Ô-sin cũng có ba bảy đường

24/01/2019 - 10:00

PNO - Thấm thoắt, tôi yên phận ở nhà đã sáu năm. Trong khi bạn bè thăng tiến vù vù, tôi vẫn quanh quẩn với cơm nước, cháo, thuốc.

Đám bạn thời đại học rủ nhau tụ họp, tôi phân vân mãi mới đồng ý tham gia, nhất là sau khi chồng giục đi và hứa hôm đó sẽ thay tôi ở nhà. Đứng trước tủ quần áo, tôi không biết mặc gì. Phụ nữ ba sáu sự nghiệp coi như đã thành đạt, con cái cũng lớn không còn bận bịu bỉm sữa. Đâu ai như tôi, trong tay chẳng có gì. 

Giữa đám bạn sếp công ty nọ, trưởng phòng công ty kia, tôi ngượng ngùng thú nhận mình ở nhà chồng nuôi. Cả đám ngạc nhiên vì hồi xưa tôi học khá và năng động. Nghe chồng tôi mở công ty nhỏ, các bạn xúm vào khuyên tôi nên đi làm để quản chồng. “Bà nhìn lại mình xem, nhà có của ăn của để mà thấy bà cứ nhà quê sao đó”.

O-sin cung co ba bay duong
Tôi yên phận ở nhà đã 6 năm (Ảnh minh hoạ)

Nhìn các bạn tôi, ai cũng nuột nà mát mẻ, diện toàn đồ hiệu, còn tôi trừ nhẫn cưới ra thì chẳng có gì. Trong khi bạn bè rôm rả dự án tiền tỷ, hợp đồng Bắc, Nam, du lịch nước này nước kia thì tôi chỉ biết ngồi im và cười.

Thấy tôi về, chồng mừng như bắt được vàng.

“Sao em về sớm thế, may mà em về sớm chứ anh đuối sắp xỉu rồi”.

Tôi thở dài, chồng không nói tôi cũng đoán được tình hình. Mẹ chồng tôi nằm một chỗ gần chục năm, bà khó tính và khắt khe. Chồng tôi là con trai một, sau còn hai cô em gái mà không ai làm vừa ý bà. Đến ba chồng cũng bị bà mắng té tát. Y tá hay người giúp việc không ai trụ nổi một tuần, dù được trả lương cao. Thế mà bà lại chịu tôi bón cơm, đút cháo, vệ sinh. Khi ấy, tôi đang là phó phòng kinh doanh, tất nhiên tôi không muốn bỏ việc. Tôi muốn có sự nghiệp, muốn được bay nhảy, muốn thích là có thể ghé vào quán làm ly cà phê ngắm người ngược xuôi. Tôi đâu kém cỏi đến mức ở nhà chờ chồng mỗi tháng mang tiền về.

Nhưng rồi tôi đành đồng ý ở nhà chăm sóc bà. Quan trọng là tôi không thể yên tâm giao mẹ chồng cho ai. Sống cùng nhau hơn chục năm, tôi cảm nhận được tình cảm thật lòng từ những người mà trước khi gặp và yêu chồng, hãy còn xa lạ. Tôi nằm viện sinh con, mẹ chồng thức đêm canh chừng, lau rửa, bồng ẵm cháu. Chỉ khi tôi khỏe về nhà, bà mới chịu báo tin cho ba mẹ tôi lên thăm.

Từ khi sinh hai đứa con, tôi chưa phải mua một cái tã hay hộp sữa nào vì hai cô em gái đã giành mua hết. Biết gia đình tôi khó khăn, tiền học của hai đứa nhỏ, hai cô cũng chia nhau đóng. Một tháng hai lần, các cô đưa chồng con về ăn cơm với ba mẹ. Bữa đó, hai cô sẽ ở nhà trông chừng ba mẹ và “đuổi” vợ chồng con cái tôi ra khỏi nhà với mấy cái vé xem phim hay phiếu quà tặng ở đâu đó.

Từ ngày ngã bệnh, mẹ chồng nằm một chỗ nên bức bách, hở tí là bà mắng chửi. Thực đơn đổi hằng tuần nhưng không ưng là bà hất đổ. Nhưng lúc mẹ chồng vừa khóc vừa xin lỗi, quyết tâm đi làm của tôi lại tắt ngấm. 

Thấm thoắt, tôi yên phận ở nhà đã sáu năm. Trong khi bạn bè thăng tiến vù vù, tôi vẫn quanh quẩn với cơm nước, cháo, thuốc. Cũng mừng là mẹ chồng đã khỏe hơn. Hai đứa con có mẹ gần gũi cũng ngoan ngoãn, học giỏi. Hôm trước, nghe nói có dự án gì đó, căn nhà của ba mẹ sẽ bị giải tỏa, hai cô em xin không nhận phần thừa kế mà nhường hết cho anh chị. Nếu được đền bù bằng đất, hai em sẽ phụ anh chị tiền xây nhà. Dẫu biết hai em có điều kiện kinh tế hơn, nhưng cũng đáng ngưỡng mộ, khi ngoài kia, có biết bao gia đình tan nát vì đất đai, nhà cửa.

O-sin cung co ba bay duong
Mẹ chồng tôi không chịu ai chăm sóc, ngoài tôi (Ảnh minh hoạ)

Tôi còn trông mong gì hơn nữa? Chỉ là, thỉnh thoảng cũng thấy tủi thân một chút khi phải so sánh thân phận Ô-sin với những thành công lẫy lừng của bạn bè. Mà thôi, Ô-sin cũng có ba bảy đường. Tôi kể chuyện mình, ngạc nhiên là các bạn tôi không ai cười cợt, mà còn tỏ ra ghen tỵ khi các con tôi luôn có mẹ ở bên, gia đình tôi luôn có những bữa cơm ấm cúng đợi sẵn… 

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI