Ô nhiễm không khí - thủ phạm gia tăng bệnh hô hấp, da liễu

06/11/2024 - 15:36

PNO - Nhiều bệnh viện tại Hà Nội đã ghi nhận số bệnh nhân mắc bệnh về da, hô hấp gia tăng trong thời điểm giao mùa kết hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Bệnh da, hô hấp tăng

Bác sĩ Vũ Thái Hà thăm khám da và tóc cho bệnh nhân
Bác sĩ Vũ Thái Hà thăm khám da và tóc cho bệnh nhân

Sau thời gian dài điều trị da do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc chứa corticoid, chị H.T.H.V. (38 tuổi, TP Hà Nội) mới cải thiện được tình trạng giãn mao mạch. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, khi Hà Nội chuyển mùa, mặt chị lại xuất hiện nhiều sẩn, mụn mủ ở vùng mũi, trán, má. Vùng tổn thương ửng đỏ, phù nề và nhìn rõ các mạch máu. Các vùng da không có mụn khô ráp, căng nứt khó chịu. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị V. được chẩn đoán mắc bệnh “trứng cá đỏ”, mà một trong những tác nhân gây ra do ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - cho biết, Hà Nội vừa trải qua nhiều ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức cảnh báo từ xấu tới nguy hại. Thêm vào đó, thời tiết vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp đã tạo điều kiện cho bệnh về da gia tăng.

Các bệnh thường gặp là căng da, nứt nẻ, mẩn ngứa, ửng đỏ kéo dài. Với các trường hợp da mẫn cảm, đang trong quá trình làm đẹp (peel da, meso), da từng chịu tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid…, mức độ bệnh càng nặng nề. Ô nhiễm không khí cũng tác động, khiến nhiều bệnh nhân rụng tóc hơn.
Khoảng hơn 1 tháng nay, bà V.K.D. (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) thường rơi vào tình trạng khó thở, ho rít, nhiều đờm. Bà D. mắc bệnh phổi mạn tính, duy trì thuốc đều đặn. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa, ô nhiễm không khí làm bệnh của bà tăng nặng. “Những ngày bụi mờ mịt như sương, phổi tôi có cảm giác rất khó chịu, thở khó, tay chân như rụng rời, ăn ngủ đều kém” - bà D. kể với bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Trì.

Bác sĩ Hoàng Văn Tú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì) - chia sẻ, ô nhiễm không khí tác động rõ rệt tới các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như phổi, tim mạch. Thời gian qua, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng lên. Các triệu chứng thường gặp là ho, tức ngực, khó thở. Những bệnh nhân tim mạch thường có chỉ số tim từ 120-140 lần/phút, xuất hiện các cơn khó thở dữ dội.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Kim Dung - Trưởng khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Xanh Pôn) - nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là một trong những “thủ phạm” gây ra kích ứng mũi, họng, nhiễm trùng mắt, dị ứng mề đay. Thống kê của bệnh viện từ đầu năm nay cho thấy, vào thời điểm ô nhiễm không khí tăng, số lượng trẻ đến khám liên quan tới bệnh hô hấp, bệnh về da có xu hướng tăng.

Mối đe dọa sức khỏe hàng đầu

Theo bác sĩ Phan Thị Kim Dung, bụi mịn PM2.5 có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và cả mạch máu gây ra tác động nghiêm trọng trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Bên cạnh những bệnh nhìn thấy ngay, bệnh mạn tính như hô hấp, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm xoang… có thể âm thầm diễn ra.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, bụi mịn thâm nhập sâu vào phổi, hệ thống tim mạch có thể gây ra các bệnh đột quỵ, tim, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hằng năm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Đáng lưu ý, ô nhiễm không khí có thể tác động đến cả thai nhi. Các loại khí, bụi tác động tới quá trình phát triển của phổi khiến trẻ sau khi sinh có các biểu hiện bệnh hô hấp rõ ràng và thường xuyên hơn.

Liên quan tới các bệnh về da, bác sĩ Vũ Thái Hà phân tích: “Độ ẩm không khí thấp khiến da hanh khô. Da không chỉ xấu hơn mà còn mất đi lớp bảo vệ, khiến dị nguyên từ môi trường, đặc biệt là bụi mịn dễ dàng xâm nhập. Do đó, da nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn”.

Với một số trường hợp da nhạy cảm, do lớp bảo vệ bị mất đi nên bệnh nhân dùng bất cứ sản phẩm nào, kể cả dưỡng ẩm cũng có thể gây ra phản ứng, tạo ra tình trạng viêm trứng cá đỏ. Đây là bệnh phải chăm sóc kỹ, điều trị lâu dài. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ lựa chọn sản phẩm giảm đỏ để giảm phản ứng của da, dùng thuốc để cải thiện tình trạng giãn mạch. Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ phải tính tới các biện pháp như laser, tiêm botox…

Trong những ngày chất lượng không khí ở mức rất xấu và nguy hại, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài, khuyến khích hoạt động trong nhà. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao nên sử dụng khẩu trang ngăn ngừa bụi mịn. Nên vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bác sĩ Vũ Thái Hà khuyến cáo mọi người chú trọng làm sạch da, cấp ẩm cho da thường xuyên để “gia cố” lớp hàng rào bảo vệ. Khi xuất hiện tổn thương da nghiêm trọng, bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, tránh tự ý bôi các loại thuốc, mỹ phẩm được quảng cáo tràn lan trên mạng, không rõ nguồn gốc.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI