Ở vậy cho nó lành

04/05/2015 - 11:31

PNO - PN - Bạn nhắn tin nói: Chồng cũ tới thăm. Tôi vui vẻ hỏi: Còn thương không? Bạn bảo: Hết tình cảm rồi. Thương gì nữa, chỉ thấy tội nghiệp…

edf40wrjww2tblPage:Content

Bạn bỏ học giữa chừng rồi đi làm trong một tổ hợp sản xuất gỗ ở Thành phố. Được một năm, ba mẹ ở quê sợ bạn đi xa rồi lấy chồng xa nên dụ bạn về nhà làm mai cho một người mà ba mẹ bạn quen biết. Ban đầu bạn không ưng, dần dần cũng nghe lời tìm hiểu rồi tiến tới hôn nhân.

O vay cho no lanh
 

Ban đầu về sống với nhau cũng khá hạnh phúc. Có lẽ cái hạnh phúc nào cũng được vun vén từ bàn tay của một người đàn bà trong nhà. Bạn lúc đó chỉ mới mười tám tuổi. Ở cái tuổi còn rất trẻ nhưng bạn giỏi giang, lại biết cách chiều chồng và hết lòng hết dạ với gia đình chồng. Chồng bạn là một thanh niên đẹp trai, hiền lành nhưng hay nhậu nhẹt. Đa phần thanh niên ở quê vẫn thường hay lấy rượu làm thú giải trí mỗi chiều.

Nhưng chồng bạn thường xuyên vui với rượu và bạn bè, bỏ bê cả vườn tược, cây trái trong khi sự sống của cả nhà chỉ chờ vào miếng vườn cây ăn trái đó. Lấy nhau mấy năm nhưng bạn vẫn chưa muốn đẻ con. Bạn sợ thiếu thốn rồi bạn lo không xiết. Năm bạn hai ba tuổi, gia đình ai cũng đốc thúc bạn mau có con, biết đâu chồng bạn cưng con sẽ chịu sửa đổi vì con. Bạn nghe và tin thật nên có thai. Đó cũng là lúc bạn bước vào một giai đoạn khó khăn nhất, đau khổ nhất của cuộc đời.

Chồng bạn không những không lo làm ăn mà càng lúc càng bê tha hơn. Đã thế, mẹ chồng lại không thương. Khi tiền dành dụm và tiền hồi môn của bạn đã hết thì cũng là lúc người ta chi ly tính toán với bạn từng đồng. Mỗi sáng đi chợ, bạn được mẹ chồng phát tiền cho và khi về, nếu còn dư năm trăm đồng bạn cũng phải trả lại. Là đàn bà lại đang lúc bầu bì mà bạn không có nổi vài ngàn trong túi để có thèm ăn gì thì ăn. Khổ là vậy nhưng bạn vẫn vui vẻ. Đến khi bạn sinh con, một mình đau đớn ở viện còn chồng bạn thì vẫn còn đang đi nhậu với bạn bè. Thử hỏi làm đàn bà như thế thì ai mà không buồn, không tủi.

Tôi đến nhà thăm bạn vào một ngày trời mưa thật lớn. Bạn xanh xao, đang ngồi giặt đồ con và cả gia đình khi bạn còn đang ở cữ. Chồng bạn bận đi đâu đó còn mẹ chồng thì đang giữ em. Tự nhiên mà thấy xót xa cho thân phận đàn bà, nhất là đàn bà ở nhà quê.

Rồi bạn cũng không chịu đựng nổi, bạn bồng con về nhà mẹ đẻ khi con tròn tháng. Bạn choàng một tấm áo mưa mỏng dính, bước cao bước thấp vào nhà xin tiền mẹ ra để trả tiền cho xe ôm. Mẹ bạn xót con, giận đến tím tái mặt mày mà không biết phải nói làm sao. Ba bạn mang nỗi khổ tâm mà tự dằn vặt mình mãi. Nhưng rồi chồng bạn đến rước, năn nỉ ỉ ôi bạn lại xiêu lòng mà trở về nhà chồng. Mẹ bạn không ngăn được, đành để bạn đi sau khi đã làm giấy khai sinh cho con mang họ bạn vì chồng bạn vẫn không chịu làm giấy kết hôn sau nhiều năm cưới nhau.

O vay cho no lanh
 

Bạn tiếp tục cảnh sống khổ sở ấy cho đến khi con bạn được hai tuổi thì chồng bạn ngoại tình. Lần nữa, bạn lại ôm con về nhà gửi cho mẹ đẻ và đi làm. Chẳng bao lâu thì gia đình chồng bạn tới bắt đứa bé. Họ giằng đứa bé trên tay bạn. Họ lôi kéo, bạn sợ con đau nên buông ra. Và họ đem con bạn đi. Bạn chỉ còn biết khóc.

Tám năm rồi bạn xa con. Mỗi năm bạn chỉ được gặp con có một lần vào dịp Tết. Bạn mua cho nó thật nhiều quần áo, bạn để dành mà cho đến lúc gặp, có khi con bạn mặc chật vì trẻ con thì mau lớn. Tết năm nay, bạn được gặp con mấy ngày. Đứa trẻ quấn quýt lấy mẹ, kể cho bạn nghe về dì của nó, vợ mới của ba nó. Nhưng nó vẫn chưa theo bạn về vì đã mến tay mến chân bà nội. Chỉ tội nghiệp bạn, mỗi lần có ai đó nhắc đến con gái nhỏ, bạn lại rất buồn.

Mấy hôm nghỉ lễ, chồng cũ bạn cứ nhì nhằng mời bạn đi uống cà phê. Mặc dù cô vợ mới rất ghen mà bạn thì bây giờ vẫn còn đang ở vậy. Cũng nhiều người thương mến, muốn lấy bạn làm vợ nhưng bạn không ưng một ai. Như con chim sợ cành cong, bạn sợ cuộc hôn nhân nào cũng giống nhau, cũng đưa về đổ vỡ nên đành ở vậy cho yên thân.



HUỲNH THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI