Ở nơi trở thành “vô diện”

08/08/2020 - 13:27

PNO - Ở đó, là cả một màu trắng toát của đồ bảo hộ, bọc kín từ đầu đến chân, chỉ có thể nhận ra nhau bằng hình dáng và ký hiệu.

Là những bước chân vội, những “cuộc đua” không đầu không cuối. Là cả đội ngũ ngày đêm không nghỉ để nhanh chóng đưa ra kết quả của hàng ngàn mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ở nơi đó, sự sẻ chia đôi khi chỉ là những hành động nhỏ như là việc chỉnh sửa lại đồ bảo hộ cho nhau
Ở nơi đó, sự sẻ chia đôi khi chỉ là những hành động nhỏ như là việc chỉnh sửa lại đồ bảo hộ cho nhau

“Nhớ con!”

Ngày 4/8, Viện Pasteur Nha Trang đã có Quyết định số 1830/QĐ-IPN, công nhận Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam được phép khẳng định các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Điều đó cũng đồng nghĩa với khối lượng công việc của những cán bộ nơi đây tăng lên gấp bội. Hầu như họ túc trực 24/24 để cho ra kết quả kịp thời, đẩy nhanh tiến độ trong việc phòng, chống dịch COVID- 19.

Chỉ cần nhìn vào những con số, là đủ thấy khối lượng công việc khổng lồ mà những người ở trung tâm này phải gồng gánh. Từ khi lắp đặt hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động và đưa vào vận hành, CDC Quảng Nam đã triển khai thực hiện 4.089 mẫu xét nghiệm, trong đó 45 mẫu dương tính, 3.912 mẫu âm tính, 132 mẫu đang chờ kết quả (tính đến hết ngày 5/8). 

Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng giờ được chia thành 4 phòng chính: phòng tiếp nhận, mã hóa, phòng chiết tách, phòng bất hoạt rồi phòng đọc kết quả… trải dài dọc theo hành lang trắng toát. Những bước chân vội vã, chẳng ai nói với ai một lời. Ai cũng tập trung cao độ vào công việc của mình. Bởi, chỉ cần một sơ sẩy là hậu quả khôn lường.

Khó khăn lắm chúng tôi mới xin được vào đây để chụp ảnh, tất nhiên là chỉ từ bên ngoài, thông qua một lớp kính. Càng khó hơn nữa khi xin phỏng vấn những người đang miệt mài bên trong. Họ đang chạy đua với thời gian. Mỗi giây phút đều vào guồng cả rồi nên rất khó để trao đổi trong lúc này.

Mãi đến giờ ăn trưa (cứ người này ăn xong thì người khác thay), chúng tôi mới lân la, hỏi chuyện. “Nhớ con”, là câu đầu tiên mà chị Trần Thị Thu Thảo nói với chúng tôi. Đứa con nhỏ của chị chưa đầy bốn tuổi giờ được đưa về cho bà ngoại giữ hộ. “Sáng 7g bắt đầu vào làm, miết đến 12g đêm mới xong. Khi mình đi thì con còn ngủ, khi mình về con đã ngủ rồi. Cứ thế, mấy ngày nay, hai mẹ con chẳng thấy mặt nhau”, chị Thảo cười hiền.

Đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều nữ cán bộ ở đây. Như chị Nguyễn Thị Tuyết Anh kể, vợ chồng chị đều phải trực chiến liên tục mấy tuần nay. Chồng chị là bộ đội thuộc Lữ đoàn 270 (Quân khu 5, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cũng phải trực chiến, không về nhà được. Hai đứa con của chị ở nhà một mình, tự xoay xở mấy tuần nay. “Nhiều khi, muốn gọi một cuộc điện thoại cho con cũng khó. Đến ăn còn vội để tiếp tục công việc, huống chi…” - chị Tuyết Anh chia sẻ.

Đứa con bốn tuổi của chị Trịnh Thị Châu Thoa vẫn chưa quen với việc vắng mẹ nên mỗi khi tranh thủ được chút nào thì chị lại gọi video call để được nhìn mặt con. “Ngặt nỗi, con thấy mặt mình lại khóc ngặt, không ai dỗ được. Lại xót con. Nên thôi, ráng ít bữa nữa vậy”, chị quay đi, và vội miếng cơm vào miệng, như để ngăn giọt nước mắt đang chực chờ nơi khóe mắt. 

Bữa cơm vội, kết thúc chỉ trong chừng 7 phút.

Các cán bộ CDC Quảng Nam ngày đêm miệt mài để cho ra kết quả xét nghiệm nhanh nhất
Các cán bộ CDC Quảng Nam ngày đêm miệt mài để cho ra kết quả xét nghiệm nhanh nhất

Trách nhiệm là trên hết

Câu đầu tiên mà ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam dặn dò khi chúng tôi đặt vấn đề được vào nơi xét nghiệm để tác nghiệp là: “Phải nhanh, gọn, rồi rút. Công việc đó, phải có sự tập trung cao độ. Sai một ly đi cả dặm, hậu quả không gánh nổi đâu”. 

Là thế, họ chạy đua với thời gian. Trong màu trắng toát của bộ đồ bảo hộ, người ta chỉ biết đến công việc, nhận ra nhau qua dáng vẻ, cử chỉ. Là đôi tiếng cười trong bữa cơm ăn vội, là những lúc nhờ nhau chỉnh lại cái mặt nạ, nơi cũ đã hằn vết quá sâu gây đau nhức. 

“Với tình hình phức tạp hiện nay của dịch COVID-19, thôi thì anh em cũng tự động viên nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn. Cũng may, đợt này có thêm nhiều cán bộ được bổ sung từ tuyến trên nên hiệu quả, công suất được nâng lên nhiều. Chúng tôi cố gắng làm sao để có kết quả nhanh nhất, giúp công tác phòng, chống dịch của tỉnh sớm ổn định, khoanh vùng được các F1, F2”, ông Kiệm nói.

Cũng theo ông Kiệm, ngoài việc phụ trách thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trung tâm còn nhiều việc phải làm. “Chúng tôi còn phối hợp các phòng chức năng Sở Y tế, CDC Đà Nẵng và các tỉnh nắm thông tin các ca bệnh, tình hình dịch bệnh, các ca bệnh có liên quan. Phối hợp với các cơ quan chức năng để truy vết, giám sát và xem xét lấy mẫu, khai báo y tế các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp tiếp xúc/có liên quan khác với các ca dương tính (F1, F2, F3) để có hướng xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế…”, ông Kiệm nói.

Hơn 30 con người vẫn đang miệt mài, tỉ mẫn đối với từng mẫu xét nghiệm. Ở đó, có những niềm riêng còn chưa thể nói hết, nhưng, trách nhiệm vẫn được họ đặt lên hàng đầu. Có những chàng trai, còn chưa vợ con, sẵn sàng làm giúp phần việc của các anh chị, để họ có thêm chút thời gian với gia đình. Sẻ chia là điều cần nhất lúc này. 

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI