Ở nhà một mình, trẻ dễ gặp tai nạn

13/04/2018 - 11:30

PNO - Hè là thời điểm rất dễ xảy ra tai nạn với trẻ do các bé nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, không quan tâm sâu sát đến con.

Dịp hè hàng năm, lượng bệnh nhi nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tăng trên 20%. Bác sĩ Đinh Tấn Phương - khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 - lưu ý phụ huynh tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình; kể cả những trẻ lớn vẫn cần có người lớn để mắt.

Trẻ tự trông nhau

O nha mot minh, tre de gap tai nan
Nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao khi trẻ ở nhà một mình

Một trong các tình huống nguy hiểm nhưng phụ huynh ít để ý đó là để các bé tự trông nhau. Vài ngày trước, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một trường hợp hết sức đau lòng. Bé 2 tháng tuổi được mẹ cho ngủ chung với anh trai 4 tuổi. Trong lúc ngủ say, bé anh đã đè em mình ngạt thở. Hiện bé em vẫn đang hôn mê, nằm theo dõi tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện.

“Đó chỉ là trường hợp điển hình, cảnh tỉnh cho cha mẹ khi để các bé tự trông nhau. Rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra vì bé anh/chị cũng là trẻ em, chưa đủ năng lực và nhận thức để đảm đương trách nhiệm quan trọng mà ngay cả người lớn còn chưa chắc làm nổi”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Các loại chấn thương do té ngã

Tai nạn hàng đầu trong mùa hè ở trẻ em là chấn thương do té ngã, đặc biệt nguy hiểm là các tình huống ngã từ trên cao. Các chấn thương nhẹ là xây xát tay, chân, phần mềm, nặng hơn thì gãy tay, chân, thậm chí chấn thương sọ não và tử vong.

Tình huống thường xảy ra lúc các bé bắc ghế leo trèo với lên nóc tủ, kệ cao để lấy đồ chơi, thức ăn... Để tránh xảy ra tai nạn, phụ huynh tuyệt đối không cất giấu thức ăn, đồ vật có màu sắc bắt mắt trên cao, nơi trẻ em dễ thấy. 

Nhà có trẻ nhỏ, khi sắp xếp bất cứ vật dụng nào cha mẹ cũng phải nghĩ tới nguy cơ bé có thể vấp té. Cạnh bàn, cạnh tủ nếu có góc sắc nhọn, cần lấy đồ bọc lại nhằm hạn chế sát thương khi trẻ bất cẩn 
va phải.

Ngoài ra, liên quan đến tai nạn do té ngã, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ chơi gần khu vực cửa sổ, ban công. Cần có khung cửa để chắc chắn rằng, trẻ không bao giờ rơi xuống bên ngoài. 
Sàn nhà cần được lau khô, thảm trải sàn nên dùng loại nhám để tránh nguy cơ trượt ngã cho trẻ.

Chết đuối trong nhà tắm

O nha mot minh, tre de gap tai nan

Không phải cứ ra ao hồ, sông, biển, đi bơi trẻ mới có nguy cơ đuối nước. Một thau nước trong nhà tắm hay lu nước mưa ngoài sân cũng có thể trở thành cái bẫy chết người. Những trẻ trong độ tuổi chập chững biết đi rất thích nghịch nước, chẳng may ngã chúi đầu vào xô nước mà không có người lớn bên cạnh, trẻ sẽ bị ngạt nước và không thể tự thoát ra được. 

Để an toàn, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ chơi trong khu vực nhà tắm hoặc gần hòn non bộ. Trong nhà cần dẹp bỏ các xô chậu hoặc vật dụng chứa nước. Tốt nhất, phụ huynh và các thành viên khác trong nhà cần tập thói quen đóng cửa phòng tắm sau khi sử dụng. Chậu cá kiểng cũng nên đặt cao hơn tầm với của trẻ.

Bỏng và điện giật

Bỏng là một tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ, tăng cao trong mùa hè. Đa số các tình huống trẻ bị bỏng xảy ra ở khu vực bếp núc. Vừa qua, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bé 15 tháng tuổi bị bỏng nước sôi nghiêm trọng. Bé chập chững đi vào bếp thò tay với phích nước để trên mặt bàn và bị nước sôi đổ vào người. Hiện bệnh nhi này đang được theo dõi tại khoa phỏng của bệnh viện, tiên lượng rất dè dặt. 

Để ngừa bỏng, cũng không nên để trẻ nghịch hộp quẹt diêm, hộp quẹt ga. Ngoài bỏng, trẻ em rất dễ bị điện giật. Những bé mới biết bò dễ bị thu hút bởi ánh đèn chớp tắt ở khu vực bàn thờ ông địa. Nhiều tình huống trẻ bị điện giật khi chạm phải dây điện bị hở do lâu ngày lớp vỏ nhựa lão hóa hoặc bé nắm bóng đèn.

Khi bị điện giật, ngoài gây bỏng tại chỗ, trẻ có thể bị suy hô hấp, trụy tim mạch, tử vong. Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ điện giật, tất cả ổ điện trong nhà cần được lắp đặt ở vị trí cao để bé không với tới. Các gia đình có trẻ nhỏ nên sử dụng loại ổ cắm có nắp đậy để hạn chế tình huống bé bị điện giật do tò mò đút tay vào ổ cắm.

Hiểm họa từ vật nuôi, côn trùng

O nha mot minh, tre de gap tai nan

Trẻ nghỉ hè ở nhà cũng đối diện với nguy cơ bị chó, mèo cắn, ở nông thôn thì bị rắn cắn và ong đốt. Cho trẻ gần gũi với vật nuôi để bé biết chia sẻ và yêu thương là tốt. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết những giới hạn để giữ bé được an toàn. 

Chẳng hạn khi bé vuốt ve chó, mèo, cần có người lớn ở gần canh chừng, tránh để trẻ giỡn quá đà làm đau vật nuôi, khiến thú cưng nổi cáu cắn lại. Chó, mèo cần được chích ngừa dại, bởi nếu chó, mèo liếm vào vết xước ngoài da cũng có thể lây bệnh dại cho con người. 

Tại những vùng quê, khi nghỉ hè, trẻ thường tự do chơi đùa ngoài ruộng vườn hoặc trong rừng nên nguy cơ bị rắn cắn và ong đốt rất cao. Cha mẹ hãy dặn dò con tránh chơi ở những nơi có bụi cây rậm rạp, ao hồ, không được chọc phá tổ ong. 

Uống nhầm thuốc và hóa chất

Với bản tính tò mò, thích khám phá, trẻ có thể nghĩ rằng, những viên thuốc là kẹo, các dung dịch khác đều là nước.

Ngày 8/4, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cấp cứu một bé trai 13 tháng tuổi được chuyển lên từ Đồng Nai do uống nhầm thuốc an thần của mẹ. Bệnh nhi đang được theo dõi, lo ngại nhất là những biến chứng lên hệ thần kinh trung ương có thể để lại hậu quả lâu dài.

Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận trường hợp trẻ em uống nhầm thuốc và hóa chất. Nhiều bé uống phải dung dịch tẩy rửa, xăng dầu, ô-xy già… do người lớn đựng trong chai nước suối khiến trẻ bị nhầm lẫn.

Bác sĩ Phương khuyến cáo, các gia đình cần để thuốc, hóa chất đúng nơi quy định, tránh khỏi tầm tay của trẻ nhỏ. Thói quen để thuốc và vật dụng bừa bãi của người lớn tiềm tàng hiểm họa khôn lường cho trẻ.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tai nạn sinh hoạt do bản tính hiếu động, chưa nhận thức được sự nguy hiểm. Dịp hè, cha mẹ cần thu xếp để có người lớn trông nom trẻ; mặt khác, bố trí các vật dụng trong nhà sao cho hợp lý, khoa học nhằm hạn chế hiểm họa cho trẻ.

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI