Ở yên trong nhà - cơ hội vợ chồng tâm đầu ý hợp

05/08/2021 - 09:55

PNO - Lúc khó khăn phải thương yêu nhau nhiều hơn. Vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà, chăm sóc sức khỏe, gần gũi, trò chuyện thường xuyên, nhường nhịn và quan tâm nhau nhiều hơn.

Dịch COVID-19 như “cơn bão dữ” quét qua đời sống vốn yên bình của người dân. Hạnh phúc của các gia đình bị thiệt hại như thế nào từ nghịch cảnh ấy? Hay nếu biết tận dụng, vẫn có cơ hội gắn kết, thắt chặt hơn tình cảm?

Là chuyên gia tham vấn tâm lý hơn 20 năm trên nhiều kênh báo đài và nhất là trong giai đoạn dịch bệnh này, giáo sư - tiến sĩ Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng Trường trung cấp Âu Việt, TP.HCM, đã lắng nghe, đồng hành với rất nhiều người, kịp thời gỡ rối, giúp họ vững lòng vượt qua khó khăn, giữ nhiệt cho mái ấm.

Phóng viên: Những thử thách nào nổi cộm nhất đối với đời sống vợ chồng phát sinh từ lúc có dịch COVID-19 thưa giáo sư?

Giáo sư - tiến sĩ Vũ Gia Hiền: COVID-19 xuất hiện là một điều kiện đưa đến cho con người cuộc thử thách về đời sống và tất nhiên tác động đến hạnh phúc gia đình. Trong thử thách đấy xuất hiện hai vấn đề lớn.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là đối với việc làm, kinh tế dẫn đến tình trạng gia đình mất ổn định về nguồn tài chính. Những cặp vợ chồng đoàn kết, thương yêu, bảo ban nhau, cùng tiết kiệm chi tiêu từ thu nhập hiện tại và tiền tích lũy, sẽ vượt qua được. Gia đình ấy là gia đình hạnh phúc. 

Thế còn gia đình nào đã mất việc, đã khó khăn kinh tế, mà còn chi tiêu quá mức, bất hợp lý, nợ nần nhiều lại còn đòi hỏi, kiếm chuyện gây gổ, đổ lỗi, khó chồng thêm khó, thì dễ mất hạnh phúc. 

Thứ hai, không gian thu hẹp lại vì giãn cách để phòng, chống COVID-19, người ta gia tăng sử dụng hệ thống mạng xã hội, quan hệ xã hội lấn lướt nên ít chú ý quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình.

Thật tiếc khi không gian hẹp lại nhưng sự xa cách lại lớn lên. Rất nhiều người mắc phải điều này dẫn đến vợ chồng lạnh nhạt hoặc bất hòa, xung đột.

Với các gia đình khác, không gian hẹp thì các thành viên lại chuyện trò thân thiết, có thời gian để chăm sóc gia đình, càng thắt chặt tình cảm. Có thể cùng “bới việc ra làm” , những việc mà bấy lâu nay do bận rộn bên ngoài không có thời gian để giải quyết. Vợ chồng, con cái quây quần gần gũi, chia sẻ nhiều hơn, có khi hiểu nhau hơn. Không gian hẹp nhưng tấm lòng lại rộng mở.

* Giãn cách, ai ở đâu yên đó, phải chăng là cơ hội vàng cho các ông chồng “cai… phòng nhì”, toàn tâm toàn ý với vợ con?

- Giai đoạn này, về những biểu hiện xa rời lòng chung thủy thì chỉ có ngoại tình trên điện thoại, trên mạng xã hội chứ việc đi lại gặp gỡ trực tiếp rất hạn chế. “Nghi án” ngoại tình online được đặt ra cả ở phụ nữ và đàn ông chứ không riêng đàn ông.

Do đảm bảo riêng tư cho người được tham vấn nên tôi không thể nêu trường hợp cụ thể, chỉ nhận thấy mùa COVID-19, những cuộc cãi vã vợ chồng xoay quanh chiếc điện thoại thông minh càng nhiều. 

Cầm cái máy, người này quên người kia, quên giờ giấc, chểnh mảng việc chăm sóc nhau. Vì rảnh rỗi nên lên mạng giao lưu, tìm lại được bạn cũ, nhắn tin qua lại, cắm mặt vào điện thoại khiến chồng/vợ để ý, bực mình và sinh nghi ngờ, kiếm chuyện.

Những tin nhắn “ngoài chồng - ngoài vợ” có thể luôn luôn có, nhưng những lúc ai cũng bận rộn công việc thì không chú ý. Còn thời điểm này bạn đời cũng rảnh rỗi và ở sát bên nhau, dễ chú ý hơn và dễ bị đặt dấu chấm hỏi khi thấy có biểu hiện thái quá.

Có người cho rằng nếu thực sự là vợ chồng thân thiện nhau, thương yêu nhau thì xem điện thoại của nhau là bình thường; nếu có gì riêng tư, bí mật mới phải giấu. Nhưng khi tò mò mở xem tin nhắn của vợ/chồng mình với người kia thì phát hiện có những lời bay bổng, những tin nhắn nói về chuyện cũ, rồi suy diễn, rồi cảm thấy bị xúc phạm.

Bởi không hiểu rõ nên sẽ phát sinh hiểu lầm, thổi bùng xung đột nhất là khi cả vợ và chồng đều phản ứng, đáp trả trong tâm trạng không vui vẻ, thoải mái. Lẽ khác, vì giãn cách nên đâu có không gian riêng để giãi bày cho bạn đời hiểu.

Lời khuyến cáo là mọi quan hệ xã hội cần thiết chỉ để phục vụ cho công việc hoặc giao lưu chứ không phải suốt ngày lang thang trên mạng xã hội. Điều này vừa để tôn trọng bạn đời, tập trung chăm lo cho gia đình mà cũng để giữ mình đừng đi quá lố…

* Khi gia đình xảy ra biến cố như thất nghiệp, giảm thu nhập, nhiễm bệnh, bị phong tỏa, cách ly… đàn ông với hình tượng “cây tùng cây bách” được thể hiện trên thực tế như thế nào thưa giáo sư?

- Dù được xem là trụ cột gia đình, nhưng do đặc tính của đàn ông là thích vận động nên giai đoạn này, trước những bất trắc khách quan đưa đến, đàn ông dễ bị căng thẳng hơn, chịu áp lực tâm lý nhiều hơn phụ nữ.

Thực tế cho thấy, phụ nữ dẻo dai và thích ứng tốt hơn. Chính vì vậy, nếu các ông có nóng nảy, bức bối, nổi quạu một chút thì các bà vợ nên thấu hiểu, thông cảm và động viên.

* Thưa giáo sư, các cặp vợ chồng nên làm gì và tránh những gì để đưa gia đình vượt qua mùa dịch một cách nhẹ nhàng, tích cực?

- Lúc khó khăn phải thương yêu nhau nhiều hơn. Vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà, chăm sóc sức khỏe, gần gũi, trò chuyện thường xuyên, nhường nhịn và quan tâm nhau nhiều hơn.

Trong lúc này, các thành viên gia đình bắt đầu suy nghĩ lại, kiểm điểm bản thân, phục hồi “lưu giữ trí nhớ” về tuổi trẻ, thời còn đi học, ký ức đẹp, mới quen nhau, khởi nghiệp… Góp nhặt những kinh nghiệm đã cho mình có cuộc sống hôm nay để phát huy trong tương lai. 

Các thành viên gia đình động viên nhau để cùng lạc quan nhìn về tương lai, tin tưởng vào sự tiến bộ của xã hội: “Chắc chắn chúng ta sẽ dập được dịch, chỉ là thời gian thôi”.

Tận dụng thời gian này để làm những việc hữu ích, tích cực, giải phóng ức chế tùy theo sở thích của mỗi người: đọc sách, nghiên cứu khoa học, chăm sóc vườn rau, học đàn, làm thơ, chế biến món ngon… Tập luyện thể dục thể thao, chuẩn bị tinh thần minh mẫn, hăng hái và một kế hoạch khả thi để lao vào công việc ngay sau khi đã dập được dịch.

Về mặt xã hội, dịch bệnh là thời kỳ thử thách, cả thế giới chịu thử thách. Mùa khó này, tình nhân ái, tương trợ thể hiện rõ hơn, làm cho người ta thấy thương yêu nhau hơn. Các thành viên gia đình cần khuyến khích nhau đóng góp cho xã hội, giúp đỡ họ hàng, bạn bè, láng giềng vượt qua khó khăn cuộc sống.

Tuy nhiên, một khi đã hoạt động từ thiện, xã hội phải bàn bạc công khai, thống nhất trong gia đình, đừng tự ý làm, mặc kệ bạn đời, sẽ gây mâu thuẫn gia đình. Giúp họ hàng bên ruột, bên vợ/chồng cũng không nên giấu giếm.

Nếu muốn giúp, phải biết cách chinh phục để người kia ủng hộ mình (cung cấp những thông tin, hình ảnh cần thiết để thuyết phục). Vợ chồng đồng lòng thuận ý mới vui vẻ, hạnh phúc và cân đối được giữa nguồn dự trữ dành cho gia đình mình với phần chia sẻ cứu trợ.

Một vấn đề tế nhị mà nếu không khéo, vợ chồng rất “dễ xa nhau” trong mùa khó này là bới móc những lỗi lầm quá khứ của nhau ví dụ như đỏ đen, cá độ, hoang phí tài sản, những điều mà họ cho là nguyên nhân đưa đến cuộc sống thiếu hụt hiện tại, cạn tiền bạc tích lũy, thậm chí nợ nần.

Nếu chuyện phá của là mới đây thì bị bạn đời bới móc cũng đúng lẽ, thậm chí sẵn sàng ly hôn để không liên lụy và đảm bảo cho cuộc sống riêng mình, cho các con. Nếu chuyện ấy đã qua thì chỉ cần nhắc để cảnh giác “ngựa quen đường cũ”.

Nhắc là tốt vì những sai lầm quá khứ luôn luôn phải được kiểm tra, khắc phục, tránh rơi vào vết xe đổ. Tuy nhiên không nên “nhai đi nhai lại” một cách chì chiết, đổ lỗi, sỉ nhục, xem bạn đời mình như tội đồ kiểu: “Giờ cả nhà khổ, ông đã sáng mắt ra chưa?”.

Nhắc nhau để cùng cười vui trên tinh thần xây dựng và để thấy may mắn là nhà mình đã thực sự vượt qua những tháng ngày đen tối ấy, vẫn còn có cái ăn dù dịch bệnh khiến cuộc sống mưu sinh ít nhiều xáo trộn.

* Xin cảm ơn giáo sư! 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI