Ô nhiễm ánh sáng: Cái chết đến từ từ

17/06/2016 - 13:27

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, người sống trong môi trường có quá nhiều ánh sáng nhân tạo sẽ khiến cơ thể rối loạn.

Tại TP.HCM, nhiều nơi đèn đường, bảng hiệu quảng cáo sáng rực; trên các công trường, đèn cao áp phát tối đa công suất. Ban ngày, tại các văn phòng, trung tâm thương mại, xí nghiệp, nhà máy, đèn điện cũng liên tục chiếu sáng… Người dân đang phải đối mặt thường xuyên với “sát thủ vô hình” mang tên: ô nhiễm ánh sáng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, người sống trong môi trường có quá nhiều ánh sáng nhân tạo sẽ khiến cơ thể rối loạn. Phụ nữ sống ở khu đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn nhiều lần so với phụ nữ ở nơi tận dụng ánh sáng thiên nhiên.

Giữa "vòng vây" chói lóa

Dù cơn mưa chiều 16/6 đã tạnh, bầu trời sáng trong trở lại nhưng rất nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê dọc đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) vẫn bật đèn sáng choang. Một quán cà phê gần ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu nhân viên không chỉ bật sáng các bảng hiệu mà còn mở bốn bóng đèn sáng lóa treo phía ngoài quán nhằm gây sự chú ý với khách hàng. Cũng trên đường này, cách đó vài trăm mét, một cửa hàng thức ăn nhanh đã sáng rực với hệ thống đèn pha dọc bảng hiệu, cùng hơn 50 bóng đèn chùm bật sáng ngoài sân.

Đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám từ giao lộ Võ Văn Tần đến đường Nguyễn Đình Chiểu, có hơn 30 cửa hàng kinh doanh, quán ăn, ngân hàng... cũng đều bật đèn sáng rực.

O nhiem anh sang: Cai chet den tu tu
Ô nhiễm ánh sáng từ các bóng đèn màu sắc sặc sỡ gây rối loạn thần kinh, cáu gắt, buồn phiền... (ảnh chụp tại quận 10, TP.HCM) - Ảnh: P.Huy

Không khó để thấy ánh sáng nhân tạo được tận dụng triệt để trong các trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Parkson, Aeon Mall... khi đèn led, bảng hiệu được phô trương mọi ngóc ngách nhằm gây chú ý. Vào nhiều trung tâm thương mại, ngay từ tầng trệt, chúng tôi đã choáng ngợp với đủ sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng của các bảng hiệu. Các nhà hàng tại trung tâm thương mại nào cũng tạo phong cách nhận diện riêng bằng bảng hiệu, hệ thống đèn led, đèn chùm… treo dọc trên trần nhà, trên tường. Gây chói lóa nhất là ánh đèn trong các tủ kính đựng đồ trang sức, đồng hồ có hệ thống đèn trắng chạy dọc hai bên tủ. Chỉ cần đứng ở những quầy này vài phút là mắt đã thấy khó chịu, phải dịch chuyển ra xa tủ kính.

Trong khi đó tại các cao ốc văn phòng, như tòa nhà Bitexco, Vietcombank Tower, Lim Tower, Melinh Point Tower... người làm việc ở nhữ ng nơi này phải chịu trận ô nhiễm ánh sáng từ tám đến mười tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chị Thu Hằng - nhân viên văn phòng tại một cao ốc trên đường Điện Biên Phủ, cho biết mỗi ngày chị phải ngồi nhập dữ liệu trên máy tính gần tám tiếng, văn phòng thì mở đèn từ sáng sớm, có đêm mắt chị mỏi nhừ, nhắm lại thấy tia chớp loạn xạ, khó ngủ.

Nhu cầu sử dụng đèn chiếu sáng nhà xưởng cũng ngày càng gia tăng, nhất là ở những khu công nghiệp lớn. Theo ghi nhận của PV tại một số công ty may mặc, giày da tại TP.HCM và các vùng lân cận, các nhà xưởng của công nhân sử dụng ánh sáng đèn điện mức tối đa. Hàng trăm bóng đèn được bật sáng choang. Hầu hết các doanh nghiệp đều có nhà xưởng lớn, trần cao, nên dùng bóng đèn cao áp có công suất lớn.

Từ rối loạn giấc ngủ đến trầm cảm, ung thư

Theo kiến trúc sư Trương Song Trương, trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM, chủ đầu tư của các cao ốc tại TP.HCM tận dụng mọi diện tích để xây dựng, bỏ qua việc thiết kế khoảng sân trong để lấy ánh sáng trời và giúp không gian thông thoáng. Chưa kể, quy định hiện nay cũng không buộc chủ đầu tư phải thiết kế khoảng sân trong nên việc thiếu ánh sáng tự nhiên tại các cao ốc là điều khó tránh khỏi. Thực tế, vẫn có cao ốc văn phòng được thiết kế khá tốt, lấy ánh sáng trời tự nhiên nhưng con số này rất hiếm.

Một số nghiên cứu về tác hại nghề nghiệp cho thấy các dạng lao động đòi hỏi độ chính xác cao (ví dụ lao động sản xuất linh kiện điện tử…), đòi hỏi điều kiện chiếu sáng đặc biệt, yêu cầu cao cả về cường độ chiếu sáng và kỹ thuật chiếu sáng. Ngay cả những dạng lao động thô, lao động công nghiệp nặng, nếu bố trí chiếu sáng không hợp lý có thể làm giảm năng suất lao động hoặc gây tai nạn lao động.

BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: mỗi tuần bệnh viện này tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân bị triệu chứng khó ngủ, mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học. Khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân này bị rối loạn giấc ngủ bởi ánh sáng đèn điện. Thành phần bị rối loạn giấc ngủ có liên quan đến yếu tố đèn điện là công nhân, sinh viên, giới văn phòng. Mới đây, bệnh viện này tiếp nhận một sinh viên bị rối loạn giấc ngủ do thức khuya học bài để thi học kỳ. Sau mùa thi, bệnh nhân này bị mất ngủ triền miên. Khi tái khám, bệnh nhân cho biết không thể tuân theo “liệu pháp tắt đèn” của bác sĩ để điều trị chứng mất ngủ vì các bạn cùng phòng không bao giờ tắt đèn. Thậm chí, mùa thi kết thúc, bạn bè cùng phòng cũng bật đèn sáng trưng để ngủ nên bệnh nhân không thể ngủ được.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân là nhân viên văn phòng cũng đi khám vì ánh đèn điện gây chói mắt, khiến nhức đầu, khó chịu, thậm chí không thể chợp mắt được và o buổi trưa. Theo bác sĩ Hạnh, con ngườ i phải ngủ từ 7-8 giờ mỗ i ngà y mới đủ giấc và giấc ngủ phải sâu. Lúc đó, hệ thần kinh mới sản xuất đủ chất melatonin và serotonin giúp điều hòa giấc ngủ, cân bằng nhịp sinh học cho cơ thể. Ngủ đủ giấc sẽ giảm mệt mỏi, lo âu, trị nhức đầu, trầm cảm, căng thẳng thần kinh, ù tai… Do đó, các bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ thường được hỗ trợ bằng “liệu pháp tắt đèn”.

TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chia sẻ: Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ từng có báo cáo về việc sử dụng ánh sáng đèn điện quá nhiều sẽ tăng nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu này được thực hiện trên 813 bệnh nhân nữ, độ tuổi từ 20 - 74 tuổi. “Thực tế, trong ánh sáng của đèn điện có chùm tia bức xạ không tốt. Tuy nhiên do tia rất yếu nên không đủ khả năng gây ra các bệnh ung thư như những tia bức xạ vốn có nhiều và nguy hiểm như ánh nắng gắt. Dù không gây bệnh trực tiếp nhưng ánh sáng từ đèn điện là yếu tố trung gian. Việc sử dụng đèn với năng suất lớn, sử dụng triền miên, nhất là vào ban đêm khiến không ít người khó ngủ, thậm chí mất ngủ kéo dài. Khi bị mất ngủ, việc sản xuất melatonin ở não sẽ bị ức chế. Khi chất này bị sản xuất một cách “trì trệ” cơ thể sẽ gia tăng sự phóng thích của các estrogen (nội tiết tố nữ) từ buồng trứng. Lúc đó, phụ nữ sẽ có nguy cơ bị ung thư vú hơn”, BS Thịnh chia sẻ.

O nhiem anh sang: Cai chet den tu tu
Mặc dù giữa ban ngày, các văn phòng đều bật đèn sáng choang

Hiện Việt Nam chưa có các số liệu nghiên cứu về ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thế nhưng, trao đổi với PV báo Phụ Nữ, BS Đinh Xuân Ngôn - Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường (Hà Nội) khẳng định: “Tất cả các loại đèn chiếu sáng như đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang… nếu sử dụng quá cường độ cho phép sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, nhức mắt, ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý của người lao động”.

BS Huỳnh Tấn Tiến, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động & môi trường TP.HCM nhận định: “TP.HCM có nhiều tòa nhà cao ốc không mở rèm và tận dụng ánh sáng tự nhiên, mà lại lạm dụng ánh sáng đèn điện. Đây là nguyên nhân gây tốn năng lượng và hệ lụy là tăng vọt lượng khí carbonic khiến môi trườ ng nóng lên. Chưa kể, nhiều nơi quá lạm dụng ánh sáng nhân tạo, gây khó chịu. Ở trạng thái bình thường, mắt con người có thể chịu được cường độ ánh sáng đến khoảng 600 lux. Người làm việc ở văn phòng dùng ánh sáng tự nhiên 300 lux là tốt nhất. Ánh sáng quá mạnh sẽ chiếu trực tiếp vào võng mạc, gây suy nhược thần kinh, mất ngủ, mắc chứng hay quên, rối loạn giấc ngủ…”.

Cũng theo BS Tiến, đối với một số ngành đòi hỏi tính chính xác rất cao, buộc phải sử dụng ánh sáng mạnh như: may mặc (700 lux), lắp rắp các bộ phận cực kỳ chính xác như điện tử (1.000 lux)... các cơ sở phải để người lao động có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài ra, phải biết “phân bổ” ánh sáng ở các khâu, các phòng không giống nhau. Ví dụ ở bệnh viện, phòng khám có thể dùng ánh sáng 750 lux, nhưng phòng mổ thì phải lên mức cực đại là 10.000 lux. BS Tiến lưu ý, thời gian người lao động sử dụng ánh sáng với cường độ mạnh không được kéo dài.

Thu Hồng - Văn Thanh

Bào mòn sức khỏe

Trái đất dường như chẳng thể “chợp mắt” dù chỉ một giây ở bất cứ nơi đâu có điện. Việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo tràn lan được cho là tiền đề khiến con người gánh chịu nhiều hậu quả về sau.

Các nhà khoa học thuộc Cục Khí quyển - đại dương Mỹ (NOAA) mới công bố nghiên cứu cho thấy: 80% dân số thế giới và 99% dân số Mỹ và châu Âu sống dưới bầu trời đã bị ô nhiễm ánh sáng. Quốc gia càng phát triển, khả năng chịu ô nhiễm ánh sáng càng cao

Ô nhiễm ánh sáng từ các bóng đèn màu sắc sặc sỡ gây rối loạn thần kinh, cáu gắt, buồn phiền...

Đại học Haifa (Israel) kết luận, phụ nữ sống ở những khu đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 73% so với phụ nữ ở những nơi tận dụng ánh sáng từ thiên nhiên. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thêm các hoạt động liên quan đến rối loạn nhịp sinh học vào danh sách các yếu tố gây bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu tin rằng, tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm về lâu dài có thể dẫn đến ung thư vú, ung thư ruột kết, trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt. Sống trong môi trường có quá nhiều ánh sáng nhân tạo còn gây rối loạn đồng hồ sinh học, khiến cơ thể rối loạn vì luôn đặt trong trạng thái tỉnh táo bất đắc dĩ.

Mới đây, WHO xếp rối loạn nhịp sinh học vào danh sách những yếu tố có khả năng gây ra ung thư. Rối loạn nhịp sinh học còn dẫn đến tác hại khôn lường ở nữ giới, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng vào đêm khuya còn dẫn đến nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, ô nhiễm ánh sáng từ việc lạm dụng quá nhiều màn hình điện thoại di động, màn hình máy tính có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố, làm giảm khả năng thụ thai, ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Theo WHO, tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng nhân tạo còn ảnh hưởng đến thị lực.

Thiên Anh (Theo Nature World News, Science Advances, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI