|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP tặng quà cho các học viên |
Khi phim ngắn Gánh xiếc bươm bướm chiếu tại hội trường Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội (GDLĐXH) Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) khép lại, đâu đó đã bật ra tiếng khóc sụt sùi. Câu chuyện cảm động về hành trình vượt lên chính mình của chàng Will không tay không chân đã khiến những “bóng hồng” trót để đời mình tuột dốc ánh lên niềm tin vào tương lai.
Trung tâm GDLĐXH Phú Nghĩa là một trong 10 trung tâm chữa bệnh bắt buộc của TP.HCM đóng ngoài địa phận TP, và là nơi duy nhất tiếp nhận học viên nữ cai nghiện ma túy của TP.HCM. Hiện nơi này có gần 700 nữ học viên đang cai nghiện.
Những lát cắt buồn
Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu nơi học tập, trị liệu, cắt cơn của các học viên, chị Nguyễn Thị Hồng Đào - Phó giám đốc trung tâm, người gần 20 năm gắn bó với cơ sở cai nghiện này - cho biết: "Tổng số học viên ở đây là 672, được bố trí vào hai khu quản lý là khu 3 và khu 4. Số học viên ở đây tăng giảm theo ngày, vì ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận người mới và ngày nào cũng có người hồi gia. Hôm qua, mới hồi gia hai người thì hôm nay thêm tám học viên chuyển đến”.
Sau cánh cổng hẹp, bên trong khu 4 là những dãy nhà ở tập thể, trạm y tế, phòng đọc sách, khu giải trí, khu học may, khu gia công hạt điều... khá khang trang. Chính giữa các dãy nhà là khuôn viên rộng để tập thể dục, chơi các môn thể thao: bóng rổ, cầu lông, nơi huấn thị, sinh hoạt chung của nữ học viên.
Câu chuyện chợt như chùng xuống, khi chị Hồng Đào thông tin, trong số nữ đang cai nghiện tại đây, trên 50% ở độ tuổi từ 18 -30; tỷ lệ học viên từng sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá, thuốc lắc) chiếm khá cao. “Nhiều em mới vào, mỗi khi lên cơn thèm thuốc, người vật vã hoặc lơ mơ, nhìn mà xót xa” - chị Đào kể.
Tăng Thị Bé Trân (*) sinh năm 1988, có khuôn mặt xinh xắn, da trắng, mặc chiếc áo thun đồng phục xanh của trung tâm khá rụt rè khi tiếp xúc với chúng tôi. Con nhà khá giả ở Q.10, TP.HCM, lại là con gái một, nên từ bé Trân được nuông chiều. Học xong lớp 12, Trân vào đại học; tốt nghiệp loại khá ngành tiếng Trung, Trân làm phiên dịch cho một công ty của ông chủ người Hoa. Làm phiên dịch nên cô phải thường xuyên theo ông chủ đi tiếp khách. Trong những lần tiếp khách đến tận khuya, cô bị ép uống rượu ngoại.
Những lần đầu, không quen, đầu óc quay cuồng, nhưng những lần sau, cô là người chủ động vì khi uống vào thì thấy tinh thần phấn chấn, không uống thì bứt rứt, khó chịu. “Chỉ đến khi nghiện, em mới biết, trong những lần phục vụ rượu cho khách, ông chủ đã pha những viên amphetamine (hàng đá - một dạng ma túy tổng hợp) vào rượu. Khi những cơn thèm mỗi lúc một nhiều hơn, không đủ sức để làm, em mất việc, cứ lên cơn là lại tìm “hàng” để “đập”. Trong lần “đập đá” tại một động lắc ở Q.10, em bị test dương tính, bị buộc vô đây trị liệu, cắt cơn 18 tháng, nay đã được bảy tháng” - Trân kể trong nước mắt.
Mái tóc vàng hoe, gương mặt hình trái xoan, vóc dáng đầy đặn, Trần Thị Quyên, 19 tuổi, quê ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp luôn thu hút ánh nhìn của khách. Gia đình nghèo, có bảy anh chị em. Cực khổ không chịu được, mẹ dắt ba anh chị em đầu lên Bình Phước lập nghiệp, Quyên và các em ở bên ngoại, còn cha lên Sài Gòn buôn bán trái cây dạo. Học hết lớp 6, Quyên nghỉ học phụ ngoại làm bánh khọt. Mùa hè năm 2015, 18 tuổi, Quyên rời quê lên xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM ở trọ với cha để kiếm việc làm.
Vắng mẹ, cha sống với người vợ hờ 28 tuổi, làm nghề mát xa. Không có việc, Quyên vào làm chỗ mát xa rồi quen dần mùi vị ăn chơi của Sài Gòn do các vị khách rủ đi. Trong một lần đang cùng nhóm bạn “phiêu” thuốc ở một phòng trong khách sạn, bị cơ quan chức năng kiểm tra, em bị phát hiện đã nghiện nặng và dương tính với HIV - kết quả của những lần “đập đá” và quan hệ tình dục tập thể, không kiểm soát được mình. “Em vô đây được ba tháng, cha giận không vô thăm, mẹ em ở gần trung tâm này nhưng cũng không đoái hoài”.
Theo chị Hồng Đào, đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp còn rất trẻ nhưng đã vướng vào con đường nghiện ngập.
|
Các học viên cai nghiện đang gia công hạt điều tại trung tâm |
Hành trình tìm lại chính mình
“Lúc mới vào trung tâm, em buồn chán, cô độc lắm, vì xa Sài Gòn, xa gia đình, bạn bè. Nhưng giờ em đã quen và quyết tâm học tập, điều trị sớm để trở về” - Trần Thị Hường, cô gái sinh năm 1992, tâm sự với chúng tôi, sau khi hát trong chương trình giao lưu, tặng quà cho học viên do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 14/7. Cô gái nhỏ nhắn, nhưng giọng hát rất hay, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp.
Khi biết lý lịch của Hường, nhiều người trong đoàn giao lưu rất buồn và tiếc cho em. Đến từ Nghệ An, Hường được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội hệ chính quy tháng 7/2015. Hường vào Sài Gòn, đi hát ở các cơ sở quân đội. Cuộc đời ca sĩ trẻ tương lai rất hứa hẹn bỗng chốc sụp đổ khi Hường vướng vào những viên ma túy đá chết người. “Thời gian đó, bạn trai chia tay em, buồn chán, em lao vào những vũ trường “cắn” thuốc cho quên sầu. Giờ thì đã ở trong này được hơn một năm. Ở đây khung cảnh yên bình, cán bộ trung tâm nhiệt tình chăm sóc, trị liệu, giờ em khỏe lại rồi và hứa với lòng sẽ không một lần nào phải vào trung tâm nữa”.
Trong khu gia công hạt điều, học viên Lê Thị Thanh Trúc, 32 tuổi, tay thoăn thoắt bóc tách vỏ hạt điều. Cô cho biết, thời gian cai nghiện tập trung của mình là 16 tháng, đã đi được 1/3 chặng đường. Nhà ở Tân Phú, TP.HCM, cô bị nghiện nặng khi con trai đầu lòng mới ba tháng tuổi. “Những ngày đầu ở đây, hết thuốc, người tôi như có con rết bò quanh, nóng như đốt, lại nghĩ về con, cồn cào nôn nao muốn vượt tường trốn trại để về. Nhưng được trị liệu, tư vấn tận tình, giờ tôi khỏe rồi, dứt khoát phải cai nghiện được, để còn về với con” - Trúc quả quyết.
Theo ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm, học viên được phân loại theo tình trạng cư trú, độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp sức khỏe, tiền án, tiền sự… để bố trí nơi ở, điều trị phục hồi và tổ chức lao động phù hợp. Ngoài điều trị cắt cơn, học viên nào cũng được phổ biến về quyền và trách nhiệm, kiến thức chung về ma túy - HIV/AIDS, kiến thức pháp luật, giáo dục nhân cách, kỹ năng dự phòng tái nghiện, chăm sóc sức khỏe, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng… Không chỉ trị liệu, học tập, học viên còn gia công bóc tách vỏ hạt điều để vừa phục hồi sức khỏe, vừa có thu nhập hằ ng tháng.
Trong khu 4, nơi có 343 học viên nữ đang cai nghiện, chúng tôi phát hiện hàng trăm đôi dép đủ màu, trên những đôi dép này ghi tên, tuổi, năm sinh, ngày vào trung tâm. Một nữ học viên cho biết, những đôi dép được ký hiệu như vậy để khỏi mang nhầm, đồng thời nó như một “kỷ niệm” nhắc nhở học viên tránh thêm một lần vấp ngã sau hành trình trị liệu (12 tháng đến 24 tháng) ở trung tâm. Chia tay chúng tôi, học viên Trần Thị Hường quả quyết: “Ngày hồi gia, em nhất định đoạn tuyệt với lỗi lầm đã qua, tiếp tục theo con đường ca hát, dù thời gian đầu tái hòa nhập sẽ khó khăn...".
Ngày 14/7, đoàn công tác của Hội LHPN TP.HCM do bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội - dẫn đầu đã đến thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn nghệ, nói chuyện chuyên đề tại Trung Tâm GDLĐXH Phú Nghĩa. Báo cáo viên Hà Trung Thành đã báo cáo chuyên đề “Xây dựng phẩm chất, đạo đức, lối sống văn hóa phụ nữ Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết 33 của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đồng thời cho chiếu phim ngắn Gánh xiếc bươm bướm dài 20 phút kể về hành trình “vượt lên chính mình” của chàng Will không tay không chân (do Nick Vujicic thủ vai). Theo ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc trung tâm, những hoạt động này thật sự bổ ích, giúp trị liệu về mặt tinh thần cho các học viên vốn bị sang chấn tâm lý, trầm cảm do có thời gian dài dùng ma túy tổng hợp.
|
Hoài An
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.