PNO - Trước thông tin nhiều dòng ô tô giá rẻ sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam, nhiều gia đình đã tính đến việc tậu phương tiện này. Nhưng việc tăng vọt số lượng ô tô sẽ làm cho tình trạng kẹt xe, tắc đường thêm trầm trọng.
Gần đây, thuế nhập khẩu ô tô liên tục giảm theo lộ trình điều chỉnh thuế. Dự kiến đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN sẽ còn 0%. Điều này chắc chắn tạo nên cơn sốt mua sắm ô tô. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, với tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam phát triển ì ạch như hiện nay, việc số lượng ô tô tăng vọt rất dễ khiến giao thông “thất thủ”.
200 triệu là mua được ô tô
Trước thông tin nhiều dòng ô tô giá rẻ sẽ “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới, nhiều gia đình đã rục rịch tính đến việc tậu phương tiện đi lại này. “Vợ chồng tôi có hai con nhỏ, nhiều lần định sắm ô tô để đưa đón con đi học, tiện về quê nhưng thấy giá xe còn cao nên chưa dám tính tới. Giờ sắp có xe nhập khẩu với giá mềm, có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng mua một chiếc”, chị Ngọc Thảo (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết.
Chị Hoàng My (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Hơn một năm nay, tôi đi làm, đưa đón con… bằng một chiếc xe bốn bánh “bình dân cũ kỹ”. Mua xe bây giờ tương đối dễ, chỉ cần vài trăm triệu là được. Nhiều bạn bè của tôi đang tập tành ôm vô lăng, tính đến chuyện “rước” một em ô tô để đi lại đỡ vất vả. Tôi thấy điều này là chính đáng, cần được ủng hộ. Tuy nhiên, lái xe tại TP.HCM phải là người thật kiên nhẫn. Có hôm, chỉ vài trăm mét trước cổng công ty mà tôi mất hơn mười phút mới thoát ra được. Nạn kẹt xe, tắc đường thật kinh khủng, khiến người ta vốn đã quá mệt mỏi với con cái, công việc… càng thêm ức chế”.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong bảy tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã bỏ ra 1,42 tỷ USD để nhập khẩu 60.600 ô tô các loại. Trong đó, xe chín chỗ ngồi trở xuống là 25.500 chiếc, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, Thái Lan là nước xuất khẩu xe hơi nguyên chiếc sang Việt Nam nhiều nhất, với 15.110 xe. Đáng chú ý là các loại xe sản xuất tại Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam có giá rẻ hơn nhiều so với xe từ các quốc gia khác. Tại TP.HCM, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường nhờ giá rẻ, khá phù hợp với túi tiền của người Việt.
Xe máy và ô tô chen nhau tìm đường đi tại giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (ảnh chụp chiều 6/9) - Ảnh: Phùng Huy
Anh Tô An Huy (quản lý một hãng xe nhập khẩu ở TP.HCM) cho biết: “Gần đây ô tô nhập khẩu từ Thái Lan bán rất chạy nhờ giá rẻ, trung bình khoảng 18.000 USD/chiếc. Một số loại xe bán tải cũng có giá khá mềm so với giá xe nhập khẩu từ Trung Quốc hay Nhật”.
Cũng theo anh Huy, nguyên nhân giá ô tô nhập khẩu từ Thái Lan thấp là do Việt Nam đang áp dụng lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện thuế nhập khẩu ô tô từ Thái Lan đã giảm từ 50% xuống còn 40%, theo lộ trình thì đến năm 2017 thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm về 30% và đến năm 2018 chỉ còn 0%. Với mức thuế nhập khẩu này thì ô tô từ các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… sẽ ồ ạt vào Việt Nam với giá “siêu rẻ”.
“Trước đây, gần như chỉ có người giàu ở Việt Nam mới có điều kiện sử dụng ô tô cá nhân; nhưng khi thuế nhập khẩu giảm còn 0% thì ô tô sẽ rất rẻ, giới trung lưu cũng có thể mua được một chiếc ô tô với giá từ 200 - 500 triệu đồng”, anh Huy nhận định.
Việc giảm thuế nhập khẩu không chỉ tạo điều kiện cho các loại ô tô bán tải có xuất xứ từ Thái Lan có cơ hội đổ bộ vào Việt Nam mà dòng xe du lịch dưới chín chỗ ngồi cũng có thêm thị trường để tiêu thụ.
Chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ô tô ở TP.HCM cho biết: “Nếu đúng như lộ trình, đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm còn 0% thì xe du lịch dưới chín chỗ ngồi có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ giảm khoảng 20% so với giá hiện nay. Như vậy, nhiều loại xe bn chỗ ngồi đang có giá 300- 500 triệu như hiện nay thì chỉ còn 240 - 400 triệu đồng”.
Xe tăng vọt, đường xá phát triển ì ạch
Thị trường ô tô đang có tốc độ tăng trưởng từ 30 - 50%/năm, xe máy cũng tăng 10%/năm, trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông lại ì ạch, chỉ từ 2 đến dưới 10%.
Từ lâu, tại TP.HCM, bài toán kẹt xe đã rất nan giải với các ngành chức năng. 65% diện tích bề ngang đường ở TP.HCM hẹp, không đủ đáp ứng cho ô tô lưu thông với số lượng lớn cùng một lượng xe máy “khổng lồ” đến khoảng 7,5 triệu chiếc.
Theo TS Phạm Xuân Mai, Trưởng bộ môn Ô tô, ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện tác nhân chính gây kẹt xe ở TP.HCM là xe máy, ô tô chỉ là tác nhân phụ. Theo ước tính, TP.HCM đang có khoảng 600.000 ô tô và 7,5 triệu xe máy. Nếu lấy số ô tô này chia cho 6.000km đường ở TP.HCM thì có 0,1 ô tô cho 1km đường. Đây là mật độ không phải cao so với các nước.
“Tác nhân chính gây kẹt xe ở Việt Nam hiện vẫn là xe máy. Nếu phát triển ô tô mà giảm được xe máy là rất tốt. Tuy nhiên, việc này gần như… không tưởng. Vì vậy, việc tăng vọt số lượng ô tô sẽ làm cho tình trạng kẹt xe, tắc đường thêm trầm trọng”, TS Mai nhận định.
TS Mai đề xuất, để giảm kẹt xe cần phải giảm xe máy đồng thời phải phát triển mạnh cơ sở hạ tầng. Ở TP.HCM quỹ đất hẹp, không thể mở rộng thêm đường sá nữa nên chỉ có thể phát triển theo kiểu xây đường trên cao, làm hệ thống tàu điện ngầm. Song song với giải pháp này, cần phát triển hệ thống xe buýt nhanh, xe công cộng.
Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh, chuyên gia ngành GTVT nhấn mạnh, trong điều kiện phát triển kinh tế và phát triển thành phố như hiện nay, việc gia tăng lượng ô tô là một nhu cầu tất yếu. “Chúng ta phải nhìn nhận, do phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam chưa thật sự đầy đủ nên vì nhu cầu đi lại, người dân phải mua xe cá nhân. Ở các nước phát triển, phương tiện đi lại chủ yếu là ô tô và xe công cộng, nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu là xe hai bánh, đây là điểm tụt hậu của nước ta”, TS Phạm Sanh chia sẻ.
Cũng theo TS Phạm Sanh, hiện số ô tô trên đầu người ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn khá thấp. Theo nhu cầu phát triển, lượng ô tô ở Việt Nam sẽ tăng lên, đặc biệt là trước “làn sóng” ô tô giá rẻ đang ồ ạt về Việt Nam. “Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội là một bài toán thách thức các ngành chức năng. Chúng ta không thể hạn chế số lượng xe ô tô vì đó là nhu cầu tất yếu và chính đáng của người dân; nên phải làm tốt hơn về cơ sở hạ tầng và có giải pháp chiến lược để đáp ứng nhu cầu đó”, TS Phạm Sanh nói.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: “Hiện các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội đang mất cân đối nghiêm trọng trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Đơn cử, tỷ lệ diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông quá thấp so với tiêu chuẩn, trong khi đường sắt đô thị, vận tải khối lượng lớn chưa hình thành. Tỷ lệ diện tích cho giao thông tĩnh cũng quá thấp so với nhu cầu dừng, đậu của phương tiện”.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cũng nhìn nhận: “Tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, việc phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng chưa tương xứng. Nhiều tuyến đường ô tô và container lưu thông dày đặc. TP.HCM có đến 65% tuyến đường có bề ngang dưới 7m, không thể đáp ứng nhu cầu lượng xe lưu thông ngày một tăng. Trong tương lai, số lượng xe tăng vọt trong khi cơ sở hạ tầng cải thiện không đáng kể thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kẹt xe kinh hoàng, có thể kéo dài hàng chục giờ như nhiều nước đã gặp”.
Cam đặc sản có giá từ 70.000-100.000 đồng/trái rụng hàng loạt trước tết khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm lo âu, không dám nhận tiền cọc đặt cam tết của khách hàng.
Finelife Foodstore Lumière An Phú - một thương hiệu thuộc sở hữu của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Lumière Riverside (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.