Ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm

04/03/2024 - 06:21

PNO - 7 triệu người chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, vấn đề này chưa bao giờ được toàn cầu công nhận giống như AIDS, bệnh lao và sốt rét…

Các nhà vận động chống lại ô nhiễm không khí và các chuyên gia y tế đang bày tỏ sự lo ngại về tác hại của ô nhiễm không khí và kêu gọi thế giới có giải pháp cải thiện. Christa Hasenkopf - Giám đốc chương trình không khí sạch tại Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago (Mỹ) - cho biết: ô nhiễm không khí có tác động đến sức khỏe lớn hơn nhiều so với các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe khác. Đó là nguyên nhân góp phần gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm do các bệnh như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư hoặc viêm phổi. Con số này vượt quá con số 630.000 người chết vì AIDS vào năm 2022 và 608.000 người chết vì bệnh sốt rét trong cùng năm đó hay 1 triệu người chết hằng năm do bệnh tiêu chảy.

Bức tranh tường mô tả tình trạng ô nhiễm không khí ở Mumbai, Ấn Độ  - một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất về tình trạng này  - Ảnh: Indranil Aditya/NurPhoto/Shutterstock
Bức tranh tường mô tả tình trạng ô nhiễm không khí ở Mumbai, Ấn Độ - một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất về tình trạng này - Ảnh: Indranil Aditya/NurPhoto/Shutterstock

Sunil Dahiya - nhà phân tích Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch - cho biết: “Đó là một chất độc tấn công chúng ta từ từ, chầm chậm. Chúng ta đang dần tiến tới cái chết và vì tính chất diễn biến chậm của đại dịch này, chúng ta đã không thể ứng phó với nó theo cách đáng ra phải làm”.

Theo quỹ Không khí sạch, hiện chưa có đến 1% tổng tài chính phát triển quốc tế và tài trợ từ thiện dành cho vấn đề cải thiện ô nhiễm không khí. Hiện Chad, Iraq và Pakistan là 3 quốc gia được xem là có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. “Nếu giải quyết được ô nhiễm không khí, sẽ giảm được nhiều bệnh không lây nhiễm (NCD)” - Sean Maguire - Giám đốc quan hệ đối tác chiến lược của quỹ này - cho biết.

Theo Diane Archer - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) - trọng tâm là phải giảm ô nhiễm không khí ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cộng hòa Dân chủ Congo đã nhận thấy tuổi thọ giảm khoảng 3 năm do chất lượng không khí kém. Nhà nghiên cứu Paulson Kasereka Isevulambire - Trung tâm Nghiên cứu châu Phi về chất lượng không khí và khí hậu, đang nghiên cứu mối liên hệ giữa NCD và ô nhiễm ở Congo - cho biết cần phải nhận thức rõ hơn về vấn đề này: “Giống như cách tiếp cận đã được áp dụng cho bệnh AIDS, bệnh sốt rét và bệnh lao và đã thành công, đó cũng có thể là trường hợp áp dụng cho quỹ toàn cầu về ô nhiễm không khí”.

Peter Baker - Phó giám đốc chương trình chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận ở Mỹ - đề nghị: “Các nước nên cắt giảm vấn đề ô nhiễm do giao thông, sử dụng năng lượng và cơ sở hạ tầng”. Nhà nghiên cứu Isevulambire kêu gọi: “Cần thêm nhiều nghiên cứu, dữ liệu về vấn đề này để toàn cầu nhanh chóng bắt tay đẩy lùi nó”. 

Thu Thanh (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI