Òa khóc vì được công nhận
Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) điều 37 trong đó người chuyển giới được chính thức hợp pháp hóa điều này đã khiến cộng đồng mạng xã hội xôn xao và rất nhiều người đã òa khóc khi được công nhận giới tính thật của mình.
Lê Ánh P. SN 1988 quê ở một tỉnh miền trung nghèo. Là con trai, được bố mẹ đặt tên là Lê Quốc P. nhưng từ nhỏ em đã thích được mặc đồ con gái, yểu điệu thục nữ. Nhất là khi P. nhận ra giới tính thật của mình là một phụ nữ khoác trên mình vỏ bọc của người đàn ông. Em đã tâm sự với bố mẹ. Cha mẹ em không kỳ thị mà trái lại họ luôn ủng hộ con. P đã được ba đưa sang Thái Lai để tìm lại hình hài con gái.
Từ khi được mang thân hình của một cô gái, cuộc sống của P. cũng chẳng bình lặng chút nào. Em luôn bị mọi người nhìn bằng ánh mắt “lạ lẫm”, chỉ tay nói rằng “ái nam, ái nữ…” đủ những ngôn từ người ta có thể buông ra với em. P, kể chấp nhận đi tìm lại chính mình là em chấp nhận những tổn hại về sức khỏe về kinh tế. Những người như em khó xin được một công việc tử tế ở văn phòng, hay công ty.
Thiệt thòi về kinh tế, P. còn đứng trước những đe dọa về sức khỏe vì khi chuyển đổi em phải tiêm hooc môn thường xuyên nhưng các bệnh viện tại Việt Nam không chăm sóc, tiêm hooc môn cho người chuyển giới. Không có tiền để thường xuyên ra nước ngoài tiêm nên P và bạn bè thường tự mua thuốc trôi nổi về tiêm.
Dù biết thuốc không an toàn, nhiều người cùng cảnh ngộ với em đã chết vì tự tiêm hooc môn không an toàn nhưng để được làm con gái, em có thể làm tất cả. Với những người như em một ngày được sống là chính mình là điều hạnh phúc vô cùng. Khi biết sắp tới những người như em sẽ được pháp luật công nhận, được làm lại giấy khai sinh, được dùng tên con gái em thích không còn bị kỳ thị P đã òa khóc.
Em nói “em nghe cộng đồng mọi người nói việc đầu tiên là em gọi điện cho mẹ khoe rằng con đã được công nhận là con gái rồi mẹ ơi. Cả hai mẹ con cùng òa khóc. Vậy là từ nay em đã được sống là chính mình, được xã hội nhìn nhận. Em có thể điều trị y tế trong các bệnh viện của Việt Nam”.
|
Lê Ánh P trò chuyên với phóng viên. |
Trường hợp của La L. quê tại Yên Bái cũng tương tự. Em không thể nói ra giới tính thật của mình. Dù ở ký túc nam nhưng em luôn khao khát được là chính mình. Dù sơn móng tay, dù ăn mặc nữ tính người ta nhìn em chỉ thấy sự lạ lẫm và những ánh mắt kỳ thị. Khi Quốc hội thông qua luật, em chỉ khóc vì sắp tới em không còn sống trong cảnh ở cùng các bạn nam, phải chờ mọi người đi vệ sinh hết em mới dám vào. Ước mơ được làm con gái đang đến. Em chỉ ước mơ sau khi ra trường có thể phẫu thuật để chuyển đổi giới tính của mình về đúng con người mà tạo hóa đã sinh ra em.
Chuyển giới tổn hại về sức khỏe
Theo thống kê của Viện Sức khỏe Môi trường Y tế, cả nước hiện có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, cơ thể sinh học là nam nhưng trong suy nghĩ hành động lại là nữ và ngược lại. Nhiều người có nhu cầu buộc phải ra nước ngoài làm. Đến nay ước tính 500-1.000 người Việt Nam đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài. Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết khi luật đi vào thực tế, những người Việt Nam muốn chuyển đổi giới tính có thể thực hiện ngay trong nước.
Nói về kỹ thuật, ông Quang cho biết Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật về y học. Dù chuyển nữ sang nam khó hơn nhưng các bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đều có khả năng thực hiện được kỹ thuật này cũng như sử dụng liệu pháp hormone sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Quang cũng lưu ý, khi chuyển đổi giới tính sẽ có những hệ quả lâu dài về sức khỏe. Theo chuyên gia y tế, người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay ngược lại phải sử dụng hoóc môn thường xuyên, trong suốt cuộc đời, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tật cao, trong đó có ung thư. Tuổi thọ của họ cũng giảm khoảng 20 năm. Ngoài ra, họ sẽ không bao giờ có con con về mặt quan hệ thông thường.
Ông Quang cũng lo lắng nếu sinh con, đó là mơ ước của những người chuyển giới nhưng chỉ thực hiện bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng đứa trẻ ra đời nó sẽ không biết ai là bố, ai là mẹ. Điều đó cũng rất tội cho đứa trẻ thế hệ thứ hai của người chuyển giới.