Phiên họp diễn ra trong hai ngày 8-9/11, tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Phát biểu qua màn hình trực tuyến, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu TPHCM) cho rằng, trong báo cáo phòng chống dịch và báo cáo của Chính phủ, về giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, bà chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức được vai trò của mỗi bộ, ngành địa phương, mỗi đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải khó thì về địa phương, dễ, đúng quy định thì Trung ương làm.
|
Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Ảnh: Chinhphu.vn |
Bà ví dụ, sau khi tiếp nhận một lô hàng gồm 22.000 hộp sữa do đồng bào ta ở Úc gửi về TPHCM để ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc TPHCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y. Chỉ trong hai ngày, Cục Thú y đã trả lời đồng ý; còn Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TPHCM hỏi Chính phủ.
“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ, Chính phủ cũng phải giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?”, bà Châu nói.
Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, cách làm của Cục An toàn thực phẩm đúng quy trình nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nếu như không có gì thay đổi, trong đánh giá hằng năm, cuối năm, đơn vị này vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bà Châu đặt câu hỏi: “Còn ở TPHCM, lô hàng cứu trợ về gần một tháng chưa lấy ra được, lỗi do ai?”.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu mong Chính phủ kiến tạo tạo ra một cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy định được trách nhiệm của tổ, ngành, từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ trong những việc cần thiết, không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy, có lợi tốt nhất cho người dân. Các địa phương cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như này.
Cũng theo bà, vừa qua, Nghị định 93/2021 của Chính phủ về quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được ban hành, thay thế Nghị định 64/2008. Về những nội dung đã cập nhật gỡ khó cho cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình từ thiện xã hội, việc hỗ trợ kịp thời cũng như phát huy được nguồn lực trong nhân dân, trong việc chung tay đóng góp, chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong lúc thiên tai, dịch bệnh; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn vì còn rất nhiều vấn đề vướng mắc để Nghị định 93 kịp đi vào cuộc sống, vì trong lúc này cần thiết hơn bao giờ hết.
Đại diện Đoàn Đại biểu TPHCM cũng đề nghị Chính phủ cần kịp thời vinh danh tuyên dương đúng công trạng, cũng như kịp thời thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân cảm ơn những tổ chức, cá nhân cứu người như lực lượng y tế, lực lượng vũ trang... đặc biệt là những tổ chức, đơn vị, cá nhân đã mua vắc xin và trang thiết bị y tế để cứu dân.
“Cần có sự đột phá hơn nữa, không cần phải theo đúng quy trình nhưng đúng thành tích, đúng người. Chúng ta mạnh dạn, kịp thời động viên, tri ân để thể hiện sự trân trọng của Đảng, Chính phủ, nhân dân với những danh hiệu cấp cao xứng đáng đó là Anh hùng lao động, Huân chương lao động hạng nhất”, đại biểu Tô Thị Bích Châu kiến nghị.
Ngoài ra, đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tạo sự công bằng cho cán bộ có động lực và điều kiện để cống hiến, mang đến thực chất hiệu quả phục vụ nhân dân. Cần có những quy định rõ, trong một phường 17.000 dân thì cần bao nhiêu cán bộ trong hệ thống chính trị, và một phường có 100.000 dân thì cần bao nhiêu cán bộ để khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như phòng chống dịch vừa qua, làm sao để kịp thời cứu dân.
Đậu Dung