Ở tận đất nước Nam Phi xa xôi tôi càng yêu Sài Gòn hơn

11/02/2025 - 08:20

PNO - Trong những lần dừng chân ngắn ngủi, dù là đi chơi, thăm bạn hay trung chuyển về quê, Sài Gòn trong mắt tôi luôn là mảnh đất bao dung và hào sảng cho tất cả mọi người.

Sài Gòn chưa cưu mang nuôi dưỡng tôi ngày nào. Sài Gòn chỉ là trạm dừng chân trong số vô vàn trạm dừng trong cuộc đời viễn xứ của tôi, nhưng Sài Gòn luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tim tôi.

Trong những lần dừng chân ngắn ngủi, dù là đi chơi, thăm bạn hay trung chuyển về quê, Sài Gòn trong mắt tôi luôn là mảnh đất bao dung và hào sảng cho tất cả mọi người.

Tà áo dài Việt Nam luôn thu hút ánh nhìn của người nước ngoài
Tà áo dài Việt Nam luôn thu hút ánh nhìn của người nước ngoài

Sài Gòn là mảnh đất dễ kiếm sống với dân tứ xứ đổ về từ khắp mọi miền đất nước. Mảnh đời nào, Sài Gòn cũng nuôi tử tế, từ giới buôn bán dạo nghèo nàn khắc khổ đến giới lao động chân tay nặng nhọc, từ giới trung lưu trí thức đến giới thượng lưu quý phái. Riêng với những người không vốn liếng, một cái thúng, cái đòn gánh hay một chiếc xe Honda cũ kĩ cũng trở thành một cần câu cơm hữu hiệu.

Này chị bán bánh mì rao lanh lảnh trong vắt “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột, thơm bơ 2.000 đồng một ổ. Mại dô, mại dô…’’. Đội thúng bánh mì trên đầu, chị chạy thật nhanh giữa dòng người tấp nập để khách không chờ lâu khi thấy một cánh tay gọi mua. Tôi cũng mua vài ổ về làm quà cho các em nhỏ. Tôi ngạc nhiên là bánh mì vẫn còn nóng hổi như vừa lấy ra khỏi lò. Chẳng lẽ lò bánh mì gần đâu đây? Hay là chị biết bí quyết giữ bánh mì tươi nóng?

Này anh chạy xe ôm dáng người thanh mảnh ngồi trốn nắng dưới tán cây râm mát. Anh hớn hở chạy lại chào mời với giọng khàn đục khi thấy bạn tôi đi tới. Bạn lịch sự cười đáp: "Tôi sẽ đi lần sau nhé". Anh buồn ra mặt, rồi lủi thủi quay lại ngồi lên chiếc xe Honda đậu trên vỉa hè dưới tán cây bàng xanh mát cùng bạn đồng nghiệp. Một anh đậu xe cạnh bên đang mộng mị một giấc mơ trưa. Anh lấy yên xe làm giường, đuôi yên làm gối, đặt đôi chân lên đầu xe. Úp cái nón kết bạt màu sương gió lên mặt che bóng nắng, anh ngủ ngon lành.

Xem ra tiếng ồn ào không dứt và nắng nóng nung người chẳng thể nào làm phiền anh. Sao mà Sài Gòn dễ ru ngủ người ta đến thế.

Sài Gòn còn rất cuốn hút, hào sảng với cộng đồng người nước ngoài. Chị bạn tôi - người Scotland sống bằng nghề dạy tiếng Anh ở quận 1, là một ví dụ. Chị thích người Sài Gòn vì người Sài Gòn tuy sống trong căn hộ chung cư nhỏ hẹp nhưng tâm hồn rộng mở vị tha yêu đời. Quần áo họ phơi hong gió bay phấp phới ở mặt tiền căn hộ nhìn mất thẩm mỹ. Nhưng với chị đó là nét riêng bình dị của Sài Gòn.

Một chị bạn người Anh hòa mình vào không khí Tết rộn ràng ở đường hoa Nguyễn Huệ năm 2014
Một chị bạn người Anh hòa mình vào không khí Tết rộn ràng ở đường hoa Nguyễn Huệ năm 2014

Chị yêu từng cái ngõ ngoằn ngoèo, con hẻm bé xíu sâu hóm, chỉ vừa đủ cho xe taxi chui vào. Nơi ấy tọa lạc một quán bar ấm cúng để chị bầu bạn cùng những người nước ngoài khác với lon bia Sài Gòn mát lạnh trên tay.

Chị yêu cái tinh thần “lên đồ dạo phố ngày xuân’’ của người Sài Gòn. Dẫu cuộc sống thường nhật vất vả ngược xuôi, người Sài Gòn trông xuềnh xoàng, nhưng Tết đến xuân về, họ phóng khoáng làm đẹp cho mình cho phố bằng những trang phục rực rỡ.

Xét cho cùng, một năm được mấy ngày xuân! Thế nên người Sài Gòn “chơi hết mình” vào những ngày xuân. Rung động bởi cái tinh thần đó, chị không bỏ một dịp ngắm Tết nào ở Sài Gòn. Hào hứng ngắm những gương mặt rạng ngời của người Sài Gòn, chị hòa mình vào niềm vui đón xuân rất Sài Gòn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chị bấm máy chụp hình lia lịa. Các cô gái tuổi xuân thì phơi phới đang tạo dáng chụp ảnh trong tà áo dài lộng lẫy, cười tươi hơn và giữ dáng lâu hơn khi thấy mình lọt vào khung hình của chị. Chị không ngớt lời khen ngợi: Tết Sài Gòn thật đẹp. Đẹp từng chi tiết, từ cái bông chiếc lá đến chiếc xe đạp thô sơ và cái xe Honda tàng tàng cũ rít. Tôi cũng cảm nhận như thế.

Chùa Vĩnh Nghiêm nơi chồng của chị bạn tôi chọn làm nơi an nghỉ nghìn thu. Ảnh chụp năm 2015
Chùa Vĩnh Nghiêm nơi chồng của chị bạn tôi chọn làm nơi an nghỉ nghìn thu. Ảnh chụp năm 2015

Chị say sưa ngắm nhìn thế sự Sài Gòn, một Sài Gòn sôi động đông đúc và rất đời thường: em nhân viên văn phòng quần áo đóng ni chỉn chu cầm ly cà phê mang đi vội vã băng qua đường đi về phía tòa nhà Bitexco cao vút; chị bán trái cây dạo cẩn thận gọt từng lát xoài, miếng khóm vàng ươm xếp lên khay chờ khách đến; bác bán vé số khắc khổ chìa xấp vé mời chèo khách nhưng mới sáng sớm chưa ai chịu mua.

Chị yêu Sài Gòn một thì chồng chị yêu Sài Gòn mười. Chồng chị, một kỹ sư dầu khí dày dặn kinh nghiệm, yêu Sài Gòn đến nỗi khi bị bệnh, anh nằng nặc từ chối về Scotland điều trị dù biết dịch vụ y tế ở quê nhà tốt hơn gấp nhiều lần. Anh hài lòng với sự tận tình chu đáo chữa trị của các bác sĩ chuyên môn cao ở Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Rủi thay, anh không qua khỏi cơn bạo bệnh. Anh mất. Di nguyện của anh là để tro cốt lại ở chùa Vĩnh Nghiêm luôn nghi ngút khói hương trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị tha thiết khuyên anh nếu di cốt anh ở Sài Gòn thì làm sao chị thăm anh được khi chị quay về Glasgow. Nhưng anh vẫn nhất quyết muốn được hòa hồn mình vào tiếng chuông chùa thanh tịnh, hương sen tinh khiết với hương nhan đậm đà mùi đất, từng phút từng giây.

Trước khi bay về cố quốc, chị rủ tôi và vài người bạn quê Sài Gòn cùng vào chùa thắp nhang chia tay anh. Tôi rưng rưng nước mắt khi thấy chị đốt cho anh một nén nhang hết sức thành thục như người Việt, và nói: "Đây là lần cuối em “gặp’’ anh, nhưng các bạn ở đây sẽ thay em vào thăm anh".

Tấm bia nhỏ xíu của anh dựng chi chít cùng những tấm bia nhỏ xíu khác của những người Sài Gòn. Sống đã chật mà chết lại đông. Song dù đông và chật đến đâu, Sài Gòn cũng cưu mang gói ghém được hết. Sài Gòn ôm anh vào đất mặn nồng. Tôi tin anh sẽ không cô đơn trên đất khách quê người khi anh chọn Sài Gòn làm nơi yên nghỉ cuối cùng.

 Sài Gòn luôn đong đầy nỗi nhớ trong mắt của tác giả
Sài Gòn luôn đong đầy nỗi nhớ trong mắt của tác giả

Sài Gòn gián tiếp tạo cơm no áo ấm cho người Việt hải ngoại lập nghiệp khắp bốn bể năm châu. Không biết bao nhiêu nhà hàng và chợ búa ở đất Mỹ, Úc và châu Âu mang tên Sài Gòn ăn nên làm ra. Cái tên Sài Gòn, danh tiếng thiêng liêng, vừa giúp dân Việt trao gửi nỗi u hoài thương nhớ quê hương vừa cuốn hút thực khách và tạo ra phong cách riêng. Một phong cách rất Việt Nam.

Ngay cả đất nước Nam Phi xa xôi nằm tận cùng mũi lục địa đen cũng có hai nhà hàng mang tên Sài Gòn. Một ở thành phố Johannesburg sầm uất đầy khói bụi và một ở thành phố Cape Town tuyệt đẹp căng gió. Các công ty du lịch lữ hành từ Việt Nam sang thường đưa khách vào đây để tận hưởng mỹ vị quê hương. Tuy món ăn không thuần Việt để hợp với khẩu vị người dân bản địa, song thực khách vẫn thưởng thức một cách ngon lành. Hương vị phở kết nối họ gần nhau hơn và làm họ nguôi ngoai cơn thèm khát hương vị quê nhà.

Nào ai cũng có thể dạo bước chợ Bến Thành rồi ngồi nhâm nhi tô phở như mong ước. Thế nên những nhà hàng mang tên Sài Gòn còn tạo ra một Việt Nam thu nhỏ cho người bản xứ. Họ thưởng thức được ẩm thực Việt, biết về một Sài Gòn năng động, mà không cần phải lon ton đặt vé máy bay và xách va li đi.

Mỗi dịp đi ngang qua nhà hàng Sài Gòn Việt Nam ở thành phố khét tiếng tội phạm Johannesburg, tôi như nhìn thấy quê nhà. Lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Sài Gòn bây giờ tuy xa mà gần. Sài Gòn dạy cho tôi một bài học thâm thúy. Đi càng xa nỗi nhớ càng đầy. Có đi xa mới thấy quê hương mình, Tổ quốc mình luôn đẹp nhất.

Bỗng đâu tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng ai rao hàng “lạc lõng giữa chiều lao xao’’* “sau hàng phố cao cao’’*.

Huỳnh Ngọc Mai

* Ca từ trong lời bài hát Tiếng Rao do nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sáng tác

Theo thể lệ, từ ngày 1/1/2025, cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” đã dừng tiếp nhận bài dự thi. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tiếp tục đăng tải những bài dự thi có chất lượng tốt. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI