Ở yên nhớ tóp mỡ của má

31/08/2021 - 06:49

PNO - Lo lắng lũ con ăn phá nên má thường giấu hủ tóp mỡ ở chỗ không dễ tìm, nhưng "không dễ tìm" của má, còn lũ tôi, mở mắt là thấy.

Trong những ngày ngồi yên tại nhà là yêu nước này, thú vui của không ít người là tham gia vào các group "học lóm" công thức nấu ăn của các đầu bếp từ chuyên nghiệp đến bán chuyên. Những công thức ấy thường "dễ không tưởng", nên có sức hấp dẫn đủ để "biến hóa" người từ không biết phân biệt nguyên liệu nấu ăn thành đầu bếp nghiệp dư. Tôi cũng không ngoại lệ.

Tôi ''núp lùm" khá nhiều nhóm nấu ăn, cũng nuốt nước miếng với hàng loạt món ăn bắt mắt, cũng lọ mọ ghi ghi chép chép công thức, cũng lẩm nhẩm cách làm... rồi bỏ đó vì nhà có ba người, hai đứa con quá nhỏ, nếu nấu, cũng chỉ mình tôi ăn, vừa lãng phí nguyên liệu vừa mất thời gian. Chiều qua, một mẹ bỉm chia sẻ công thức tóp mỡ "gia truyền" không khác má tôi làm bao nhiêu khiến tôi dừng lại. 

Ngày thường, muốn ăn tóp mỡ, đánh tiếng, má và thằng Út sẽ gửi lên, mùa dịch, thùng thức ăn ưu tiên toàn đồ tươi.
Ngày thường, muốn ăn tóp mỡ, đánh tiếng, má và thằng Út sẽ gửi lên, mùa dịch, thùng thức ăn ưu tiên toàn đồ tươi

Tôi sinh ra vào những năm đầu 1980. Lúc đó, gia đình tôi đi kinh tế mới, cái gì cũng thiếu. Thức ăn chủ yếu là từ vườn, suối (cá) và rừng. Lâu thật lâu, nhà ai đó mổ heo mới có chút thịt thà. Có thịt, thể nào má cũng làm hai món là thịt ngâm nước mắm - ăn được cả năm và thắng mỡ. Mỡ sau khi thắng, má chiết cất vào hũ có nắp để dành nấu ăn; tóp mỡ để riêng, khi nào kho cá, hay xào rau, má cho vào một ít.

Tính luôn hũ thịt ngâm mắm là ba hũ. Hai hũ kia, luôn được để tênh hênh trong bếp, riêng hũ tóp mỡ, má sẽ giấu ở chỗ vừa cao, vừa kín nhằm "bảo vệ" nó khỏi lũ con. Nhưng đó là vì má không phát hiện... thằng út được cắt cử canh chừng ở một góc bếp, nên má nghĩ an toàn, còn lũ con, chỉ cần mở mắt là thấy.

Má không biết thằng Út được giao nhiệm vụ rình chỗ má cất hủ tóp mỡ từ khi má bắt đầu thắng.
Má không biết thằng Út được giao nhiệm vụ rình chỗ má cất hũ tóp mỡ

Ngày sau, khi má đi làm, cả lũ sẽ kéo ghế đến vị trí hũ tóp mỡ. Chị Hai, cao nhất sẽ nhận nhiệm vụ mở hũ, lấy cho mỗi đứa một khối tóp mỡ nhỉnh hơn ngón tay út rồi cả đám chuồn nhanh ra khu vườn sau nhà. Nhai nhón nhén, nhai chậm rãi như ăn vàng.

Má tinh lắm, lần nào mở hũ để lấy tóp mỡ cho vào món ăn, trán má cũng khẽ chau lại, kiểu tự hỏi: "Sao thiếu thiếu so với lần trước?". Nên để má không phát hiện, chỉ hôm nào, má nấu ăn có tóp mỡ, hôm sau "những tên trộm" mới ra tay. Có đợt, cả tuần, má không đụng đến tóp mỡ, cả đám chỉ biết hóng. 

Nhai miếng tóp mỡ, kí ức của những ngày thơ dại như ùa về.
Nhai miếng tóp mỡ, kí ức của những ngày thơ dại như ùa về

30 năm sau,  năm đứa con, chỉ thằng Út học xong, về quê với ba má, bốn đứa còn lại lập nghiệp ở thành phố. Thi thoảng, khi má bắt nó gửi đồ ăn cho các anh chị, nó đều dặn vợ mua ít thịt mỡ, thắng lấy tóp gửi lên. Nhưng mấy tháng nay, dịch, chành hàng ngày càng khó, nhắc đến tóp mỡ, nó bảo: "Bổ béo gì" và gửi toàn đồ ngon, tươi.

Trời lại đổ mưa, chắc tôi phải bấm điện thoại "đặt hàng" vợ nó hũ tóp mỡ trong chuyến cứu trợ tới.

Bài và ảnh: An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI