Ô nhiễm bủa vây làng đại học TPHCM

10/07/2020 - 08:21

PNO - Theo kết quả quan trắc mới đây, nguồn nước ở rạch Suối Nhum chảy qua khu Đại học Quốc gia TPHCM (phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh cao. Trên bờ con rạch này, những đống rác lộ thiên đang là nỗi ám ảnh với nhiều người.

Ô nhiễm từ trên bờ xuống dưới rạch

Ông Ba Thiên - người dân sống lâu năm ở khu Đại học Quốc gia TPHCM (tên thường gọi là làng đại học TPHCM) - cho biết, hơn chục năm về trước, người ta có thể xuống tắm ở rạch Suối Nhum. Nhưng bây giờ, chỉ riêng việc lội xuống rạch cũng ít người dám do nguồn nước quá ô nhiễm. “Mùa mưa còn đỡ, mùa nắng đứng trên bờ là ngửi ngay mùi hôi nồng nặc từ dưới rạch bốc lên. Có những lúc, nước dưới rạch đổi màu, lội nước về bị ngứa da kinh khủng” - ông Thiên nói.

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM mới đây, ở thượng nguồn và hạ nguồn rạch Suối Nhum bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh khá cao. Trong đó, hàm lượng COD vượt từ 2,59 đến 8,78 lần, hàm lượng amoni vượt từ 14,39 đến 16,10 lần, hàm lượng coliform vượt từ 6,88 đến 10,96 lần…

Người dân sống quanh làng đại học TPHCM cho biết, càng về phía hạ nguồn rạch Suối Nhum, nguồn nước bị ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Rạch Suối Nhum chảy từ hướng tỉnh Bình Dương qua làng đại học và kết thúc ở Quốc lộ 1 với chiều dài 3.824m. Sau đó, nguồn nước ở rạch này sẽ hợp lưu với suối Xuân Trường đổ vào rạch Suối Cái thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM.

Như vậy, sự ô nhiễm nguồn nước ở rạch Suối Nhum tác động rất lớn đến đời sống người dân ở TPHCM. “Ngoài rạch Suối Nhum, nhiều con mương nhỏ quanh đây cũng bị ô nhiễm do nạn xả nước thải vô tội vạ ra kênh rạch, bao gồm nước thải sinh hoạt, chăn nuôi” - chị Nguyễn Thị Hòa, ở quận Thủ Đức, nói.

Đi dọc theo bờ rạch Suối Nhum và những con mương quanh làng đại học, chúng tôi đếm được hàng chục đống rác lộ thiên. Những đống rác này thường nằm ở khu vực tiếp giáp với nhà dân. Trước những quán ăn gần ký túc xá sinh viên, rác chất đống cao nghệu với đủ loại, từ túi ni-lông đến thức ăn thừa. Không khó để bắt gặp cảnh người dân chở những bao rác lớn vứt xuống những đống rác đã hình thành sẵn khiến núi rác ngày càng cao thêm.
 

Nước thải và rác thải gây ô nhiễm khu vực làng đại học TP.HCM, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân và sinh viên
Nước thải và rác thải gây ô nhiễm khu vực làng đại học TPHCM, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân và sinh viên

Xử lý ô nhiễm thế nào?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rạch Suối Nhum là nơi tiếp nhận nước mưa, nước thải từ phường  Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương và một phần từ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM. Tổng lưu lượng nước thải xả vào rạch Suối Nhum khoảng 2.700 đến 2.800m3/ngày, bao gồm nước mưa, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư của các phường nêu trên và nước thải từ khu B ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.

Riêng lưu vực rạch Suối Nhum chảy qua Đại học Quốc gia TPHCM có diện tích khoảng 105ha tiếp nhận nước thải của khoảng 40.000 sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM và 7.000 sinh viên của Trường đại học Kinh tế - Luật. Hiện tại, ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM đã đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất 2.000m3/ngày nhưng lượng nước thải từ ký túc xá Trường đại học Kinh tế  - Luật chưa được thu gom, xử lý.

Ngoài ra, tại khuôn viên của Đại học Quốc gia TPHCM, các hộ dân sống hai bên rạch Suối Nhum chưa bàn giao mặt bằng cho trường, đa phần làm nông nghiệp (trồng rau, chăn nuôi gia súc) và xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi trực tiếp xuống lưu vực rạch Suối Nhum.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 2.500m3/ngày tại ký túc xá Trường đại học Kinh tế - Luật để giảm thải ô nhiễm.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khuyến nghị, Đại học Quốc gia TPHCM cần tăng cường quản lý khu vực đất trống do mình quản lý; phối hợp với chính quyền địa phương của TPHCM và tỉnh Bình Dương rà soát, kiểm tra hoạt động của các hộ dân nằm trong khuôn viên chưa bàn giao mặt bằng cho trường, không để nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ khảo sát, thống kê số lượng, lưu lượng các nguồn thải và tuyến thoát nước lưu vực, đảm bảo nước phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường, đảm bảo các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải trên 500m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền kết quả quan trắc về sở nhằm kiểm soát chất lượng nước thải liên tục.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục quan trắc chất lượng môi trường và lắp đặt trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục tại hạ nguồn rạch Suối Nhum theo quy hoạch đã được phê duyệt; cung cấp, chia sẻ thông tin quan trắc môi trường lưu vực cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương theo kế hoạch phối hợp quản lý và kiểm soát ô nhiễm liên tỉnh đã ký kết. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI