|
Tác giả (đứng, áo trắng) gửi lời tri ân bạn bè đến dự khai trương cà phê hoa Florid - ảnh nhân vật cung cấp |
Nếu không có những quý nhân, tôi đã gục ngã ở Sài Gòn.
Dạo này tôi có thói quen từ chối các buổi nhậu với bạn bè, về quán cóc trước nhà, uống một ly bia, ngắm dòng người qua lại. Một anh bạn bảo tôi: "Khi ta ngồi một mình, ấy là lúc ta gặp nhiều người nhất".
Đúng vậy. Nhìn Sài Gòn về đêm "ngọn xanh ngọn đỏ" chuyển động đầy sức sống trước mắt, bên ly bia sóng sánh, tôi ngồi nhớ về từng gương mặt mến thương ở thành phố này. Uống thêm một ly, tôi nhớ rõ hơn từng gương mặt của những ông anh, bà chị, thằng bạn, đứa em. Trong đó, tôi nghĩ mãi về những người đã giúp mình, họ là quý nhân. Mà có lẽ, ở cái thành phố Sài Gòn có nhiều người "rộng bụng", hào sảng, mới dễ dàng tìm thấy các quý nhân như thế.
Tôi mở một tiệm hoa tươi cao cấp vì... yêu hoa, khi chưa "chín" về kĩ năng kinh doanh. Tất nhiên, tiệm hoa được trang hoàng lộng lẫy trong mặt bằng hoành tráng. Trong quá trình xây dựng, tôi chia sẻ với một số người bạn. Dù không phải quá thân, nhưng đáng ngạc nhiên là ai cũng xúm vô chỉ bảo tận tình. Mua vật liệu xây dựng ở đâu, mua nguyên liệu ngành hoa chỗ nào cho rẻ, lưu ý về xuất hoá đơn chứng từ ra sao.
Lẽ thường, khi chia sẻ một ý tưởng làm ăn táo bạo, bạn dễ gặp những người gần thì bàn ra, xa xa thì bĩu môi. Nhưng ở Sài Gòn thì rất khác, dường như người Sài Gòn luôn sẵn sàng ủng hộ và cổ vũ bạn làm ăn. Tôi cảm nhận rất rõ điều này khi mở tiệm hoa.
Ngày khai trương, tôi quá đỗi hạnh phúc khi khách đến chúc mừng rất đông. Tất cả khách được mời đều có mặt, và có hơn 20 khách không được mời nhưng vẫn đến. Thậm chí, có những khách chỉ là bạn trên Facebook, tôi chưa gặp ngoài đời lần nào, cũng bất ngờ đến, ôm theo lủ khủ quà. Lúc đó, lòng tôi ngập tràn ấm áp, rất xúc động. Tôi nhớ từng gương mặt và thầm biết ơn từng người. Tôi không ngờ mình may mắn được nhiều người thương như vậy.
Sau này, tôi nhận ra, không chỉ mình may mắn nhận được những tình cảm ấy. Mỗi khi được mời dự khai trương cơ sở, công ty, nhà máy, tiệm nào đó, tôi đều cố gắng sắp xếp để đi. Đến nơi, tôi thấy khách rất đông, mọi người cực kì vui vẻ và thể hiện tinh thần ủng hộ hết mình. Ồ, hoá ra ở Sài Gòn là vậy. Bạn cứ mạnh dạn làm điều mới mẻ, dũng cảm khởi nghiệp, lập tức có rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ bạn hết mình.
Vào ngày khai trương, tôi còn được học một văn hoá rất hay của người Sài Gòn: đã dự khai trương là mua hàng và trả đủ số tiền, người bán có giảm giá thì người mua cũng không chấp nhận. Tôi khai trương tiệm hoa, gần cả trăm người đã mang quà đến còn mua hoa về, hôm đó chúng tôi bán hết sạch hoa. Tôi đi dự khai trương cửa hàng bán rau củ quả, cũng mua một mớ mang về. Mọi người quan niệm, việc mua ủng hộ khi dự khai trương là để mang lại lộc cho chủ cửa hàng.
Sau đó, tôi khai trương quán cà phê, cũng rất đông người đến ủng hộ, hết cả chỗ ngồi, "vỡ trận" và vui muốn rơi nước mắt vì xúc động.
Tôi ngồi một mình, nhìn lại những gương mặt mến thương ở thành phố này, thật sự vẫn không hiểu hết được rằng sao nhiều người thương mình vậy? Sao nhiều người thương nhau quá vậy?
|
Tác giả (bìa trái) dự khai trương cửa hàng nông sản của một người bạn - ảnh nhân vật cung cấp |
Tất nhiên, khởi nghiệp kinh doanh và lập nghiệp trên 20 năm ở Sài Gòn, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có những đêm tôi thức trắng, lo lắng về những vấn đề nan giải, nhất là khó khăn về tiền bạc do kinh doanh không suôn sẻ. Tôi nằm và nghĩ, ngày mai mình không biết phải bắt đầu thế nào với những hỗn độn này.
Nhưng sáng hôm sau, tôi vẫn phải ra đường. Kì lạ ở chỗ, vừa chạy xe ra đường thì tôi có cảm giác vững tin khi nhìn dòng người tấp nập và biết rằng mình có thể sống sót qua khó khăn, vì ở thành phố này có rất nhiều người thương mình.
Đỉnh điểm khó khăn là lúc COVID-19 ập đến. Dù đã cố gắng chòi đạp, vùng vẫy, việc kinh doanh đi vào bế tắc. Không có doanh thu nhưng tôi phải duy trì và "nuôi" nhân viên của 2 công ty. Đến một hôm, tôi hết cách, đành mở miệng than vãn ở người anh: "Em đang khó quá anh ạ". Anh ấy liền nói: "Anh nhìn là biết rồi, khó khăn chung. Cầm tạm của anh 500 triệu đồng để xử lý trước mắt".
Tôi quá bất ngờ. Anh em quý nhau, mấy tháng mới gặp một lần, cũng ít giao tiếp, nhưng biết tôi khó, dù anh cũng đang không dư dả, đã chuyển cho tôi mượn 500 triệu đồng, không cần ghi giấy tờ gì cả, cũng không đưa ra hạn phải trả.
Hơn 1 năm sau, tôi trả lại cho anh ấy với niềm xúc động to lớn. Tôi nghĩ, rất khó để xảy ra việc cho mượn số tiền lớn một cách dễ dàng như vậy, trong niềm tin tuyệt đối như thế. Đến khi trả nợ, tôi nhắn cho anh: "Em biết ơn anh suốt đời về việc này. Em muốn ôm anh một cái".
Người ta thường bảo đất Sài Gòn dễ làm ăn. Trải qua lăn lộn từ vỉa hè đến cửa tiệm sang trọng, tôi cảm nhận rõ điều đó. Không hẳn do ở Sài Gòn dễ kiếm tiền, cũng không hẳn tính cách người Sài Gòn hào sảng, chi tiêu thoải mái. Mà theo tôi, dễ làm ăn là vì ở thành phố này, mọi người, từ bình dân đến sang chảnh đều sẵn lòng đón nhận và ủng hộ người khác bán hàng, rất ít sự ghen ăn tức ở.
Ở thành phố này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp một phụ nữ khen một phụ nữ đẹp. Người ta có thể thấy người này chúc mừng một cách vô tư, chân thành khi bạn của mình mua ô tô mới. Người ta có thể thấy nhiều người cảm thấy "vui lây" khi bạn của mình mua ngôi nhà mới sang trọng.
Như vậy, lúc khó khăn, bế tắc, vẫn có nhiều người thương và có một số người đặc biệt thương. Lúc hanh thông, thăng hoa trong sự nghiệp, cũng có nhiều người chúc mừng, chia sẻ niềm vui một cách hào sảng, vô tư. Cái cảm giác thoải mái và tự tin khi sống ở Sài Gòn nằm ở chỗ đó.
Dù lúc khó khăn hay khi thịnh vượng, ai cũng cần quý nhân cho cuộc sống của mình. Ngồi một mình, nhìn dòng người xa lạ mà cảm giác thân thương trôi qua trước mặt, tôi càng thêm yêu quý thành phố này.
Và nếu tìm một điều để tự hào về Sài Gòn- TPHCM, tôi chọn tự hào về cách mà những con người ở đây sẵn sàng giúp nhau để thịnh vượng. Họ là quý nhân của nhau.
Trần Triều
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây. |