Nàng áo chàm Nùng An quá đỗi dịu dàng khi hát múa. Nhưng đến dịp trả hàng, nàng lại tay kìm, tay búa xăm xắn bên lò rèn như bất cứ gã trai bản nào. Ở Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng), nghề rèn của bà con điêu luyện đến độ, người thợ chỉ cần liếc mắt trên lưỡi dao là biết sản phẩm đã đạt độ sắc bén chuẩn hay chưa.
Lịch sử hào hùng của làng rèn độc đáo
|
Một góc Phúc Sen |
Với những gì đã được ghi vào lịch sử, cũng như dấu tích còn hiện hữu, thì từ vương triều nhà Mạc, Phúc Sen đã là công xưởng đúc rèn cơ khí cho nhà Mạc chống lại nhà Lê (khi nhà Mạc chạy lên cát cứ ở Cao Bằng). Chỉ tính từ ngày đó thôi, thì nghề rèn Phúc Sen cũng đã ngoài bốn trăm năm tuổi; và những người thợ rèn Nùng An (một trong mười ba nhánh Nùng ở Cao Bằng) đã từng được xem như những chiến binh tinh tuyển của một vương triều có quá nhiều biến động.
Đến những năm kháng chiến chống Pháp, vũ khí của quân và dân ta khi ấy vẫn ít nhiều thô sơ, nhưng những tay thợ Phúc Sen đã chế được súng kíp, vỏ lựu đạn, nòng pháo súng thần công. Người già nơi này kể lại rằng những vũ khí ấy được đưa đến căn cứ Pắc Bó để các cán bộ Việt Minh chia xuống các đơn vị du kích địa phương.
Và một lần nữa Phúc Sen lại trở thành công xưởng “chế tạo” vũ khí như thời nhà Mạc. Ông Long Văn Thông - một tay rèn lão luyện của làng bảo người Nùng An rất tự hào vì những gì đã đóng góp được cho lịch sử nước nhà, nghề đúc rèn được dưỡng nuôi, phát triển đến tận ngày hôm nay cũng là vì thế.
|
Sau quá trình tôi, rèn công phu là công đoạn mài |
Bây giờ đến Phúc Sen, hoà vào nhịp quai búa, những bễ lửa lò rèn cháy rực, tôi mới dám tin đây là làng nghề đúc rèn duy nhất, với số lượng người làm nghề rèn lớn nhất nước ta. Toàn xã có mười thôn thì đến sáu thôn sống chính bằng nghề rèn, khắp nơi vang tiếng hò “hây ba”, rồi tiếng búa, tiếng đe chộn rộn.
Hai mươi năm trước, Phúc Sen còn nổi tiếng khắp nước về rèn kiếm, mã tấu và dao găm. Đó là “mặt hàng” vũ khí người Nùng An xưa để lại. Còn rèn nông cụ thì ở đâu cũng có, nhưng nông cụ của Phúc Sen luôn được ưu tiên trên thị trường; bởi dù đang sống trong cái nháo nhào của kim tiền hiện đại, song bà con vẫn giữ được cái tâm với nghề, độ bền và chất lượng vẫn nguyên vẹn như xưa, sản phẩm đến tay người dùng, có khi hàng chục năm trời vẫn tốt.
Ấy là những lời kinh nghiệm của cánh lái xe tải có dịp qua đây từ khi giao thông lẫn thông tin còn chưa phát triển, chứ người thợ rèn Nùng An chỉ cười hiền và tập trung bên bếp lửa, cả đời có biết đến “nghệ thuật bán hàng” là gì đâu!
Hữu xạ tự nhiên hương
Từ ngày hợp tác xã thành lập, Phúc Sen không còn ai rèn vũ khí, gần hai trăm lò rèn của cả xã chỉ tập trung vào nông cụ, dao kéo. Nhưng cũng có lúc lò rèn Phúc Sen hắt hiu “thèm” lửa, đó là giai đoạn dao kéo ngoại chiếm lĩnh thị trường, tiểu thương ở các chợ không còn đặt hàng mà chuyển sang mua từ các mối buôn lớn. Áo chàm không còn xăm xắn chân tay, mồ hôi cũng không còn rơi bên bếp lửa, lo sợ, buồn bã về sự trở lại của đói nghèo cứ kéo đến, dâng đầy trong ánh mắt những người thợ Nùng An.
|
Một cơ sở vừa sản xuất, vừa giới thiệu sản phẩm của Phúc Sen |
Rồi cái “gu” vừa rẻ vừa đẹp của thị trường cũng nhanh chóng lụi tàn như chất lượng sản phẩm, chính những chủ hàng người Trung Quốc lại tìm đến tận Phúc Sen đặt hàng, thậm chí là số lượng lớn để đưa về bán trên đất nước họ. Bà con vừa nhen lửa vừa rèn rũa cầm chừng vì không dám tin, đến khi nhiều chủ quán phở ở cả Lạng Sơn, Hà Giang, TP. Cao Bằng tìm đến, mua một lúc mười con dao chặt xương để dùng dần thì bà con mới dám thở phào, vung tay búa thật lực. Tiếng cười nói từ bấy lại rộn lên trong các lò rèn. Phúc Sen thêm một lần vang danh khắp nước.
Những tay rèn lão luyện như ông Thông, ông Chiến bảo nghề rèn của người Nùng An có nhiều bí ẩn mà ít nơi nào có được. Tám mươi tuổi, chòm râu dài trắng mây trên nền áo chàm, cụ Nông Văn Nhật tiết lộ: Vật liệu và kỹ nghệ tôi luyện thép là hai bí quyết của người Nùng An. Những người thợ nơi này chỉ dùng nhíp ô tô để rèn dao cũng như những loại nông cụ khác. Thép đã tốt, song không vì thế mà lơ là công đoạn rèn đúc, nhất là khâu tôi lưỡi dao.
Bên bễ rèn, người phụ nữ vung cao tay búa đập xuống thanh thép đỏ hồng, anh chồng cầm chiếc búa nhỏ gõ vào những điểm cần để chị vợ nện búa tạ, hình dáng con dao rựa dần hiện ra. Chị vợ vừa quai búa vừa hổn hển nói: “Phải đập đến hai trăm búa mới được một con dao, mỗi ngày hai vợ chồng chỉ làm được năm con thôi”.
|
Sản phẩm của người Nùng An được bày bán ở các chợ... |
Ngoài trời lạnh lẽo sương giăng, bên bếp lửa, mồ hôi vẫn túa ra trên gương mặt chị vợ. Anh chồng ra hiệu dừng, đưa con dao lên, mắt nheo lại liếc dọc lưỡi rồi hạ xuống ra hiệu cho vợ đập tiếp. Một lúc sau anh lại nheo mắt liếc lưỡi dao rồi gật gù nhúng con dao vào nước tro tôi. Nghe lời thán phục kỹ nghệ “liếc mắt rèn dao” dành cho mình, anh vừa lấy con dao khỏi chậu nước bỏ vào lò tiếp tục nung vừa thủng thẳng: “Thợ rèn Phúc Sen ai cũng thế mà”.
Bán hàng chuyên nghiệp như người Nùng An
Đứng trước gian hàng treo bán các loại dao của gia đình Nông Văn Minh, tôi cứ thắc mắc mãi vì nhìn những con dao Phúc Sen đâu có khác gì những loại dao bày bán khắp các chợ. Anh Minh chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng xách một con dao phay xuống xén ngang tờ giấy. Những sợi giấy được “chẻ” ra thẳng tắp, đường dao “đi” rất ngọt. Vẫn lặng im, Minh lấy thanh sắt phi tám (đường kính 8mm) đặt lên đòn kê rồi vung con dao.
Tiếng kim loại va vào nhau nghe rờn rợn, tôi mường tượng đến cảnh lưỡi dao vỡ mẻ lung tung. Còn chưa dám nhìn xuống con dao đã thấy Minh vung nhát thứ hai, thanh sắt đứt làm đôi, còn lưỡi dao không hề suy suyển.
|
...đến những hội chợ làng nghề. |
Bây giờ các sản phẩm của Phúc Sen không chỉ có mặt ở những tỉnh miền núi phía Bắc, mà còn xuôi về Hà Nội, “lấn” mãi vào các tỉnh miền Trung. Một số con em Phúc Sen học cao, thạo công nghệ còn lập cả website chuyên bán các sản phẩm ra đời từ lò rèn quê mình. Giá có khi đến dăm - bảy trăm nghìn một chiếc, nhưng “đắt sắt ra miếng”, các lò rèn Phúc Sen đỏ lửa quanh năm mà vẫn không hết việc.
Lúc không “biểu diễn” thử dao cho khách xem, anh Minh mới oang oang: Nhìn là biết thôi, Phúc Sen làm bằng thép, dao nặng, các nơi khác làm bằng sắt mỏng, nhanh gỉ lắm.
Rồi Minh thủ thỉ: Mua dao Phúc Sen thì yên tâm, kể cả lúc tưởng phải giải tán các lò rèn, Phúc Sen cũng không bao giờ làm “điêu”. “Dân Nùng An mà, bao đời nay ông cha vẫn dạy là phải sống thật lòng và làm thật tâm”.
Ngọc Minh Tâm