Thế nhưng, chỉ đi quá một chút khỏi cái ranh giới giữa lòng tự hào và tư tưởng “công thần”, mọi việc sẽ trở thành tai họa. Họ thấy mình có quyền nặng nhẹ, nhiếc mắng, chê bai và thường xuyên kể công với người thân. Họ tìm mọi cách để khiến người khác cảm thấy những gì đang ăn, đang mặc, đang sử dụng là mồ hôi nước mắt của mình. Họ khiến những gì cả nhà được hưởng, đáng ra phải ngọt ngào, hạnh phúc lại trở thành đắng cay, chua chát. Vậy thì công trạng đó có mang đến hạnh phúc lâu bền không?

Đã kể thì phải kể cho hết. Thời thế thay đổi hướng này thì cũng có thể chuyển hướng kia. 5 năm sau cuộc trò chuyện với anh, vị trí của anh - chị trong gia đình đổi ngược. Nhờ chăm chỉ, cần cù, nhẫn nhịn và cố gắng, anh làm ăn tấn tới, kiếm ra tiền nhiều hơn và… anh bắt đầu cư xử giống như chị từng cư xử với anh.

Lại có ngày, tôi nghe chị kể về anh, chuyện anh bảo anh cực khổ lâu rồi, giờ đến lúc anh thụ hưởng thành quả. Tiền làm ra anh giấu. Anh bứt khỏi gia đình, tìm những cuộc vui riêng. Nhiều lúc chị đòi ly hôn, nhưng anh không chịu. Nghe chị kể, tôi ngậm ngùi với suy nghĩ: có phải anh đang cố tình trả thù chị? 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI