Ô nhiễm không khí giảm thiểu khi các quốc gia tiến hành phong toả để phòng, chống COVID-19

30/03/2020 - 12:06

PNO - Tại nhiều thành phố lớn ở châu Âu, tình trạng ô nhiễm không khí đã giả đáng kể trong những ngày qua khi đất nước bị phong toả.

Từ ngày 5-25/3, nồng độ nitơ dioxite (NO2, chất gây ô nhiễm không khí) đã giảm thiểu đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (thông qua những hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-5 ghi lại) tại các thành phố lớn của châu Âu như: Brussels, Paris, Madrid, Milan và Frankfurt. 

Thời gian này cũng trùng hợp với thời điểm các quốc gia tiến hành phong toả để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi. Điều đó hạn chế việc di chuyển bằng giao thông đường bộ cũng như hoạt động của các nhà máy, những nguồn tạo ra NO2 lớn nhất.

Những hình ảnh mới do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố và được phân tích bởi Liên minh Sức khỏe cộng đồng châu Âu (EPHA) cho thấy mật độ NO2 trong không khí thay đổi đáng kể. Dữ liệu được đưa ra từ trung bình của 20 ngày ghi nhận. 

Không khí trong lành của Brussels, Bỉ vào ngày 27/3
Không khí trong lành của Brussels, Bỉ vào ngày 27/3

Dữ liệu từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho thấy xu hướng tương tự từ ngày 16-22/3. Cụ thể, tại Madrid, nồng độ NO2 trung bình giảm 56% mỗi tuần sau khi chính phủ Tây Ban Nha phong toả toàn quốc từ ngày 14/3.

Tuy nhiên, tại Ba Lan, nồng độ NO2 vẫn khá cao. Nguyên nhân được cho là từ việc sử dụng hệ thống lò sưởi.

Hồi tháng 2, Trung Quốc cũng ghi nhận sự sụt giảm nồng độ NO2 ở các thành phố khi chính phủ áp đặt các biện pháp phong toả để ngăn chặn dịch bệnh hoành hành. 

EPHA cho biết những người sống ở các thành phố bị ô nhiễm có thể có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn vì việc tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Zoltan Massay-Kosubek, người quản lý chính sách về không khí sạch tại EPHA cho biết: “Mối liên hệ giữa chất lượng không khí và khả năng nhiễm bệnh viêm phổi là có thể. Nhưng căn bệnh này mới xuất hiện nên phải cần chứng minh thêm”.

Ô nhiễm không khí có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư phổi, các vấn đề của hệ hô hấp và đột quỵ. Theo dữ liệu từ EEA, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 400.000 ca tử vong mỗi năm ở châu Âu.

Thuỳ Anh (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI