PNO - Mặc dù số ca nhập viện do bệnh hô hấp, đột quỵ tăng đột biến trong những đợt ô nhiễm không khí, nhưng theo chuyên gia, đây vẫn chưa phải là những tác động nặng nề nhất mà con người sẽ phải gánh chịu nếu không có những biện pháp bảo vệ môi trường sống.
Chuyên gia chỉ ra ô nhiễm không khí có thể làm kéo dài thời gian điều trị bệnh hô hấp ở trẻ (ảnh minh họa)
Bệnh nhân gia tăng trong ngày ô nhiễm không khí
Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy, số lượng bệnh nhân tới khám liên quan tới hô hấp gia tăng đột biến trong những đợt ô nhiễm không khí. Theo tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thanh Vân, phòng khám Nhi Bệnh viện Phổi Trung ương, chưa thể khẳng định bệnh nhân mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vào thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh kết hợp ô nhiễm không khí nặng thì lượng bệnh nhân tăng lên so với thông thường. Cụ thể, trong đợt ô nhiễm không khí cuối năm 2020, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 40-50 trẻ tới khám. Trong đó, có nhiều bệnh nhân tái hen, khò khè cũng như viêm phổi…
Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính Bệnh viện Phổi Trung ương, thông tin, trên thế giới, mỗi năm có 7 triệu người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí (trong đó liên quan đến 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi), 4 triệu trường hợp tử vong do nhiễm trùng hô hấp dưới. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong 12 nước có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới. Đây là một trong những yếu tố tác động, kết hợp làm khởi phát cấp tính các bệnh lý hô hấp như hen phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các nhiễm trùng hô hấp cấp tính…
Lý do, phổi là cơ quan tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với không khí. Khi không khí bị ô nhiễm, quá trình trao đổi chất sẽ bị ảnh hưởng, gây viêm mạn tính, giải phóng các gốc tự do làm các tế bào suy giảm. Cũng theo các chuyên gia, trong điều kiện chất lượng không khí suy giảm, những người có cơ địa dị ứng có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức, những người mắc các bệnh mạn tính cũng có nguy cơ tái phát, diễn tiến nặng hơn bình thường…
“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người hiện tại sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Ô nhiễm không khí và những con số “biết nói”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, chuyên gia môi trường có nhiều năm theo đuổi vấn đề ô nhiễm không khí, cho biết đang tiến hành một nghiên cứu, đánh giá về tác động của tình trạng này tới sức khỏe của người dân TP.Hà Nội và dự kiến có kết quả trong nửa đầu năm 2021. Nghiên cứu sẽ chỉ ra tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe của người dân Hà Nội ở những khu vực khác nhau, dựa trên số liệu thống kê tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội.
Vị chuyên gia này khẳng định, ô nhiễm không khí, trong đó bụi mịn (PM 2.5), bụi siêu mịn (PM 1) và khí NO2 là những yếu tố tác động mạnh nhất tới sức khỏe của người dân. Trong đề tài Tác động ô nhiễm không khí lên số ca nhập viện ở trẻ em Hà Nội được tiến sĩ Nhung quan sát, thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian từ năm 2009-2014 cho thấy, số trẻ nhập viện do đường hô hấp trên gia tăng trong những đợt ô nhiễm không khí và tỷ lệ này giảm đi khi chất lượng không khí được cải thiện. Các căn bệnh chủ yếu có liên quan bao gồm bệnh phổi, phế quản và hen phế quản.
Kết quả cũng nêu ra, tác động này ở trẻ em lớn (1-5 tuổi) cao hơn trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi). Sự gia tăng nồng độ ô nhiễm O3 (ozone) có thể kéo dài thời gian nằm viện do bệnh hô hấp dưới của trẻ em Hà Nội. Đặc biệt, khi lượng khí NO2 - từ nguồn phát thải là xăng xe máy, dầu ô tô tăng lên 60µg/m3 thì số ca nhập viện lại tăng thêm một ca. Tiến sĩ Nhung khẳng định: “Kết quả nghiên cứu đã xác nhận mối liên quan chặt chẽ giữa ô nhiễm không khí bên ngoài và sự gia tăng số ca nhập viện của trẻ em TP.Hà Nội”.
Bên cạnh đó, trong đề tài nghiên cứu Ô nhiễm không khí liên quan đến số ca nhập viện do tim mạch, hô hấp được thực hiện tại ba tỉnh, thành là Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh trong thời gian 2009-2016, tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung cũng chỉ ra tỷ lệ thuận giữa việc gia tăng bụi mịn và số ca nhập viện vì đột quỵ. Cụ thể, khi PM 2.5 tăng lên 65µg/m3, số ca nhập viện do đột quỵ cũng tăng tới 15%. “Ngoài ra, tại Phú Thọ, chúng tôi còn phát hiện được khí SO2 - dù chưa xác định được nguồn thải. Khí này gây ảnh hưởng tới tuần hoàn máu và tác động tới tim mạch của người dân khi trực tiếp hít phải”, tiến sĩ Nhung cảnh báo.
Cũng theo vị chuyên gia môi trường, số ca nhập viện liên quan tới ô nhiễm môi trường vẫn chưa chỉ ra tác động nặng nề nhất: “Một đứa trẻ nếu lớn lên trong điều kiện ô nhiễm không khí, phổi phải tiếp xúc lâu dài với bụi mịn, bụi siêu mịn thì nguy cơ sẽ dẫn tới các bệnh phổi mạn tính. Số ca nhập viện tăng cũng đồng nghĩa với việc suy giảm sức khỏe lao động và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Đây là những điều chưa nhìn thấy ngay được nhưng có tác động đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em”.
Sử dụng phương tiện công cộng để giảm phát thải
Để phòng tránh tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài khi không có việc cần thiết, đóng cửa sổ để làm giảm tác động của bụi mịn. Lưu ý, không nên để người già và trẻ em tập thể dục hay vui chơi ngoài trời vào thời điểm không khí ô nhiễm nặng. Điều quan trọng nhất, mỗi cá nhân cần có ý thức để hạn chế phát thải bằng cách sử dụng các phương tiện công cộng.
Tiến sĩ Nhung nói: “Chính phủ cần vào cuộc để xử lý vấn đề này. Để nâng cao ý thức cá nhân, đây là vấn đề khó thực hiện trong ngày một, ngày hai mà phải cải thiện dần dần từ gốc. Nói cách khác, phải đưa vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường, không khí vào nhà trường thật sớm để hình thành thái độ ứng xử chuẩn mực ngay từ thế hệ nhỏ tuổi”.
Vị chuyên gia cũng nêu vấn đề khiến bà trăn trở trong thời gian gần đây, đó là việc lạm dụng dịch vụ giao hàng nhanh. “Như chúng ta đã biết, NO2 được phát thải chủ yếu từ phương tiện giao thông. Trong khi đó, các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn nhanh hiện rất phổ biến với mức phí rẻ, nhiều người sử dụng. Nhưng hầu hết chưa nhận thức được, dịch vụ góp phần làm chất lượng không khí ngày càng xấu hơn”, tiến sĩ Nhung chia sẻ và kiến nghị cần gia tăng mức phí, trong đó có phí môi trường để hạn chế người dân sử dụng dịch vụ này.