Ở nơi nào có tình yêu thương...

07/08/2016 - 06:35

PNO - Sẽ chẳng có một công thức nào chính xác cho hai chữ “gia đình”. Bởi, xét cho cùng, nơi nào có tình yêu thương, nơi ấy chính là gia đình. Dù cho phải đi trật ra ngoài mọi khuôn khổ.

Chị Lan quê ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, chị vào Sài Gòn đã hơn sáu năm với gánh đậu hủ. Trưa nào mua đậu hủ, tôi cũng nấn ná nói chuyện với chị vài câu. Những câu chuyện không đầu cuối luôn là về những đứa con. Nhắc về con, chị vui lên hẳn, dù gánh đậu hủ nặng nhọc luôn oằn trên vai chị.

Ở nhà chị, trách nhiệm được phân công rất rõ ràng. Chị vào Sài Gòn buôn bán, nuôi hai đứa lớn, đứa đang học cao đẳng ở Đà Nẵng, đứa chuẩn bị vào đại học năm nay. Tất cả tiền học của con, chi phí sinh hoạt đều do một tay chị gửi về. Anh ở nhà lo mấy sào ruộng, nuôi thêm gà vịt, ngày nhàn thì đi phụ hồ thêm lo cho thằng út đang học lớp 6. Hai năm rồi vợ chồng chị chưa gặp nhau, chưa ăn cùng nhau một bữa cơm. Có bệnh chị cũng giấu chồng vì sợ anh lo. Chắc anh cũng vậy.

O noi nao co tinh yeu thuong...
Ảnh mang tính minh họa

Chị có lẽ sẽ không biết gì về Ngày Gia đình. Mà có lẽ chị cũng chẳng muốn hình dung thêm về những điều xa vời với cuộc sống mình, thậm chí là những lời nói “sum vầy, đầm ấm”. Từ lâu rồi chị đâu có sum vầy, từ lâu rồi chị cũng không còn nhớ mình đã từng đầm ấm ra sao!

Nhưng ở cái xã quê hẻo lánh đấy, vẫn có gia đình chị. Chồng và những đứa bé đang cố từng ngày học để thoát nghèo ấy vẫn là những sợi dây buộc chặt các thành viên gia đình, tạo nên hình ảnh gia đình. Những cuộc mưu sinh đẩy họ dạt ra xa nhà, mải miết kiếm tiền. Những cuộc mưu sinh đôi khi tách gia đình ra làm nhiều mảnh nhỏ, chẳng còn đủ đầy. Nhưng ở đó, vẫn lung linh hai tiếng gia đình.

Chị là người phụ nữ nhỏ thó, ánh mắt buồn hiu hắt. Chị trải miếng ni lông ngồi bán mớ đồ chơi rẻ tiền trước một cổng trường tiểu học. Hôm chờ con gái ngồi lựa mấy miếng hình dán, tôi vu vơ bắt chuyện; “chồng chị làm việc gì?”. “Tui đâu có chồng, quen và sống chung với ổng được sáu tháng, chưa kịp cưới hỏi thì tui có bầu, ổng bỏ đi đâu đến giờ, mười chín năm rồi, tui nuôi con một mình”.

*

Hèn gì tôi thấy thấy chị lủi thủi. Hèn gì thấy chị thương cậu bé có gương mặt khôi ngô đó một cách khác biệt. Hỏi thăm mới biết, cậu bé con trai đang học năm nhất trường đại học Văn Lang, sáng sáng vẫn ra phụ mẹ. Thỉnh thoảng, lúc chị dọn dẹp mớ hàng lỉnh kỉnh, tôi thấy thằng bé đạp xe đạp đến, xin mẹ tiền rồi đạp đi học. Hai mẹ con chị thuê nhà trọ gần đó, trưa chị về nấu vội miếng cơm rồi đi giúp việc nhà theo giờ cho các gia đình.

“Từ nhỏ, nó đã tự chơi, tự học, tự ăn. Lúc đó, hận ổng, tui cạo trọc đầu gần 10 năm, sau thấy con lớn nên thôi... Nó thương mẹ lắm, lúc nào cũng cố học cho đàng hoàng, để sau này đi làm cho mẹ nghỉ ngơi”. Mỗi câu chị nói, như xâu thêm vào tôi những hình ảnh một người mẹ chưa bao giờ cho phép mình bệnh và một cậu bé lớn lên trong tủi hờn của mẹ, vẫn từng ngày cố gắng. Họ vẫn tạo thành gia đình, vẫn là một gia đình trong muôn trùng cuộc sống. Họ vẫn sống tốt, nương vào nhau và không ngừng gieo trong nhau hy vọng...

**

“Nó gọi cô ấy là daddy, được cưng lắm đó”, bà bán xôi nói khi thấy tôi nhìn theo cô bé và người phụ nữ. Mẹ cô bé ấy từng là hàng xóm của tôi, hồi đó, ngày nào chị cũng la hét kêu cứu vì chồng đánh, bất kể giờ giấc, bất kể đúng sai. Chị ấy ra đường mặt luôn cúi gằm, đi thật nhanh như sợ hãi điều gì. Sau này, nghe đâu họ ly hôn. Chị ẵm con đi thuê nhà trọ khác sống và bán hủ tíu trong ngôi chợ nhỏ.

Hôm trước tôi về hẻm cũ, hỏi thăm chị, nghe nói chị ấy dọn về sống chung với một người phụ nữ khác, và đã bình yên. Thì ra, chị đã chọn cho con gái một mái ấm khác theo đúng nhất nghĩa gia đình. Chọn cho mình một người để có thể… cùng nhau. Cùng nhau khóc, cùng nhau cười, cùng nhau ăn, cùng nhau nuôi dạy con lớn lên, bất chấp những khắc nghiệt của người đời. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh vui vẻ của Ricky Martin, bạn trai và các con, tôi luôn tự nhủ: gia đình là như thế, họ đã bên nhau…

Với chị Lan, với người mẹ bán hàng trước cổng trường, với người phụ nữ chọn sống cùng một người phụ nữ khác, họ chẳng có một gia đình gắn kết theo lý thuyết. Nhưng thực tế, cũng chẳng có một công thức nào cho hai từ gia đình. Có thể những người ấy phải co kéo lắm thì mới trọn vẹn. Nhưng đi đến tận cùng, nơi nào có tình yêu thương, nơi ấy chính là gia đình. Dù cho phải đi trật ra ngoài mọi khuôn khổ...

Lê Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI