Trên bờ khang trang, dưới kênh nước còn đen kịt
Gần bảy năm sau ngày được nạo vét, chỉnh trang, kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dài 7,5km, chạy qua các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú) vẫn còn ô nhiễm nghiêm trọng. Đối lập với các bờ kè đẹp đẽ và những con đường nhựa ven kênh khang trang là dòng kênh đen kịt, đặc quánh, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
|
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm lại đen kịt, bốc mùi hôi thối sau bảy năm được nạo vét, chỉnh trang - Ảnh: P.T. |
Chị Huệ - buôn bán ở vỉa hè đường ven kênh đoạn qua Q.6 - lắc đầu: “Những ngày nắng nóng, kênh bốc mùi thối không chịu nổi. Dân ở đây ngửi riết cũng quen chứ khách vãng lai chắc chắn bị mùi này ám ảnh. Cách đây mấy năm, kênh được cải tạo, người dân ai cũng mừng, nhưng sau một thời gian, nước kênh lại đen dần, hôi dần”.
Tương tự, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng không còn giữ được màu nước xanh, sạch như lúc được nạo vét, cải tạo cách đây mười năm. Hiện cả dòng kênh đã đổi màu nâu đục, nhiều đoạn lềnh bềnh rác rến, lục bình. Ô nhiễm nặng nhất là đoạn từ cầu số 2 đến gần giao lộ Lê Bình - Út Tịch, Q.Tân Bình. Đặc biệt, mặt kênh ở vị trí tiếp giáp với đường Lê Bình trông không khác gì một hố rác, nước đặc quánh bùn rác, lục bình, bốc mùi hôi thối.
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè diễn ra hằng ngày, nhưng cũng chỉ cải thiện được một phần tình trạng ô nhiễm. Do nước ở kênh này bị ô nhiễm ngày càng nặng nên những năm qua, liên tục xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nhất là vào đầu mùa mưa. Năm 2020, UBND TPHCM tiếp tục chi hơn 36 tỷ đồng để nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng vẫn không ngăn được tốc độ tái ô nhiễm dòng kênh.
Là một trong những tuyến kênh lớn nhất TPHCM, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (dài 33km, chạy qua bảy quận, huyện) cũng ô nhiễm nghiêm trọng hàng chục năm qua, nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Trên các đoạn kênh chạy qua các quận Bình Tân, Gò Vấp, người ta dễ dàng thấy cảnh những miệng cống thoát nước lớn đang ào ạt xả nước thải bẩn thỉu ra kênh suốt ngày đêm. Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (dài hơn 22km) cũng ô nhiễm nặng, nhất là đoạn chạy qua các quận 6, 8.
Nhiều năm qua, UBND TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để chỉnh trang đô thị, cải tạo và hồi sinh những dòng kênh “chết”, trong đó có các dự án Vệ sinh môi trường (giai đoạn 1) cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với vốn đầu tư 8.600 tỷ đồng, Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1) nạo vét kênh Tàu Hủ - Bến Nghé với vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, Nâng cấp đô thị, cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng… Tuy vậy, do nước thải vẫn chưa được thu gom xử lý nên tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đưa ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác
Lý giải tình trạng tái ô nhiễm các dòng kênh, giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, thuộc Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho rằng, đó là hệ quả tất yếu của việc chưa xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường.
|
Nước thải được xả trực tiếp ra kênh Tham Lương - Ảnh: P.T. |
Đơn cử, tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án Vệ sinh môi trường (giai đoạn 1) đã được hoàn thành với dự kiến thu gom toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu dân ở bảy quận ven kênh. Tuy nhiên, do chưa hoàn thành giai đoạn 2 (xây nhà máy xử lý nước thải) nên khi đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), nước thải chỉ được lược bớt rác và pha loãng trước khi bơm ra sông Sài Gòn.
Như vậy, việc xử lý nước thải ở đây chỉ đơn thuần là “đưa ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác”, bởi dù được pha loãng nhưng nước thải vẫn góp phần gây ô nhiễm trở lại cho sông và các kênh rạch. Mặt khác, do hệ thống cống thu gom nước thải của dự án được đấu nối với hệ thống cống thoát nước mưa, nên khi mưa lớn, nước mưa hòa lẫn nước thải tràn ra kênh, dần dần gây ô nhiễm.
Tương tự, đối với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 1) mới chỉ xử lý nước thải cho lưu vực 1.000ha tại các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10, 11; còn lưu vực rộng 2.000ha thuộc các quận 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và H.Bình Chánh vẫn phải chờ triển khai giai đoạn 2. Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng chưa có nhà máy xử lý nước thải. Do đó, phần lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân dọc các kênh này đều đổ trực tiếp ra kênh, gây ô nhiễm.
Theo giáo sư Lê Huy Bá, nếu không hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt các nguồn nước thải (nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) và không có giải pháp xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường thì không thể giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch ở TPHCM.
Chờ các nhà máy xử lý nước thải hoàn thành
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, TPHCM đang thiếu trầm trọng nhà máy xử lý nước thải. Theo quy hoạch, ở 12 lưu vực thoát nước, sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải nhưng đến nay, chỉ có ba nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất.
Trong đó, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) có công suất 141.000m3/ngày, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa có công suất 30.000m3/ngày, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) có công suất 131.000m3/ngày nhưng mới khai thác được khoảng 15% công suất thiết kế. Như vậy, cùng với bốn trạm xử lý nước thải phi tập trung, hiện toàn thành phố chỉ xử lý được hơn 316.000m3 trong tổng số hơn 3 triệu m3 nước thải/ngày, đạt tỷ lệ hơn 10%.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý nước thải kém hiệu quả là do đầu tư không đồng bộ. Chẳng hạn, có nơi xây xong hệ thống cống bao thu gom thì chưa xây nhà máy xử lý nước thải (như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), có nơi xây xong nhà máy xử lý nước thải thì lại chưa có hệ thống cống bao thu gom, chuyển tải nước thải về nhà máy (dự án Tham Lương - Bến Cát).
Ðây là nguyên nhân khiến hai chỉ tiêu của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 (được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) không hoàn thành, đó là đạt 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và giảm 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM hiện đang xây dựng một số công trình, gồm hệ thống thu gom cho nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2), nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ xử lý được lượng nước thải gần 1,4 triệu m3/ngày, đạt tỷ lệ 45%. Ban cũng đang phấn đấu để đạt mục tiêu xử lý nước thải theo quy hoạch của Thủ tướng và quyết định của UBND TPHCM là đến 2025, có 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường (2.580.000m3/ngày) và từ năm 2026 - 2030, tầm nhìn đến 2045, phấn đấu có 95% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý.
Cần hơn 34.600 tỷ đồng xây nhà máy xử lý nước thải Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, từ nay đến 2025, UBND thành phố kêu gọi đầu tư năm nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 34.600 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công tư (PPP), gồm: nhà máy xử lý nước thải lưu vực phía tây thành phố tại Q.Bình Tân, công suất 300.000m3/ngày, vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1 tại TP.Thủ Đức, công suất 170.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến 5.544 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 2 tại TP.Thủ Đức, công suất 130.000m3/ngày, tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải lưu vực rạch Cầu Dừa tại H.Hóc Môn, công suất 100.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Tây Bắc tại H.Củ Chi, công suất 130.000m3/ngày, tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng. |
Phương Thanh