Ô nhiễm không khí của Trung Quốc tồi tệ hơn trước đại dịch

19/05/2020 - 08:02

PNO - Tháng trước, Trung Quốc đã chấm dứt cách ly xã hội sau khi khống chế được virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, động thái này cũng kết thúc thời gian “tốt đẹp” về môi trường ngắn ngủi ở nước này và tình trạng ô nhiễm không khí đang quay trở lại với mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ô nhiễm không khí của Trung Quốc hiện tồi tệ hơn trước đại dịch - Ảnh: AP
Ô nhiễm không khí của Trung Quốc hiện tồi tệ hơn trước đại dịch - Ảnh: AP

Trang mạng môi trường quốc tế Earther-Gizmodo dẫn một báo cáo đề ngày 18/5 của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Không khí sạch (CRECA), một tổ chức theo dõi ô nhiễm không khí độc lập, cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng trở lại trên khắp Trung Quốc và vượt mức ô nhiễm cùng kỳ năm ngoái sau khi nước này dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội.

Kết quả khảo sát cho thấy ô nhiễm phần lớn do các nhà máy nhiệt điện than. Than chứa lưu huỳnh, vì vậy khi nhiên liệu hóa thạch được đốt cháy, lưu huỳnh được giải phóng tương tác với oxy trong không khí và tạo ra lưu huỳnh điôxit (SO2), một chất gây ô nhiễm môi trường, là nguồn gốc của mưa axit ăn mòn các công trình, phá hoại cây cối, biến đất đai thành vùng hoang mạc. Khí SO2 gây bệnh cho người như viêm phổi, đau mắt, viêm đường hô hấp.

Hiện tượng tăng đột biến ô nhiễm không khí tương tự đã quan sát thấy sau các cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc liên quan đến dịch SARS năm 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cả hai lần, Trung Quốc đều ưu tiên các dự án xây dựng “bẩn” và đốt than để khởi động nền kinh tế.

Tuy nhiên, cả hai thời điểm đột biến ô nhiễm trên đều xuất hiện trước khi Trung Quốc phát động chiến dịch cải thiện chất lượng không khí quy mô lớn từ năm 2014. Trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã thành công trong việc thực hiện chương trình môi trường này. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy sáu trong số các chính sách cải thiện chất lượng không khí đã mang lại sự sống cho hơn 400.000 người gặp nguy hiểm vì ô nhiễm không khí trong năm 2017. Nay Trung Quốc dường như thụt lùi trở lại.

Ô nhiễm không khí tác động mạnh đến sức khỏe cộng đồng, tình hình này trở nên cấp thiết khi cuộc khủng hoảng COVID-19 còn chưa kết thúc. Tỉnh Cát Lâm đã cách ly xã hội trở lại sau khi xuất hiện 34 ca nhiễm mới và một trường hợp tử vong.

Nghiên cứu cũng xác định mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tỷ lệ tử vong do bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp. Ở Trung Quốc, sự gia tăng ô nhiễm không khí có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của những người tiếp xúc với virus.

Suy giảm chất lượng không khí báo hiệu rằng Trung Quốc có thể không áp dụng cách tiếp cận năng lượng sạch để khôi phục nền kinh tế. Điều đó thật đáng tiếc vì đại dịch không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất “làm kiệt sức thế giới”. Thế giới phải chung tay chống sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Thực hiện các chính sách và biện pháp hạn chế khí thải không chỉ cần thiết về mặt lý thuyết, nó còn giúp cho nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI