Ô nhiễm khói từ cháy rừng có thể giết chết 12.000 người mỗi năm

22/10/2024 - 06:28

PNO - Hiện tượng nóng lên toàn cầu làm tăng nguy cơ tử vong do hít phải khói từ các vụ cháy rừng ở Úc, Nam Mỹ, châu Âu và một số khu vực châu Á.

Cháy rừng tác động lớn đến sức khỏe con người - Ảnh: EPA
Cháy rừng tác động lớn đến sức khỏe con người - Ảnh: EPA

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến nhiều diện tích hành tinh bị thiêu rụi bởi cháy rừng, đồng thời có thể khiến thêm 12.000 người tử vong mỗi năm do hít phải khói.

Cụ thể, nghiên cứu mô hình cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đặc biệt làm tăng nguy cơ tử vong do khói cháy rừng ở Úc, Nam Mỹ, châu Âu và các khu rừng phương bắc của châu Á.

Từ năm 2003 đến năm 2019, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm tăng diện tích hành tinh bị đốt cháy gần 16%.

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, chỉ ra tác động lớn của việc thải khí nhà kính vào khí quyển là nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng, bên cạnh các hành động khác của con người như khai hoang đất.

Nghiên cứu do tiến sĩ Chae Yeon Park (thuộc Viện Nghiên cứu môi trường Quốc gia Nhật Bản) đứng đầu ước tính, trong những năm 2010 có gần 100.000 người tử vong do hít phải khói từ các đám cháy có chứa các hạt nhỏ, được gọi là PM2.5, có thể xâm nhập vào phổi và máu.

Trong khi đó, giáo sư Hilary Bambrick (Đại học Quốc gia Úc) cũng cho biết hàng triệu người ở Úc đã phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm nguy hiểm và kéo dài, từ khói trong các vụ cháy rừng "mùa hè đen" năm 2019 và 2020.

Bambrick - người không tham gia vào nghiên cứu - nhấn mạnh: "Điều này đã gây ra hàng trăm ca tử vong vào thời điểm đó và có thể sẽ gây ra hậu quả lâu dài về sức khỏe cho nhiều người".

Một nghiên cứu riêng biệt của các nhà khoa học từ Anh và Bỉ cũng phát hiện ra tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, đặc biệt là ở Úc, Siberia và các thảo nguyên châu Phi.

Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI