‘Ô nhiễm ánh sáng’ là nguyên nhân chính đẩy côn trùng đến ‘ngày tận thế’

23/11/2019 - 16:00

PNO - Con người có thể cứu loài côn trùng bằng cách khá đơn giản: tắt những ánh đèn không cần thiết đi! Bởi theo các đánh giá toàn diện nhất với bằng chứng khoa học, ô nhiễm ánh sáng là yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sinh thái của côn trùng. Ta thấy từ việc sâu bướm chết xung quanh các bóng đèn, hay ánh sáng đèn điện đã phủ khuất tín hiệu giao phối của đom đóm, cho đến hệ chiếu sáng của con người đã khiến côn trùng trở thành con mồi rõ mồn một trước mũi chuột và cóc…

‘O nhiem anh sang’ la nguyen nhan chinh day con trung den ‘ngay tan the’
Hàng ngàn con bướm vây quanh cột đèn pha. Các nhà nghiên cứu cho biết ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sống của côn trùng. Ảnh: Getty Images

Sau khi đánh giá hơn 150 nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận bên cạnh môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm hóa học, các loài xâm lấn và biến đổi khí hậu, thì ánh sáng nhân tạo vào ban đêm đang thúc đẩy sự suy giảm côn trùng. Thế nhưng, nguyên nhân rất quan trọng này lại thường bị bỏ qua và dẫn đến sự tận thế của các loài côn trùng.

Tuy nhiên, không giống như các nguyên nhân khác, ô nhiễm ánh sáng lại tương đối dễ ngăn chặn. Các nhóm nghiên cứu cho biết bằng cách khá đơn giản là tắt những ánh đèn không cần thiết và sử dụng các màu sắc thích hợp hơn sẽ giúp giảm đáng kể tổn thất côn trùng ngay lập tức.

‘O nhiem anh sang’ la nguyen nhan chinh day con trung den ‘ngay tan the’
Một con bọ hung đẩy quả bóng phân của chúng vào ban đêm. Ảnh: National Geographic

Brett Seymoure - nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Washington (St.Louis, Hoa Kỳ) - cho hay, ánh sáng nhân tạo vào ban đêm là thứ ánh sáng do con người tạo ra. Nó có thể là đèn đường cho đến khí đốt từ việc khai thác dầu và đã ảnh hưởng đến côn trùng trong hầu hết mọi khía cạnh sống của loài này.

Một phân tích được công bố trên tạp chí Biological Conservation lưu ý rằng, ánh sáng từ lâu đã được nông dân sử dụng một cách có chủ ý để trấn áp côn trùng. Nhưng khi cơ sở hạ tầng của con người được mở rộng cộng với chi phí chiếu sáng rẻ hơn thì ô nhiễm ánh sáng đã ảnh hưởng đến một phần tư mặt đất trên toàn cầu.

Tác động quen thuộc nhất của ô nhiễm ánh sáng là loài bướm đêm cứ vỗ cánh quanh một bóng đèn vì nhầm nó với mặt trăng. Một phần ba côn trùng bị mắc kẹt trong quỹ đạo của những thứ ánh sáng tương tự và chết trước khi trời sáng do kiệt sức hoặc bị ăn thịt.

Nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy tổn thất ngày càng gia tăng của sâu bướm tại các địa điểm ô nhiễm ánh sáng so với các địa điểm tối hơn. Đèn pha của các loại phương tiện giao thông tạo ra sức hấp dẫn “chết người” cho côn trùng. Ước tính có khoảng 100 tỷ con côn trùng chết vì đèn pha xe mỗi mùa hè ở Đức.

‘O nhiem anh sang’ la nguyen nhan chinh day con trung den ‘ngay tan the’
Nàng bướm “diều hâu” đang bay vào ban đêm ở Hungary. Ảnh: Alamy

Ánh sáng nhân tạo cũng đã cản trở một số loài tìm bạn tình. Bằng chứng rõ ràng nhất là bọ cánh cứng vì chúng có trao đổi tín hiệu phát quang sinh học trong quá trình “tán tỉnh” nhau.

Một số côn trùng lại sử dụng sự phân cực của ánh sáng hòng tìm nguồn nước để sinh sản. Nhưng ánh sáng nhân tạo có thể làm hỏng điều này. Đơn cử các loài sinh vật phù du có vòng đời ngắn ngủi chỉ trong một ngày và chúng tìm thấy bề mặt của nhựa đường và lầm tưởng đó là ánh sáng phân cực nên đã đẻ trứng trên đó. Kết quả tất cả trứng đều chết. Toàn bộ “dân số” của loài đã bị hạ gục trong 24 giờ.

Sự phát triển của côn trùng chưa trưởng thành, chẳng hạn như dế đồng, cũng đã được chứng minh là bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng, làm thay đổi độ dài nhận thức giữa ngày và đêm của chúng.

Đánh giá cho thấy việc tìm kiếm thực phẩm cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng. Côn trùng tránh ánh sáng, ví dụ như loài dế không bay khổng lồ được tìm thấy ở New Zealand, dành ít thời gian tìm kiếm thức ăn ở những khu vực bị ô nhiễm ánh sáng.

Và ai cũng biết, côn trùng là con mồi hấp dẫn đối với nhiều loài. Ô nhiễm ánh sáng đã thúc đẩy sự cân bằng có lợi cho động vật ăn thịt nếu nó biết “bẫy” côn trùng xung quanh nguồn ánh sáng. Nhện, dơi, chuột, chim bờ, tắc kè và cóc mía đều được tìm thấy đã “ra sức” kiếm ăn xung quanh các ngọn đèn.

“Tôi không cho rằng chúng ta cần loại bỏ ánh sáng vào ban đêm. Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ cần sử dụng các phương tiện chiếu sáng một cách khôn ngoan. Đơn giản, tắt đèn không cần thiết là hành động dễ dàng nhất”, ông Seymoure nói.

‘O nhiem anh sang’ la nguyen nhan chinh day con trung den ‘ngay tan the’
Hàng ngàn con đom đóm “nhảy múa” trong rừng tre ở Nhật Bản. Ảnh: Barcroft

Matt Shardlow - Giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện bảo tồn Buglife - cho biết, ô nhiễm ánh sáng có tác động sâu sắc và nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Điều bắt buộc hiện nay là toàn xã hội phải thực hiện các bước đáng kể để làm cho môi trường an toàn hơn cho côn trùng.

“Một mục tiêu quốc gia nhằm giảm ánh sáng, có thể biến thành luật, sẽ là bước tiếp theo thích hợp nhất. Tuy nhiện, hiện hướng dẫn ô nhiễm ánh sáng mới của Chính phủ Anh đã không tính đến cuộc khủng hoảng côn trùng bị diệt vong”, ông nói.

Quốc Ngọc (Theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI