Ô nhiễm không khí làm COVID-19 trầm trọng hơn

14/07/2021 - 09:22

PNO - Không cấp bách như đại dịch COVID-19 nhưng câu chuyện biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí lại là “thủ phạm giết người thầm lặng” mà không phải ai cũng để ý đến.

Vài năm gần đây, các chuyên gia, nhà khoa học luôn thúc giục toàn cầu quan tâm đến chuyện biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí bên cạnh đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều quốc gia và rất nhiều tỷ phú đổ tiền để khắc phục hậu quả, cứu lấy bầu trời. 

Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) được coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) được coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Có một con số đáng quan tâm rằng, trải qua một năm rưỡi chống chọi với đại dịch, số người tử vong được thống kê là trên 4 triệu, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, khi mà mỗi năm nó cướp đi khoảng 7 triệu sinh mạng.

WHO chỉ ra rằng, cứ mười người thì có chín người hít thở không khí ô nhiễm, gây ra nguy cơ đột quỵ, ung thư phổi. Theo nghiên cứu từ một trong những thành phố ô nhiễm nhất của Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Brazil thì không khí bẩn góp phần vào mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

“Đại dịch vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, đồng thời, mức độ ô nhiễm tăng vọt chắc chắn sẽ khiến số người nhiễm COVID-19 tăng và chuyển biến nghiêm trọng hơn”, tiến sĩ Suranjit Chatterjee, Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi, cho biết.

Nghiên cứu của Đại học Harvard trên 3.000 quận tại Mỹ cho thấy mức độ ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19. Ông Chatterjee cũng cảnh báo về điều này khi cho rằng ô nhiễm không khí có thể làm viêm nhiễm hoặc phá hủy các tế bào, gây ra bệnh tim, đột quỵ, hen suyễn...

Các nhà khoa học cũng đã thu thập số liệu trên toàn cầu cho thấy, người lớn nhập viện vì COVID-19 ở khu vực có tình trạng ô nhiễm không khí càng nặng thì khả năng cần chăm sóc đặc biệt và thở máy càng cao. 

Tiến sĩ Anita Shallal, Bệnh viện Henry Ford (TP. Detroit, Mỹ), khẳng định việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch và khiến nó dễ bị nhiễm virus hơn, trong khi các hạt mịn trong không khí ô nhiễm cũng có thể hoạt động như một vật mang virus và giúp nó lây lan nhanh hơn, nhất là khi các biến thể đột biến ngày càng nhiều. 

Lệ Chi (theo Reuters, The Guardian, India Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI