Ở trọ Sài Gòn

19/09/2024 - 15:18

PNO - Trong câu chuyện của thị dân Sài Gòn luôn có câu: “Hồi đó, khi mới đặt chân tới Sài Gòn…”.

Có một Sài Gòn phồn hoa rực rỡ ôm vào lòng bao nhiêu xóm trọ thân thương  (ảnh: Nguyễn Quang)
Có một Sài Gòn phồn hoa rực rỡ ôm vào lòng bao nhiêu xóm trọ thân thương (ảnh: Nguyễn Quang)

Tôi còn nhớ ngày đến Sài Gòn, ba chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng. Sau lưng tôi là cái rương tôn và chiếc bàn gấp. Phía trước xe treo tòn teng túi nhãn để làm quà cho các anh chị trong xóm trọ.

Sinh viên ở trọ trong xóm đến từ Hải Phòng, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Ngày ấy, căn phòng vỏn vẹn 16 mét vuông có 4 chị em ở ghép.

Cái bếp nhỏ xíu đặt mấy chiếc nồi nhôm mỏng, 4 chị em 4 chiếc bàn xếp, 4 cái rương tôn, trên gác lửng kê 4 cái tủ vải cỡ nhỏ, vài cái móc quần áo. Đấy là “gia tài” của hầu hết sinh viên đi ở trọ. Có khi cả phòng chung nhau một chiếc xe đạp, cả xóm trọ mới có 1 hay 2 chiếc xe máy.

Tôi nhớ cái chợ cóc trong hẻm Trường Đống Đa, cô hàng gạo sẵn sàng bán thiếu cho sinh viên, chị hàng rau người Nam Định lần nào cũng dúi thêm cho trái dưa leo, trái khổ qua vẹo vọ, nhớ xe hủ tiếu gõ giá 3.000 đồng một tô...

Tô hủ tiếu gõ ngày ấy là thức quà xa xỉ, mỗi khi lãnh lương làm thêm chúng tôi mới dám đi ăn. Trời mưa, nước ngập, ngồi ăn bên cái bàn nhựa, chân kê trên mấy viên gạch mà vẫn thấy hạnh phúc như thưởng thức mĩ vị nhân gian.

Chị em phòng tôi hùn tiền nấu ăn, tiền ăn cả tuần mỗi người chừng hai mấy ngàn là đủ. Ăn cơm xong, chúng tôi giành nhau rửa chén, lau nhà. Những lần chị Nhi quê Bình Định vào thường đem theo một túi mực nhí đã phơi khô. Mực ấy kho thật mặn, thật cay với tiêu và nước mắm, ăn hao cơm vô cùng.

Tôi học vi tính nhờ máy của anh Bảo, anh Quang tải phần mềm về cho tôi tập đánh máy. Tôi học nấu bao nhiêu món ăn vùng quê khác từ chị Tú, chị Nhi. Ngày đầu đi học, chị Vân cùng tôi đi xe buýt đến trường. Có lần bị lạc đến tận bến xe Miền Tây, chị Tú phải mượn xe đến đón tôi. Chị thường dặn: “Chị em mình sống xa nhà, nhất định phải có ít tiền phòng thân, đừng bao giờ tiêu đến đồng tiền cuối cùng, em nhé”.

Đối diện phòng tôi có anh Hùng học ngành kiến trúc, thi thoảng khu phố mất điện anh lại mở cửa phòng nói: “Đứa nào hát nghe đi, buồn quá”. Có anh Đạt quê Quảng Ngãi thường đem đàn guitar ra gảy những ngày mưa. Ngày anh Đạt đến xóm trọ chở theo bao nhiêu sách, hỏi ra mới biết anh học ngành y.

Có lần mưa lớn khủng khiếp, nước ngoài đường tràn vào nhà, nước trong miệng cống ộc lên, anh Đạt lại về quê. Mấy chị em tôi phải phá khóa vào nhà khiêng sách vở để lên cao, đợi trời nắng đem sách ra phơi như người nông dân phơi lúa. Lần nào anh Đạt đi học về qua cũng nhìn ghé vào cửa sổ hỏi: “Hôm nay mấy đứa có khỏe không?”. Ngày nào anh cũng lau nhà mấy lần, khiến “vi khuẩn không còn chỗ sống”.

Mấy chị em tôi thương nỗi buồn của nhau, vui niềm vui của nhau. Toàn con nhà nghèo, niềm vui của ai cũng chắt chiu. Các chị đi làm thêm, tôi trượt phỏng vấn công việc phát tờ rơi. Về đến nhà tôi bật khóc, không biết sau này phải sống làm sao giữa Sài Gòn. Anh Hùng động viên: “Không sao đâu em, Sài Gòn dễ sống lắm!”.

Ngày các chị phòng tôi tốt nghiệp đại học, vì không đủ tiền để thuê riêng một chiếc áo cử nhân nên chị Vân chị Tú phải thuê chung. Chị Vân mặc chụp hình xong đến lượt chị Tú khoác lên mình tấm áo. Anh chị em trong xóm hùn tiền mua mấy bông hoa về tự gói thành 2 bó tặng 2 chị.

Bây giờ ngắm lại những bức ảnh ngày ấy, nhìn những đóa hoa ít ỏi loe hoe trong giấy kiếng vụng về, vẫn thấy thương sao mà thương. Ngày ấy, anh chị em trong xóm trọ thương nhau như thương những người anh, đứa em ở quê nhà.

Các anh trong xóm trọ trong đội hình đón nhà trai ở đám cưới chị Vân tại Gia Lai. Ảnh: Hoàng Hiền
Các anh trong xóm trọ trong đội hình đón nhà trai ở đám cưới chị Vân tại Gia Lai (ảnh: Hoàng Hiền)

Rôm rả nhất là những ngày thi học kỳ xong, trước khi về quê nghỉ Tết, mọi người trong xóm tụ lại chơi bài tiến lên, bắt cặp để chơi bài quỳ. Tôi chơi bài dở nhất xóm, được nhường cho về nhất lại tung ra "con heo" rồi bị chặt tứ quý, anh chị nào bắt cặp với tôi phải quỳ theo thì nằm lăn ra giơ “4 vó” kêu trời.

Thế rồi các anh chị lần lượt ra trường. Anh Hùng cho chúng tôi “thừa kế” cả một nhà giấy tờ anh vẽ đồ án và chiếc xe đạp hỏng. Mấy anh em gom lại bán ve chai, tiền ấy dùng để làm quỹ tổ chức sinh nhật.

Tôi phụ dọn đồ, lần lượt tiễn các anh chị rời xóm trọ, lần nào cũng khóc. Anh Thế Anh nói: “Anh sẽ về thăm các em, làm sao anh quên được nơi mình đã gắn bó 5 năm trời”. Có lần anh cùng bạn gái về thăm chúng tôi, tay xách bịch chôm chôm, đứng ở cửa hỏi: “Đứa nào ăn trứng lộn không? Anh dẫn đi nè”. Cả phòng rôm rả nói “có”, chỉ mình tôi nói “em không”. Anh mắng: “Vẫn tiếc tiền cho anh như ngày xưa. Hèn thế!”.

Các chị phòng tôi về quê, gửi lại những đứa em đậu đại học cho tôi coi ngó, mấy đứa em đó khóc nhớ nhà, tôi lại đạp xe chở các em đi chợ đêm Kỳ Hòa, chỉ xem thôi chứ không mua gì cả.

Đi qua những cây cầu lung linh ánh sáng, các em thốt lên "Sài Gòn đẹp quá, lộng lẫy quá chị ơi" - giống hệt tôi ngày trước. Ngày chị Vân lấy chồng, cả xóm trọ tụ lại bắt xe đò lên Gia Lai ăn cưới. Phố núi trong lành và đẹp đến nao lòng, chị Vân về nhà chồng, cô em gái lăng xăng làm cơm tiễn anh chị về Sài Gòn, cười đấy mà khóc đấy rưng rưng.

Anh chị em trong xóm trọ ở đám cưới chị Vân. Ảnh: Hoàng Hiền
Anh chị em trong xóm trọ ở đám cưới chị Vân (ảnh tác giả cung cấp)

Người trong xóm trọ thân thương ngày ấy, bây giờ có anh làm chủ doanh nghiệp sản xuất cacao, anh làm việc tận Dubai, người đi tu nghiệp ở Đức… Trong những câu chuyện của chúng tôi bây giờ, sau gần 20 năm vẫn không quên những gương mặt thuở nào.

Thi thoảng có người lại ước được trở về xóm trọ ngày xưa, sống với nhau tình cảm, hồn nhiên như thời ấy. Tôi dẫu đã gần 40 tuổi vẫn được các anh chị ưu ái coi như em út. Thi thoảng chị Tú vẫn ghé nhà tôi buổi sáng, đặt trước cổng mấy bó rau, ít bơ cha mẹ gửi từ Đắk Lắk xuống rồi vội nói vọng vào nhà: “Rau cha chị trồng đó, chị đi làm đây!”.

Hoàng Hiền

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI