Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim

01/05/2023 - 18:52

PNO - Một nghiên cứu dựa trên gần 200.000 ca nhập viện ở Trung Quốc cho thấy nguy cơ rối loạn nhịp tim tăng đáng kể trong vài giờ đầu sau khi mức độ ô nhiễm không khí gia tăng.

 

Các nhà nghiên cứu đã phân tích nồng độ của sáu chất gây ô nhiễm không khí từ các trạm giám sát gần bệnh viện nhất ở 322 thành phố của Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu đã phân tích nồng độ của 6 chất gây ô nhiễm không khí từ các trạm giám sát gần bệnh viện nhất ở 322 thành phố của Trung Quốc

Nghiên cứu bao gồm dữ liệu của 190.115 bệnh nhân nhập viện tại 322 thành phố của Trung Quốc, những người bị rối loạn nhịp tim khởi phát đột ngột như rung tâm nhĩ, cuồng động nhĩ, ngoại thu tâm thất và nhịp nhanh trên thất.

Tiến sĩ Renjie Chen của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi thấy rằng việc tiếp xúc cấp tính với ô nhiễm không khí có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim. Những rủi ro xảy ra trong vài giờ đầu tiên sau khi tiếp xúc và có thể tồn tại đến 24 giờ”. Đáng chú ý, rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột tử do tim.

Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí. Các nhà nghiên cứu đã phân tích nồng độ của 6 chất gây ô nhiễm không khí từ các trạm giám sát gần nhất với các bệnh viện tham gia báo cáo.

Trong số này, nitrogen dioxide (NO2) có mối liên hệ mạnh nhất với cả 4 loại rối loạn nhịp tim. Tác động chính xác của ô nhiễm không khí là không rõ ràng, nhưng có một số bằng chứng cho thấy nó gây ra stress, oxy hóa và viêm, có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện tim.

Các tác giả viết: “Mặc dù các cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu đầy đủ, mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sự khởi phát cấp tính của rối loạn nhịp tim mà chúng tôi quan sát được là hợp lý về mặt sinh học”.

Khi công bố báo cáo trên Tạp chí Hiệp hội Y tế Canada, nhóm tác giả cho biết, những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết trong việc bảo vệ những người có nguy cơ hít thở không khí ô nhiễm nặng và giảm mức độ phơi nhiễm tổng thể.

Một nghiên cứu ở Mỹ vào năm 2022 cũng báo cáo mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí dạng hạt mịn và rối loạn nhịp tim ở thanh thiếu niên khỏe mạnh, đồng thời xác nhận rằng điều này dẫn đến nguy cơ sức khỏe đáng quan tâm. Nghiên cứu cũng gợi ý rằng rủi ro tăng gần như tuyến tính theo mức độ ô nhiễm mà không có ngưỡng an toàn rõ ràng.

Một nghiên cứu trước đây cho thấy vào những ngày ô nhiễm cao ở Anh, hàng trăm người được đưa vào bệnh viện để cấp cứu sau khi bị ngừng tim, đột quỵ và lên cơn hen suyễn. Vào năm 2020, Quỹ Tim mạch Anh ước tính hơn 160.000 người có thể chết trong thập niên tới do đột quỵ và đau tim liên quan đến ô nhiễm không khí.

Các tác động sức khỏe còn vượt ra ngoài bệnh tim, với nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí dạng hạt đang làm tăng tỷ lệ ung thư phổi, bằng cách đánh thức các đột biến không hoạt động kích hoạt sự phát triển của khối u.

Tấn Vĩ (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI